08:06, 20/06/2015

Khi nhà báo kể chuyện nghề

Nhà xuất bản Trẻ và Công ty Cổ phần Văn hóa Huy Hoàng vừa ấn hành cuốn sách "Nhà báo điều tra" của nhà báo Đức Hiển - Tổng Thư ký tòa soạn Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh. Tuy chỉ có hơn 180 trang, nhưng cuốn sách lại chứa đựng trong đó rất nhiều kinh nghiệm về nghề báo, nhất là mảng phóng sự điều tra.

Nhà xuất bản Trẻ và Công ty Cổ phần Văn hóa Huy Hoàng vừa ấn hành cuốn sách “Nhà báo điều tra” của nhà báo Đức Hiển - Tổng Thư ký tòa soạn Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh. Tuy chỉ có hơn 180 trang, nhưng cuốn sách lại chứa đựng trong đó rất nhiều kinh nghiệm về nghề báo, nhất là mảng phóng sự điều tra.  


Hầu hết các bài viết trong Nhà báo điều tra đều tập trung khai thác nghiệp vụ, kinh nghiệm của tác giả và đồng nghiệp trong quá trình tác nghiệp. Những vấn đề mà tác giả đưa ra đều rất thiết thực. Trong phần mở đầu Vì sao tôi viết, nhà báo Đức Hiển chia sẻ: “Tôi viết về những điều mình biết, lần giở ký ức của mình, những ghi chép, tư liệu, những biên bản các cuộc họp trong gần hai thập niên trở lại đây mà tôi còn lưu giữ được và kể cho các bạn nghe những câu chuyện. Tôi cố gắng để mỗi bài viết đều có thể trở thành một kinh nghiệm, một gợi ý cho đồng nghiệp trẻ và các em sinh viên chập chững bước vào nghề báo”.

 


Từ thực tế của mình và đồng nghiệp, nhà báo Đức Hiển đã đưa ra 10 nguyên tắc khi nhập vai điều tra. Trong đó, anh  nhấn mạnh đến nguyên tắc: “Không gài bẫy, gợi ý hối lộ. Bạn có thể đặt mình vào một guồng quay sẵn có và mô tả nó, nhưng không gợi ý và thúc đẩy hoạt động phạm tội của người khác”. Bởi trong thực tế đã có những nhà báo dày dạn kinh nghiệm vướng vào vòng lao lý vì vi phạm nguyên tắc này. Với những chia sẻ rất thật đó, bạn đọc có thể thấy được phần nào sự khắc nghiệt của nghề báo. Để hoàn thành sứ mệnh mà xã hội tin cậy và yêu mến, ngoài khả năng của từng nhà báo, anh còn nhấn mạnh đến vai trò của ban biên tập tờ báo. Đó là những người “âm thầm làm cái giá nến, cái chân đèn vững chãi. Họ không lấp lánh trên mặt báo nhưng luôn là điểm tựa cho ngọn lửa nghề”.


Trong Nhà báo điều tra, nhà báo Đức Hiển đã lược tên thật của nhiều người, nhiều vụ việc. Có đồng nghiệp đã cảm thấy tiếc vì anh không nói rõ bối cảnh của những bài học kinh nghiệm, thiên quá nhiều về chuyện nghề, tiếc lẽ ra cuốn sách dày dặn hơn... Đề cập đến điều này trên Facebook, anh chia sẻ: “Tôi có nhiều tư liệu, tôi có nhiều câu chuyện, tôi có thể làm nó dày dặn hơn, hấp dẫn hơn. Nhưng tôi sợ! Nhân vật trong các phóng sự điều tra của tôi, đa phần đã phải trả giá cho hành vi của họ. Tôi có thể làm cuốn sách hấp dẫn hơn bằng tư liệu, hình ảnh và bối cảnh, nhưng tôi sợ mình thêm một lần làm đau họ”. Ngay trong cuốn sách của mình, anh đã bày tỏ :“Khi đặt bút phê phán ai, hãy nghĩ đến những tồn tại họ phải gánh chịu do từng con chữ mình gây ra”.


Đọc Nhà báo điều tra, người ta đọc thấy ước mơ truyền lại lửa nghề cho những nhà báo trẻ, sinh viên báo chí của tác giả. Lớn hơn là ước mơ xây dựng lớp nhà báo kế thừa đủ bản lĩnh trước những cám dỗ của đời sống và đủ tử tế để xứng đáng với niềm tin của độc giả. “Trang viết của bạn chỉ có thể lay động trái tim độc giả khi phía sau những văn bản, ngôn từ mang tính hành chính là những thân phận chạm đến cảm xúc người đọc”, Đức Hiển chia sẻ.


THÀNH NGUYỄN