10:04, 26/04/2016

Nhạc sĩ Hồ Bắc với Tổ quốc yêu thương

Cứ vào dịp kỷ niệm đại lễ chiến thắng 30-4, trên sân khấu ca nhạc hay phương tiện nghe nhìn lại vang lên câu hát: "Ta đi trên đường mùa xuân. Đường vang muôn tiếng hát thân thương. Trong ánh mắt nụ cười rạng rỡ. Ba mươi năm mới có một ngày. Quê hương ơi biết mấy tự hào. ...

Cứ vào dịp kỷ niệm đại lễ chiến thắng 30-4, trên sân khấu ca nhạc hay phương tiện nghe nhìn lại vang lên câu hát: “Ta đi trên đường mùa xuân. Đường vang muôn tiếng hát thân thương. Trong ánh mắt nụ cười rạng rỡ. Ba mươi năm mới có một ngày. Quê hương ơi biết mấy tự hào. Về đây Nam Bắc cầm tay ta hát trên con đường vui”. Đó chính là bài hát Tổ quốc yêu thương của nhạc sĩ Hồ Bắc.

 


Tổ quốc yêu thương được sáng tác vào năm 1976 nên có phong cách khác hẳn với những ca khúc đầy chất hào sảng, sôi nổi khí thế như lời reo ca ngút ngàn của Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh (Xuân Hồng), Đất nước trọn niềm vui (Hoàng Hà), Như có Bác trong ngày vui đại thắng (Phạm Tuyên )… Hồ Bắc dù rất hứng khởi nhưng ông lại thể hiện ca khúc của mình như một bức tranh rộng lớn về Tổ quốc với những gam màu dịu dàng, tha thiết nhưng vẫn tổng phổ tất cả những gì của 30 năm chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc. Không chỉ có vậy, Hồ Bắc phát triển cao hơn về Tổ quốc với ánh mắt lạc quan, nhân hậu và yêu thương để đúng với chủ đề tên của bài hát. Thật hiếm có bài hát nào có lời ca dài lại hoàn thiện như thế với chủ đề lớn lao này. Thật ra, với Hồ Bắc đây là sự tiếp nối mạch sáng tác theo chủ đề Tổ quốc, vì trước đó hơn 10 năm (1964), giai đoạn đầu của đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, nhạc sĩ đã có bài Ca ngợi Tổ quốc rất hoành tráng. Năm 1985, ca khúc này từng được đưa vào trong nhóm bài hát để chọn làm Quốc ca.


Trở lại với Tổ quốc yêu thương là hợp xướng cho những chương trình lớn, nhưng kỳ lạ thay lại  được hai đơn ca vàng lừng lẫy: Ái Vân và Kiều Hưng thể hiện. Mỗi người một vẻ nhưng toàn bích tới không ngờ, điều mà người sáng tác cũng không lý giải nổi. Có lẽ bài hát ra đời đúng thời điểm đất nước được hưởng trọn vẹn nền hòa bình, lòng người bình yên với niềm lạc quan mới: “Trời quê hương rộng cánh chim bay. Không còn bóng mây thù che lối. Nghe sóng biển rì rào cả hát. Như mạch máu dâng trào rộn trái tim ta”. Bởi thế, cho tới tận hôm nay, ca khúc này vẫn là giai điệu tự hào của nền âm nhạc cách mạng.


Không chỉ có Tổ quốc yêu thương, Hồ Bắc có rất nhiều bài hát rất nổi tiếng lay động hàng triệu con tim. Thời đầu kháng chiến, năm 1949, khi còn là chàng trai 19 tuổi, chỉ biết sơ về nhạc lý mà Hồ Bắc đã làm chấn động giới âm nhạc khi sáng tác bài hát Làng tôi trùng tên với ca khúc nổi tiếng của đàn anh Văn Cao sáng tác trước đó 2 năm. Hồ Bắc nhớ lại, khi đó đi kháng chiến cứ nhớ về làng quê miền quan họ của mình thấy da diết quá: “Làng tôi sau lũy tre mờ xa. Tình quê yêu thương những nếp nhà”. Qua bài Làng tôi thể hiện sự tài năng rất lớn của Hồ Bắc, bởi lẽ ông dám viết trùng tên, chủ đề của làng quê Việt thời đầu kháng chiến chống Pháp với Văn Cao, vậy mà sau này Văn Cao gật gù bái phục Hồ Bắc vì cách thể hiện.


Tiếp nối Làng tôi, cũng thời điểm này, Hồ Bắc có bài  Bên kia sông Đuống phổ thơ Hoàng Cầm, đồng hương với ông. Đây là bài hát hay từ giai điệu tới lời ca, tiêu biểu cho dòng nhạc trứ danh thời chống Pháp như: Sông Lô, Bắc Sơn (Văn Cao), Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi), Du kích sông Thao (Đỗ Nhuận), Bộ đội về làng (Lê Yên), Quê em miền trung du (Nguyễn Đức Toàn).


Hòa bình lập lại năm 1954, Hồ Bắc chuyển hẳn phong cách sáng tác theo đúng xu thế hào sảng, vui tươi, lạc quan. Ông có những ca khúc nổi tiếng: Gửi Việt Trì thành phố ngã ba sông, Bến cảng quê hương tôi, Sài Gòn quật khởi…, đặc biệt là nhóm hợp xướng ca ngợi Tổ quốc. Ông còn là nhạc sĩ dịch lời cho hàng trăm ca khúc nước ngoài khi làm biên tập viên ở Đài Tiếng nói Việt Nam gần 40 năm.


Năm nay ông đã 87 tuổi, sống viên mãn với người thân ở Hà Nội với tâm hồn dạt dào lạc quan của người trai quan họ Kinh Bắc.


Lê Đức Dương