10:02, 16/02/2016

Thanh Hoa - giọng ca mùa xuân

Cứ mỗi khi xuân về, trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam lại vang lên những bài ca về mùa xuân và có một giọng ca đã thể hiện trọn vẹn âm sắc của những ca khúc xuân đó: ca sĩ - Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Hoa.

Cứ mỗi khi xuân về, trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam lại vang lên những bài ca về mùa xuân và có một giọng ca đã thể hiện trọn vẹn âm sắc của những ca khúc xuân đó: ca sĩ - Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Hoa.


Rất tình cờ, bài hát đầu tiên Thanh Hoa lên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1970 có chủ đề về mùa xuân: Cánh chim mùa xuân (nhạc sĩ Huỳnh Thơ). Khi đó, cô gái người Hà Nội với đôi mắt to, hàng lông mi rợp cong tròn 20 tuổi. Nếu nói không quá thì hình như Thanh Hoa rất có duyên với những bài hát về mùa xuân của dòng nhạc cách mạng thập niên 80. Không phải ngẫu nhiên nhạc sĩ Ngọc Khuê khi đã thẩm thấu được niềm thăng hoa tới tột đỉnh của người nghệ sĩ trước cảnh sắc mùa xuân ở làng hoa Nhật Tân - Hồ Tây thì anh nghĩ ngay đến Thanh Hoa: Mùa xuân, làng lúa làng hoa - bài hát này chỉ dành cho Thanh Hoa. Giọng ca trời phú có một không hai của Thanh Hoa đã đưa bài hát tới đỉnh cao về chủ đề mùa xuân và Hà Nội. Có người từng nói, bây giờ Hà Nội vẫn Hồ Tây đấy, vẫn có những luống hoa, vẫn có vườn đào trong sương ảo nhưng không bao giờ có cảnh “làng lúa làng hoa” như thời xưa đã làm say đắm nhạc sĩ quân đội Ngọc Khuê. Người góp vẽ bức tranh về cảnh xuân đẹp kia chính là Thanh Hoa. Giọng nữ cao của chị trong veo như giọt sương, vút thanh như cánh én chao giữa trời xuân soi Tây Hồ. Sau Thanh Hoa có tới 3 ca sĩ thể hiện bài hát này như: Trung Anh, Quỳnh Liên, Ngọc Lan nhưng người ta chỉ thích nghe bản nhạc thu đầu tiên năm 1980 được phối với khúc dạo đầu bằng dàn nhạc dây làm nền cho giọng ca của Thanh Hoa.

 


Thanh Hoa là một trong những ca sĩ đương đại được thu âm và hình với số lượng rất lớn, gần 400 bài hát, vì sau khi tốt nghiệp trường nhạc cuối thập niên 70, chị được biên chế vào Đoàn Ca nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam. Bởi thế, gần như các bài hát hay nhất của các nhạc sĩ thuộc dòng nhạc cách mạng đều được Thanh Hoa thể hiện. Có một biên tập viên nhạc đã từng nói trong kho âm thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, Thanh Hoa chiếm riêng một góc lớn. Nhưng con số không nói nên điều gì, vấn đề là chất lượng. Tuy là giọng ca Hà Nội thứ thiệt nhưng Thanh Hoa thể hiện rất đa dạng những thể loại ca khúc. Với Thuận Yến, Trần Hoàn, An Thuyên, chị hát các ca khúc về Bác Hồ như: Bác Hồ một tình yêu bao la, Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm, Đêm nghe đò đưa nhớ Bác… Chủ đề về biên cương (phía bắc và biển  đảo) có các bài hát: Mùa xuân biên cương, Gửi em ở cuối sông Hồng, Chín bậc tình yêu… Đặc biệt, những ca khúc mang âm hưởng dân ca mọi miền đất nước, chị đều làm cho các nhạc sĩ thỏa lòng: Em chọn lối này, Ca dao em và tôi, Mùa xuân biên cương… Tuy nhiên, giữa hàng trăm ca khúc chị đã thể hiện thì với những bài hát của nhạc sĩ  Phan Lạc Hoa - người chồng quá cố đầy bi kịch thì đó không chỉ là say nghề mà là máu thịt cùng tâm can của người đàn bà hát: Tình yêu trên dòng sông quan họ, Tàu anh qua núi, Mùa xuân biên cương. Thật kỳ lạ, không ai nghĩ rằng có những lúc Thanh Hoa cất tiếng vút cao trên sân khấu hay trên làn sóng phát thanh thì đó cũng là lúc trái tim chị rỉ máu vì đau đớn trong cuộc sống, như câu thơ của Phạm Tiến Duật: “Cây cúc đắng quên mình đang đắng/Trổ hoa vàng, dọc suối để ong bay”. Chưa kể chị phải vượt qua những điều tiếng thị phi về cái chết của người chồng tài hoa Phan Lạc Hoa. Vì thế, sau này nhạc sĩ Phú Quang có bài hát Tâm sự người ca sĩ: “Và từng lời ca hát từ lòng tôi bao điều xót xa/Về một dòng sông chất nặng phù sa sâu thẳm trong ta/Về bầu trời cao, về một đỉnh núi ngời chói khát vọng” thì Thanh Hoa hát say mê như đó là sự giãi bày nỗi lòng mình.


Cứ mùa xuân đến, người ta thường ngậm ngùi với lòng mình rằng sao thời gian trôi nhanh thế, ai cũng nghĩ về quá khứ tươi xanh của mình và Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Hoa với những bài hát mùa xuân nổi tiếng như Mùa xuân, làng lúa làng hoa lại khơi lại cho người nghe niềm cảm xúc về mùa xuân đã qua đầy long lanh như giọt sương trên cánh hoa đào.


Lê Đức Dương