Vào những buổi chiều hè, lũ trẻ bọn tôi chơi đùa ở sân kho hợp tác, chạy vòng quanh gốc táo già, thỉnh thoảng lại lấy cây gõ nhẹ vào chiếc kẻng, hay đứng từ xa nhặt những viên đá cuội ném vào thân kẻng một cách thích thú.
Từ hồi tôi còn thơ bé, mỗi khi kể chuyện về làng mình, bà không quên kể về chiếc kẻng của làng, của xã. Bà bảo, từ thời chiến tranh, bà đã thấy chiếc kẻng. Chiếc kẻng to lắm, nó được dùng từ thân quả bom cao tới gần 2m, hình khum khum hai đầu. Năm này qua năm khác, dù mọi cái có thay đổi nhưng chiếc kẻng làng tôi vẫn được người dân gìn giữ.
Vào những buổi chiều hè, lũ trẻ bọn tôi chơi đùa ở sân kho hợp tác, chạy vòng quanh gốc táo già, thỉnh thoảng lại lấy cây gõ nhẹ vào chiếc kẻng, hay đứng từ xa nhặt những viên đá cuội ném vào thân kẻng một cách thích thú. Tiếng kẻng kêu to và ngân vang lạ thường. Từ sân kho hợp tác của ủy ban, khi gióng kẻng, cả 9 thôn làng tôi đều nghe thấy. Dù làm gì, ở đâu, trên nương đồi hay dưới ruộng lúa, người dân quê tôi đều nghe tiếng kẻng. Còn đối với lũ trẻ chúng tôi, thích nhất là lúc cưỡi trâu ra sông tắm, tiếng kẻng vang lên trong chiều hè từng nhịp một làm cho chúng tôi thấy hứng khởi hơn.
Bà kể cho chúng tôi nghe chuyện làng tôi những năm có bom đạn. Khi nghe có tiếng máy bay địch ù ù từ xa, tiếng kẻng lại vang lên liên hồi để báo hiệu cho người dân biết tìm nơi trú ẩn. Những năm làm hợp tác xã, tiếng kẻng làng như cùng bà con nông dân tăng gia sản xuất. Tiếng kẻng vang lên để cả làng đi cày ruộng, gặt lúa, cắt phân xanh về ủ ruộng rồi những lần nộp sản lượng hay thu thuế. Lâu dần thành lệ, mỗi khi có tiếng kẻng vang lên, người dân quê tôi nghe và đi làm nhiệm vụ của mình.
Giờ đây, cuộc sống đã đổi thay nhiều, các phương tiện như loa phóng thanh, điện thoại được mắc ở khắp nơi nhưng chiếc kẻng làng tôi vẫn còn trên gốc táo già xù xì. Và xã tôi vẫn dùng tiếng kẻng làm tín hiệu đến người dân. Chúng tôi bây giờ đã biết phân biệt được nhịp điệu của tiếng kẻng làng. Khi báo người dân đến nhà văn hóa sinh hoạt thôn hay họp xã, tiếng kẻng vang lên đều đặn bình thường, nhưng khi xã hay làng có người qua đời, tiếng kẻng vang lên từng hồi chậm rãi... Cứ như thế, từ bao năm nay, người dân quê tôi biết nhận ra tiếng kẻng dựa vào nhịp của nó để đoán biết những công việc, sự kiện của làng, của thôn. Gần đây, hội khuyến học làng tôi còn dùng tiếng kẻng để báo giờ học bài buổi tối cho bọn trẻ trong các thôn.
Chao ôi! Thời gian như con tàu tốc hành cuốn đi biết bao điều, bao thứ, vậy mà không thể tắt nổi âm thanh tiếng kẻng làng tôi. Tiếng kẻng như một chứng nhân của lịch sử, của thời gian và tinh thần đoàn kết của người dân quê tôi. Trong cuộc sống hiện đại hôm nay, có ai đu mình vào sự sôi động của thông tin rồi để tiếng kẻng lạc vào khoảng không vô định, có ai bỏ ngoài tai âm thanh ngày nào của làng mình? Với tôi, trong mạch ký ức tìm về tuổi thơ, tiếng kẻng làng chênh chao trong tôi với nỗi nhớ làng!
Nguyễn Thế Lượng