11:03, 18/03/2016

Nghệ sĩ Xuân Hinh - cung văn của những giá đồng đặc sắc

Nói về Nghệ sĩ Ưu tú Xuân Hinh, người ta nghĩ ngay tới những hề chèo đặc sắc đầy màu sắc dân gian như: Cu Sứt, Người ngựa - ngựa người, Lý Toét… Anh là danh hài chèo số 1 của Việt Nam hiện tại với mức độ "rating" (lượt người xem) đĩa CD, VCD và Youtube khổng lồ ở thị trường phía bắc.

Nói về Nghệ sĩ Ưu tú Xuân Hinh, người ta nghĩ ngay tới những hề chèo đặc sắc đầy màu sắc dân gian như: Cu Sứt, Người ngựa - ngựa người, Lý Toét… Anh là danh hài chèo số 1 của Việt Nam hiện tại với mức độ “rating” (lượt người xem) đĩa CD, VCD và Youtube khổng lồ ở thị trường phía bắc. Nhưng mọi người không để ý rằng Xuân Hinh còn là một cung văn (người hát chầu văn) đẳng cấp với những giá đồng (bài văn hát đồng) đặc sắc của tinh hoa hát chầu văn.


Hề chèo đất Bắc


Nghệ sĩ Xuân Hinh sinh ra và lớn lên miền quan họ Bắc Ninh nhưng không theo nghiệp hát của quê hương mà theo hát chèo. Lý do thật đơn giản, tuổi thơ nghèo khó của Xuân Hinh bươn chải cùng gia đình, món quà thư giãn của anh chính là chương trình hát chèo của Đài Tiếng nói Việt Nam phát vào lúc 11 giờ 30 hàng ngày, đây là tiết mục kinh điển đã gieo vào lòng người suốt thập niên 70 của thế kỷ trước.

 

Nghệ sĩ Ưu tú Xuân Hinh trình diễn một giá đồng
Nghệ sĩ Ưu tú Xuân Hinh trình diễn một giá đồng


Xuân Hinh mê chèo, nhưng trời còn cho anh một chất giọng rất chèo: đầy âm sắc với cao vực pha trộn ngôn ngữ cổ của làng quê Việt nên chỉ cần học hành bài bản anh đã có chỗ đứng ngay. Anh được giữ lại làm thầy nhưng đã từ chối để làm nghệ sĩ biểu diễn: đầu quân cho Nhà hát Chèo Hà Nội, nơi có những nghệ sĩ tài năng như: Quốc Chiêm, Thanh Trầm, Lâm Bằng, Quý Bôn… Nhưng có vẻ trời sinh ra Xuân Hinh để làm anh hề chèo, bởi “vua hề chèo” - NSND Mạnh Tuấn  khi  thấy anh diễn đã thốt lên: “Ta có truyền nhân rồi đây!”. Và cùng với nghệ sĩ Quốc Trượng, Xuân Hinh trở thành đệ tử ruột của NSND Mạnh Tuấn. Hiển nhiên, Xuân Hinh đã làm được hơn cả mong đợi của thầy Mạnh Tuấn. Từ đó, trong các vở kịch chèo, những vai hề đều được giao cho Xuân Hinh tung hoành. Cũng cần nói thêm rằng, trong kịch chèo, hề chèo là một mảng miếng rất quan trọng, rất nhiều đất diễn nhưng không phải diễn viên nào cũng đủ tài gánh vác được, nếu không muốn nói là cực hiếm.


Từ sàn chính kịch, Xuân Hinh bước ra làm riêng những vở hài kịch chèo mang thương hiệu của mình cùng với cô đào cải lương bắc Thanh Thanh Hiền thành cặp diễn ăn ý và hiếm có. Cùng diễn ở làng quê, Xuân Hinh còn sản xuất băng đĩa với độ ăn khách chưa từng có, bởi với người mê chèo thì ngày Tết người ta đều hỏi: “Sắp Tết, có đĩa Xuân Hinh mới nào không?”. Trên kệ đĩa nhan nhản hình ảnh Xuân Hinh vào vai cười toe toét.


