12:06, 21/06/2015

Ngẫm về nghề báo

Hôm nay (21-6), các cơ quan thông tấn, báo chí trong cả nước cũng như hội viên nhà báo, phóng viên hân hoan kỷ niệm 90 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2015). Ngoảnh lại, tôi chợt thấy thời gian trôi qua mau.

Hôm nay (21-6), các cơ quan thông tấn, báo chí trong cả nước cũng như hội viên nhà báo, phóng viên hân hoan kỷ niệm 90 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2015). Ngoảnh lại, tôi chợt thấy thời gian trôi qua mau. Mới ngày nào chập chững bước chân vào làng báo, vậy mà giờ đây, mình cũng đã thuộc hàng có thâm niên. Nói như vậy không phải khoe mẽ, mà chỉ để thấy rằng, làm nghề báo, tôi có cảm giác thời gian trôi đi rất nhanh.


Làm báo, được đi, được viết, tôi thấy không có gì thú vị cho bằng. Còn nhớ, ngày tôi mới vào nghề, khi nói chuyện với một nhà báo lão thành, ông hỏi: “Thế cậu đã đi hết các xã, phường, thị trấn trong tỉnh chưa?”. Tôi ấp úng không biết phải nói thế nào, bởi mình mới tập tò làm báo và cũng chưa có đủ thời gian để có thể thâm nhập thực tế “dày” đến vậy. Nhưng dù sao, câu hỏi ấy cũng làm tôi suy nghĩ. Từ đó, dù miền núi xa xôi hay nông thôn hẻo lánh, tôi đều cố gắng đến, kể cả các đảo, điểm đảo ở huyện đảo Trường Sa, cứ cố gắng để được đi càng nhiều càng tốt, bởi thời gian không chờ ai cả...


Làm báo có rất nhiều điều thú vị, được đi để chiêm nghiệm, được viết lên những cảm nhận, cảm xúc của mình, có vui, có buồn. Vui khi bài viết của mình được ra trang nhất, được nhiều người đọc, hưởng ứng, khen ngợi... Buồn mỗi khi chuyện tiêu cực, cái xấu... được đưa lên mặt báo, dù ít hay nhiều, những người bị ảnh hưởng thường “nhảy dựng” lên trước khi bàn đến chuyện đúng hay sai. Buồn nhất vẫn là tin, bài của mình bị “đánh cắp”. Trong thời buổi công nghệ thông tin, rất dễ để sao chép nguyên một bài báo từ trên mạng. Tôi còn nhớ, ngày trước, mỗi khi cánh làm báo chúng tôi đăng được bài viết hay, có vấn đề, nhiều nhà báo ở các cơ quan báo chí khác thường đến xin thông tin để “xào nấu”, vì khi ấy báo mạng chưa phát triển mạnh. Rồi đến khi nhà nhà làm báo mạng, người người làm báo mạng, muốn cạnh tranh, phần lớn các tin, bài “hot” đều được đăng lên báo mạng. Lúc này, một số nhà báo salon tất bật “cóp” ngay mà không cần phải xin ý kiến của tác giả. Đã có nhiều trường hợp bài viết của người này bị người kia “nhân bản” và đăng lên các tờ báo khác với những tên tác giả rất lạ...


Cách đây mấy năm, tôi có dịp gặp nhà báo Hữu Thọ (nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân) khi ông vào Khánh Hòa. Ông kể rất nhiều chuyện, từ những câu chuyện nghe rất hàn lâm đến những chuyện bình dân, gần gũi. Người làm báo chúng tôi luôn cần phải tiếp xúc, trao đổi với những “cây đa cây đề” như ông để đúc rút kinh nghiệm cho mình. Tôi vẫn luôn tâm đắc lời của ông: “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”. Nhà báo cần học nhiều điều, nhưng học được những điều trên, ta sẽ có cách nhìn; có đạo đức, lương tri; có tính chiến đấu và khả năng chiến đấu. Liệu tất cả chúng ta đã làm được điều đó? Có lẽ không đơn giản, bởi trong bối cảnh kinh tế thị trường, đâu đó vẫn còn tình trạng nhà báo vòi vĩnh, vẫn còn những nhà báo “mắt không sáng, lòng không trong, ngòi bút bị cong”...


Rất dễ để viết lên những bài báo phiến diện, một chiều, nhưng rất khó để có những bài viết hài hòa được lợi ích quốc gia, dân tộc, tạo được sự đồng thuận của ý Đảng, lòng dân. 90 năm qua, nghề báo luôn cao quý. Đạo đức, lương tâm và tính chiến đấu luôn tiềm ẩn trong máu thịt của mỗi người làm báo. Vấn đề còn lại đang đang đặt ra là: trong thời làm báo hiện đại, các nhà báo, phóng viên phải làm gì để “đánh thức” lương tri mình, để có “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, góp phần xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước?


ĐẠI HẢI