11:04, 26/04/2016

Sách dịch một thời

Những năm của thập niên 80 - 90, thời bao cấp và bắt đầu những năm mò mẫm của đổi mới, đời sống vô cùng khó khăn song mảng sách dịch lại cực kỳ phong phú, xuất hiện nhiều tác giả với các tác phẩm có giá trị. Sách ở đây xin được hiểu ở phạm vi hẹp là các tác phẩm văn học.

Những năm của thập niên 80 - 90, thời bao cấp và bắt đầu những năm mò mẫm của đổi mới, đời sống vô cùng khó khăn song mảng sách dịch lại cực kỳ phong phú, xuất hiện nhiều tác giả với các tác phẩm có giá trị. Sách ở đây xin được hiểu ở phạm vi hẹp là các tác phẩm văn học.


Nhắc lại những khó khăn trong đời sống những năm 80 - 90, lớp trẻ bây giờ không thể hình dung, chỉ những ai đã sống qua thời kỳ ấy mới hiểu và thấm thía. Để giờ đây, mỗi khi ngồi với nhau ôn lại, thấy rằng mình đã qua những tháng năm ấy bằng nghị lực sống phi thường.

 

Một số tác phẩm văn học Mỹ Latinh thời 80 -90
Một số tác phẩm văn học Mỹ Latinh thời 80 -90


Trái lại với đời sống kinh tế, đời sống văn học, nhất là mảng văn học nước ngoài được dịch sang tiếng Việt khi ấy lại phong phú lạ thường. Những người yêu thích văn học khi ấy vẫn háo hức chờ được mua những tác phẩm mới nhất, những tác phẩm vừa ra kệ sách đã làm dậy sóng giới phê bình. Mà nghĩ cũng vui, sách in trên giấy nứa, đen đúa, mặt láng mặt sần sùi. Mặt láng đọc còn tạm, chứ phía mặt sần thì chữ được chữ mất, vừa đọc vừa đoán. Vậy mà cuốn nào in cũng từ 20 - 30 ngàn bản.


Ngày ấy, những tác phẩm văn học được dịch từ Liên Xô luôn được đón chờ. Một loạt tác giả, tác phẩm đã đi sâu vào ký ức những người yêu văn học. Trước năm 1975, miền Bắc đã quen với nhiều tác giả với những tác phẩm thuộc hàng kinh điển thế giới như: Lev. Tolstoi, M. Solokhop, I. Dostoevsky, A. Phadeep... thì giai đoạn này các dịch giả đã cho công chúng yêu văn học được tiếp cận với hàng loạt gương mặt mới: Bình minh mưa, Bông hồng vàng, Một mình với mùa thu của K. Pautopsky; Sống mà nhớ lấy của V. Rapustin; Bến bờ, Trò chơi của I. Bondarep; Đoạn đầu đài, Và một ngày dài hơn thế kỷ, Chuyện núi đồi và thảo nguyên của Ts. Aitmatov; Chuyện một người chân chính của B. Polevoi... Thử hỏi, có thời nào mà các tác giả ở nước ngoài được công chúng ưu ái gọi bằng tên tắt đầy thân mật như Đốt (I. I. Dostoevsky hay Pau (K. Pautopsky)?


Sau những năm đổi mới, các dịch giả tiếp tục giới thiệu cho công chúng văn học trong nước những tác phẩm mang không khí đổi mới của Liên Xô như: Bác sỹ Zivago của B.Pasternak; Những đứa con phố Arbat của A. Rưbacop, Chuyện thường ngày ở huyện của V. Ovetskin… Đến bây giờ, “chuyện thường ngày ở huyện” đã thành một thành ngữ của rất nhiều người khi nói về những việc xảy ra hàng ngày. Có thể nói, những tác phẩm văn học từ Liên Xô thấm đẫm giá trị nhân văn đã góp phần không nhỏ cho việc bồi đắp, hình thành tính cách của cả một thế hệ.


Đáng nói hơn là giai đoạn này, lần đầu tiên người đọc trong nước mới được tiếp xúc với các tác phẩm của các nhà văn Mỹ Latinh. Những tác giả với tác phẩm mang phong cách chủ nghĩa hiện thực huyền ảo vô cùng mới lạ đã mở ra cho công chúng một cách tiếp cận thế giới mới, lập tức chiếm được cảm tình của công chúng: Trăm năm cô đơn, Ngài đại tá chờ thư, Tình yêu thời thổ tả… của G. Garcia Marquez, người Colombia; Ngôi nhà của những hồn ma của I. Agiende người Chile; Thế kỷ ánh sáng, Sự tráo trở của phương pháp của A.Carpenchie gốc Cuba; Miền đất quả vàng, Biển cả và ái tình của G.Amando người Brazil; Lửa và hủi của A. Bastot người Paraguay...


Thời đó, những dịch giả mà chỉ đọc cái tên lên thôi, những người yêu văn học đã yên tâm với công trình của họ. Mảng tiếng Nga có Đoàn Tử Huyến, Thúy Toàn, Lê Khánh Trường, Thái Hà... Mảng các tác phẩm Mỹ Latinh có Nguyễn Trung Đức, Đoàn Đình Ca... Có lẽ chính cái nền văn hóa vững chắc của họ đã chuyển tiếp trọn vẹn tinh thần các tác phẩm đó đến cho công chúng.


Tôi có một băn khoăn đến bây giờ vẫn chưa thể lý giải, đó là tại sao cái thời đói khổ như thế, nhưng đời sống văn học dịch lại phong phú và sâu sắc đến thế? Bạn tôi cũng là một kẻ mọt sách, suy nghĩ một hồi rồi phán: Thời ấy, những dịch giả có một “phông văn hóa” rất rộng và vững chắc, họ lại không bị áp lực đồng tiền, sống thuần túy cho văn chương và họ hiểu nên dịch tác giả nào, tác phẩm nào mà họ cảm nhận và yêu thích. Nghe cũng có lý.


Bây giờ, các nhà sách tràn ngập sách dịch. Cuốn nào cũng bìa cứng, giấy trắng sang trọng. Trẻ em thì thích loại truyện tranh manga của Nhật Bản và loại truyện tranh nhái theo. Thanh niên thì người chọn loại sách dạy làm giàu hoặc những tiểu thuyết diễm tình của Trung Quốc... Mảng văn học Âu - Mỹ thì hầu hết là các tác giả best- seller thể loại trinh thám. Sách tràn ngập nhưng để mua được một tác phẩm văn học đích thực, giàu chất văn, khơi gợi những cảm xúc tốt đẹp nơi người đọc thì không có nhiều.


Lâu lâu phủi bụi lại giá sách. Những cuốn truyện mua từ những năm 80 - 90 đen đúa, chữ in nhập nhèm, để thì chật giá sách vì đọc rất mỏi mắt. Bỏ đi thì tiếc vì không thấy tái bản để mua thay thế. Chả biết làm sao, thôi thì coi như kỷ niệm của một thời...


Thủy Ngân