Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa vừa phối hợp với Viện Khảo cổ học tổ chức hội thảo "Khảo cổ học tiền sơ sử Khánh Hòa". Các nhà khoa học đã kêu gọi tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích khảo cổ trên địa bàn…
Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa vừa phối hợp với Viện Khảo cổ học tổ chức hội thảo “Khảo cổ học tiền sơ sử Khánh Hòa”. Các nhà khoa học đã kêu gọi tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích khảo cổ trên địa bàn…
Theo thống kê của Bảo tàng tỉnh, đến nay, Khánh Hòa có 59 điểm khảo cổ học, phần lớn thuộc thời tiền sơ sử. Vùng quan trọng nhất của văn hóa tiền sơ sử ở Khánh Hòa chính là vành cung doi cát cổ bao bờ đầm Thủy Triều - vịnh Cam Ranh và vịnh Vân Phong. Ngoài ra, còn có các dấu tích rải rác ở Nha Trang, Diên Khánh, Ninh Hòa, Khánh Sơn. Những năm qua, Khánh Hòa đã khai quật được một số di tích như: Hòa Diêm, Văn Tứ Đông, Vĩnh Yên, Gò Miếu (đang khai quật)... thu được nhiều hiện vật quý.
Một số hiện vật thu được ở di tích khảo cổ Vĩnh Yên (Vạn Thạnh, Vạn Ninh) |
Các nhà nghiên cứu khẳng định, khảo cổ học tiền sơ sử Khánh Hòa có vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu về văn hóa thời tiền sơ sử ở khu vực Nam Trung Bộ, con đường giao lưu văn hóa Đông Sơn và văn hóa Sa Huỳnh cũng như mối quan hệ với các vùng văn hóa khác. Đơn cử, dựa trên những nghiên cứu về các trống đồng tìm được ở Khánh Hòa, Phó Giáo sư - Tiến sĩ (PGS.TS) Trịnh Sinh đã đặt ra giả thiết về con đường giao lưu trên biển của cư dân văn hóa Đông Sơn với phương Nam, trong đó có cư dân Khánh Hòa thời cổ đại. “Theo chúng tôi, trên con đường Nam tiến của trống đồng, một số trống đồng đã theo các cửa sông lớn tạt vào nội địa, ngược lên thượng nguồn các sông. Vì thế ở vùng Nam Trung Bộ, trống Đông Sơn đã có mặt như trống Nha Trang 1 và 2 ở cửa sông Cái...”, PGS.TS Trịnh Sinh nói.
Tuy có giá trị như vậy nhưng đến nay, do thiếu nguồn kinh phí nên việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ học trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, các di tích khảo cổ học vẫn đối mặt với nguy cơ bị “xóa sổ” do việc phát triển kinh tế. PGS.TS Phạm Đức Mạnh - Trưởng bộ môn Khảo cổ học Trường Đại học Khoa học xã hội nhân văn TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, vấn đề hàng đầu của công tác bảo tồn di tích khảo cổ học ở Khánh Hòa chính là chỉnh lý - bảo lưu toàn bộ thông tin khoa học quan trọng nhất của từng địa điểm; nghiên cứu đề xuất bảo tồn các địa điểm khảo cổ phục vụ nghiên cứu và du lịch. Trong đó, những thông tin cần được cập nhật cho các di tích gồm: vị trí địa lý; lịch sử phát hiện, thám sát - khai quật và nghiên cứu; tính chất khảo cổ học; tầm vóc di tích trong không gian phẳng và trong địa tầng; hiện vật khảo cổ học được phát hiện và nơi lưu trữ, trưng bày hiện nay; mẫu vật khảo cổ học từng được giám định; các nhận định của những nhà nghiên cứu...
Bên cạnh đó, những nhà nghiên cứu đề nghị Bảo tàng tỉnh tổng kết, thống nhất lại các thông tin về khảo cổ học tiền sơ sử trên địa bàn (niên đại, giao lưu với các nền văn hóa khác...); xuất bản chuyên khảo về di tích khảo cổ Hòa Diêm - di tích khảo cổ học có giá trị nhất được phát hiện sau di tích Xóm Cồn. “Chúng ta đã đã có một luận án tiến sĩ nghiên cứu về di tích Xóm Cồn, xác lập nên nền văn hóa Xóm Cồn, vậy thì Hòa Diêm cũng cần phải có công trình nghiên cứu tương xứng”, PGS.TS Phạm Đức Mạnh đặt vấn đề.
Cùng với vấn đề bảo tồn, các nhà nghiên cứu khảo cổ cũng đặc biệt quan tâm đến việc phát huy giá trị di tích khảo cổ, nhất là du lịch khảo cổ học. Thạc sĩ Lê Nguyên Anh - Bảo tàng tỉnh nhận định, các di tích khảo cổ học của tỉnh rất có tiềm năng để phục vụ du lịch, nhất là quần thể di tích Hòa Diêm đã được công nhận di tích khảo cổ học cấp quốc gia vào năm 2014. Di tích Hòa Diêm (gồm: Hòa Diêm, Hòa Diêm 2, Gò Duối, Gò Miếu) ở xã Cam Thịnh Đông (TP. Cam Ranh) đang còn khá nguyên vẹn; đặc biệt qua khai quật đã cho thấy, ở đây hiện vật rất phong phú: đồ gốm, mộ chum, vỏ nhuyễn thể, đồ sắt, đồ đồng... Với tính chất khu di tích cư trú và mộ táng của người xưa, Hòa Diêm có thể trở thành điểm tham quan du lịch khảo cổ học đặc trưng của Khánh Hòa. Theo đó, các nhà nghiên cứu đề nghị tỉnh cần quy hoạch quần thể di tích Hòa Diêm, trong đó về lâu dài phải tính đến việc làm bảo tàng ngoài trời ở Hòa Diêm để phục vụ tham quan du lịch; khai thác di tích Hòa Diêm không thể tách rời với việc củng cố tuyến du lịch của TP. Cam Ranh, gắn kết với các dự án bảo tồn, khai thác các danh thắng - di tích văn hóa trên địa bàn.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu đề nghị Bảo tàng tỉnh cần sớm hoàn thành việc chỉnh lý hiện vật, tổ chức các chuyên đề trưng bày về văn hóa tiền sơ sử Khánh Hòa tại Bảo tàng để phục vụ người dân và khách du lịch tham quan. Khánh Hòa là một trung tâm du lịch lớn, thế nhưng hiện nay mới chỉ phát triển mạnh về du lịch biển, đảo. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ học để phục vụ nghiên cứu và du lịch là một hướng đi phù hợp.
THÀNH NGUYỄN