Cung văn của những giá đồng đặc sắc


Khi những CD - VCD có tên Văn ca Thánh Mẫu, Văn ca Chúc Thánh ra mắt, người xem mới hiểu rằng Xuân Hinh không phải là “Cu Sứt” chỉ có chọc cười mua vui dịp Tết đến xuân về, mà đó còn là một nghệ sĩ đa tài đầy tâm huyết với loại hình nghệ thuật dân tộc đặc biệt là hát chầu văn. Cho tới giờ này, rất nhiều người yêu văn nghệ cũng chưa hiểu hết được hát chầu văn. Đó là lý do Xuân Hinh nguyện làm sứ giả của “tiền nhân” với công chúng hiện đại hôm nay.


Hát chầu văn là một loại hình nghệ thuật hát cổ truyền xuất xứ ở đồng bằng Bắc Bộ (Nam Định và ven Hà Nội) để phục vụ nghi lễ hầu đồng của tín ngưỡng tứ Phủ (trời - đất - sơn - thủy), đặc biệt là thờ Mẫu. Nếu khó hiểu, ta hãy xem lại một đoạn của “giá đồng” (bài văn hát theo chủ đề riêng biệt) Văn Cô bé của Xuân Hinh. Thật tuyệt vời. Ở đây, cung văn Xuân Hinh hóa thân vào cô bé miền ngược với mũ áo thật tưng bừng, rộn ràng. Đấy là Xuân Hinh chỉ thể hiện phần nghệ thuật trình diễn gồm hát, múa, điệu bộ cùng hiệu ứng xung quanh chứ với hầu đồng còn phần “nhập thánh” thì “gai người” hơn. Vì trong chầu văn - nghi lễ cúng duy nhất của người Việt với tổng thể các loại hình nghệ thuật hội tụ, có khoảnh khắc cung văn sẽ được “thánh nhập hiển linh” để giao thức với người hiện tại. Đây cũng là kẽ hở cho sự mê tín dị đoan, làm cho hát chầu văn bị đánh giá sai lệch, bị cấm đoán một thời gian dài, người cung văn cũng bị cho là ông đồng bà cốt, thánh cô thánh cậu…


Với nguyên bản cung văn đó là người diễn, khi hát bài văn gì thì người xem sẽ hiểu đó đang ở “giá” nào như: Ông Hoàng Mười, ông Hoàng Bảy, Cô bé Thượng Ngàn… Mỗi một giá có hình thức diễn riêng, mà trong chầu văn có tới 36 giá, hiếm người có thể thuộc, thấu hiểu và diễn được một nửa số đó. Xuân Hinh cũng tự nhận đang cố gắng thực hiện.


Điều đáng quý mà Xuân Hinh đang làm với chầu văn là phục dựng những giá đồng tiêu biểu đặc sắc, mà theo anh nói là tinh hoa để diễn - thu hình quảng bá cho cộng đồng. Với một giá đồng nguyên bản, độ dài của bài văn diễn phải hơn một tiếng đồng hồ thì Xuân Hinh dựng lại chỉ còn 10 tới 15 phút nhưng chắt lọc hết hồn cốt của giá đồng đó. Hiện nay, anh đã làm xong các giá đồng: Ông Hoàng Mười, ông Hoàng Bảy, Văn Cô bé,  Cô bé Thượng Ngàn, Văn Thánh Mẫu…


 Như vậy, cùng với nhà văn Nguyễn Xuân Khánh - người đã viết hẳn một quyển tiểu thuyết có tên Mẫu Thượng Ngàn để nói về phong tục thờ Mẫu với hát chầu văn của Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX - thời kỳ đỉnh cao của hát chầu văn, đến đầu thế kỷ XXI, nghệ sĩ chèo Xuân Hinh lại làm sứ giả, làm cho hình ảnh, âm sắc của hát chầu văn lung linh, huyền ảo thêm qua VCD của mình. Khi được hỏi nguyên do vì sao lại làm chầu văn, nghệ sĩ bộc bạch rất chân tình: “Mình đã được tiền nhân cho ăn lộc, hưởng lộc thì phải trả ơn bằng việc góp phần giữ gìn tài sản tinh thần cho tiền nhân”.

 
DƯƠNG TRANG HƯƠNG