Những ngày đầu năm Bính Thân 2016, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhiều hoạt động phục vụ người dân và du khách. Những hoạt động như: múa lân sư rồng, hội bài chòi, triển lãm Tết xưa - Tết nay, cờ người, thư pháp… đã tạo nên không gian văn hóa đậm nét truyền thống.
Những ngày đầu năm Bính Thân 2016, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhiều hoạt động phục vụ người dân và du khách. Những hoạt động như: múa lân sư rồng, hội bài chòi, triển lãm Tết xưa - Tết nay, cờ người, thư pháp… đã tạo nên không gian văn hóa đậm nét truyền thống.
Mùng 5 Tết Bính Thân 2016 (12-2), Câu lạc bộ (CLB) Cổ vật Khánh Hòa phối hợp với Bảo tàng tỉnh tổ chức phiên chợ đồ xưa. Từ những chiếc đĩa sứ thời Minh, Thanh (Trung Quốc), đồ sứ thời Nguyễn, đồ gốm Chu Đậu, chén đĩa gốm Bát Tràng, tượng gốm Nam Bộ hàng trăm năm tuổi, đến những đồ xưa dùng trong thời bao cấp như: radio, máy đánh chữ, xe đạp, đồng hồ, phích nước đều có mặt ở phiên chợ độc đáo này. Mỗi món đồ mang theo những câu chuyện của bản thân chúng và cả những người sở hữu chúng, trong đó có những vật đã được truyền đến 2 - 3 đời, cũng có đồ vật được chủ nhân sưu tầm từ vựa đồng nát.
Ca múa nhạc chào Xuân Bính Thân 2016 |
So với lần tổ chức đầu tiên vào xuân Ất Mùi 2015, năm nay, phiên chợ đồ xưa thu hút khá đông người đến thưởng ngoạn. Ngoài những người ở Nha Trang, còn có một số nhà sưu tập ở Ninh Hòa, Gia Lai đến xem. Nhiều khách du lịch đến tham quan Bảo tàng tỉnh đã rất thích thú khi được nhìn lại những vật dụng quen thuộc một thời như: xe đạp pơ-giô (Peugeot), quạt tai voi, đèn tọa đăng, bình tông, phích nước có vỏ làm bằng ống dù pháo sáng... Trong phiên chợ, dù chưa nhiều nhưng đã có những giao dịch mua bán được tiến hành. “Chúng tôi tổ chức phiên chợ đồ xưa để tạo điểm sinh hoạt văn hóa cho những người yêu đồ cổ, đồ xưa cùng đến mua, bán và giao lưu, gặp gỡ... Hy vọng, những hoạt động như thế này sẽ nhân rộng hơn số người quan tâm đến thú chơi cổ vật, góp phần gìn giữ văn hóa dân tộc”, ông Đào Hòa - Chủ nhiệm CLB Cổ vật Khánh Hòa chia sẻ.
Cùng với phiên chợ đồ xưa, du khách đến với Bảo tàng tỉnh còn được khám phá những nét văn hóa truyền thống qua triển lãm Tết xưa - Tết nay, triển lãm cổ vật và sinh vật cảnh. Hình ảnh ông đồ áo the khăn đóng ngồi viết câu đối, các trò chơi dân gian, phong tục đón Tết ở 3 miền Bắc - Trung - Nam đã giúp người xem có cái nhìn khá toàn cảnh về Tết Việt. Bên cạnh đó, những bức tranh Đông Hồ, Hàng Trống (in lại) cũng gợi nhớ đến sắc màu văn hóa của dân tộc. Chị Nguyễn Thu Hằng (khách du lịch đến từ Hà Nội) cho biết: “Tôi rất thích thú khi được nhìn lại những bức tranh Tết truyền thống, những vật dụng của thời bao cấp trưng bày ở đây… Những hình ảnh, đồ vật xưa cũ ấy nhắc nhở chúng ta nhớ về một thời gian khó, về những nét đẹp văn hóa của cha ông”.
Hội bài chòi đã làm sống lại một nét văn hóa độc đáo |
Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa phục vụ khách đến tham quan khu di tích Tháp Bà Ponagar. Đến đây, du khách bắt gặp những thiếu nữ Chăm dịu dàng ngồi dệt thổ cẩm, nặn gốm; say sưa ngắm nhìn các vũ điệu Chăm theo nhịp trống Ghinăng rộn ràng và kèn Saranai réo rắt. Cùng với trình diễn văn hóa Chăm, dấu ấn văn hóa truyền thống còn hiện diện đậm nét qua các hoạt động biểu diễn nghệ thuật thư pháp, trưng bày tượng đất nung, biểu diễn tuồng cổ…
Trong những ngày Tết, Quảng trường 2-4 luôn là điểm hẹn văn hóa. Tối 29 Tết, Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng phối hợp với Nhà hát Nghệ thuật truyền thống và Trung tâm Văn hóa tỉnh biểu diễn chương trình ca múa nhạc Chào mừng xuân Bính Thân. Trong chương trình, các nghệ sĩ, diễn viên của 3 đơn vị đã biểu diễn nhiều ca khúc, điệu múa vui tươi đón chào xuân mới, nổi bật là các ca khúc về mùa xuân, ca ngợi quê hương, đất nước. Ngoài ra, các diễn viên của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh còn giới thiệu đến công chúng những nét văn hóa độc đáo của xứ Trầm Hương qua các màn dân ca, dân vũ đậm nét duyên quê. Đặc biệt, Trung tâm Văn hóa tỉnh cũng đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống như: múa lân sư rồng (tối mùng 2 Tết), thi đấu cờ người (các chiều từ mùng 2 đến mùng 5 Tết), đờn ca tài tử, hội bài chòi (từ mùng 1 Tết đến rằm tháng Giêng). Trong đó, hội bài chòi dân gian đã làm sống lại không gian sinh hoạt văn hóa gần gũi của người dân Nam Trung Bộ. Nhiều du khách đã rất thích thú khi được tham gia trò chơi này, cũng như xem các nghệ nhân diễn những trích đoạn bài chòi cổ như: Phạm Công - Cúc Hoa, Lâm Sanh - Xuân Nương... Ông Đặng Văn Hùng (Quảng Bình) bày tỏ: “Ngày còn nhỏ, quê tôi cũng hay tổ chức chơi bài chòi nhưng nay không còn nữa. Lần này đến Nha Trang du xuân, tôi rất thích thú khi được tham gia hội bài chòi, nó làm tôi nhớ lại những kỷ niệm xưa”.
Ngoài các hoạt động quen thuộc như: ca múa nhạc, triển lãm sinh vật cảnh, những năm gần đây, các hoạt động như: Hội bài chòi, thi đấu cờ người, triển lãm tranh Tết, cổ vật... đã góp phần tô đậm thêm nét văn hóa truyền thống dân tộc ở xứ Trầm Hương.
XUÂN THÀNH