10:04, 04/04/2014

Chàng "chân quê"

Với thân hình cao to, lông mày lưỡi đao dựng, gặp anh, người ta nghĩ sẽ nghe giọng nói ầm ầm dữ dội nhưng thực ra lại dịu dàng, trầm lắng, còn khi hát rất nồng nàn, say đắm một hương vị quê mộc mạc. Đó là cảm nhận đầu tiên khi tôi gặp Trung Đức,......

Với thân hình cao to, lông mày lưỡi đao dựng, gặp anh, người ta nghĩ sẽ nghe giọng nói ầm ầm dữ dội nhưng thực ra lại dịu dàng, trầm lắng, còn khi hát rất nồng nàn, say đắm một hương vị quê mộc mạc. Đó là cảm nhận đầu tiên khi tôi gặp Trung Đức, tất nhiên phải nhờ chỉ dẫn của Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Thu Hiền, bạn diễn thân thiết của anh!


Từ anh công nhân mỏ…


Khi nhận điện, Trung Đức phóng chiếc Husky 125 tím to kềnh càng lao tới chỗ hẹn như cơn gió. Anh vẫn chưa thoát cái ngượng ngùng khi nhận mình là tác giả của ca khúc rất hot khi đó: “Em đi chùa Hương”. Tôi hỏi sao anh sáng tác mà lại đề là tác giả Trần Văn Khê (khi ca khúc ra đời rất lâu, ai cũng nghĩ của Trần Văn Khê, nhưng sau đó một nhà nghiên cứu lục ra thấy bản nhạc Trần Văn Khê không giống bản đang thể hiện), anh phân trần, khi đó mình chỉ là ca sĩ, nói sáng tác nhạc sẽ không ai tin... Có lần mình đứng ra nhận là tác giả mà khán giả vẫn nửa tin nửa ngờ! Bản chất mộc mạc ấy thật đáng yêu. Nhưng sau đó, đến ca khúc “Chân quê” phổ thơ Nguyễn Bính thì mọi khán giả đều công nhận Trung Đức sáng tác được bài hát thật!


Tôi vẫn nhớ có lần xem ti vi, tôi thấy một anh chàng ca sĩ to lớn gần như lấn át màn hình. Mẹ tôi nói, cái cậu này giống như anh lái xe xúc! Khi gặp ngoài đời, tôi kể lại, Trung Đức gật đầu cười: “Đúng, thời thanh niên mình làm công nhân mỏ ở Thái Nguyên, nhập ngũ lái xe tăng... thời chống Mỹ”. Khi tôi hỏi làm sao từ anh chàng công nhân thô mộc trở thành ca sĩ có giọng hát say đắm như hôm nay, Trung Đức nói rất hình ảnh: “Hồi bé, mẹ tôi dùng mảnh bát vỡ múc nước mưa ở cái chĩnh sành bên gốc cau sân nhà cho tôi uống. Cũng như tiếng trống chầu văn bố đánh ở sân đình ngày xưa đã đưa tôi đến với âm nhạc”. Đúng là kiểu nói của anh chàng gốc Hà Tây quê lụa, miền đất đầy chất thơ. Trung Đức rất mê âm nhạc và luôn mơ thành ca sĩ; ở mọi vị trí, từ anh công nhân, người chiến sĩ và cả khi giải ngũ làm nghề tự do trên quê hương Hà Tây, anh vẫn hát...

 


… đến ca sĩ “vơ-đét”


Sau nhiều lần thi cấp xã, huyện tới tỉnh thành công, Trung Đức quyết chí khăn gói lên Hà Nội tầm sư học đạo ở Nhạc viện. Gáo nước lạnh  dội lên đầu chàng trai đầy nhiệt huyết khi ông thầy Quý Dương cáu lên vì cậu học trò hát ngọng! Trung Đức kể lại, ai lại hát “Chào em cô gái Lam Hồng” thành “Nam Hồng” và gần như bị lướt lời, không rõ, mặc dù giọng nam trung của anh rất tốt! Đương nhiên anh phải tự rèn tiếng luyện giọng rất nhiều, được các thầy Trung Kiên, Trần Hiếu, Quý Dương hết lòng dạy dỗ để viên đá thô ráp Trung Đức trở thành giọng ca hảo hạng.


Tuy không nói rõ, nhưng danh ca - NSND Thu Hiền gặp được và gắn bó với chàng Trung Đức “quê” là sự may mắn hiếm có. Bởi hát với Thu Hiền phải tầm cỡ như Kiều Hưng lừng lẫy, rất tiếc vì lý do khách quan nên sau đó Kiều Hưng không còn ở Việt Nam. Và Trung Đức đã thay thế Kiều Hưng với Thu Hiền qua những bản nhạc cách mạng đằm thắm như “Tình ca Tây Bắc”, “Rặng trâm bầu”, “Anh ở đầu sông em cuối sông”, “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”.... Độ nhuyễn của đôi bạn này làm nhiều khán giả mơ hồ hình như đó là “cặp tình nhân”! Trung Đức cười vui, “tôi với chị Thu Hiền có quá nhiều kỷ niệm. Như đi biểu diễn, Thu Hiền đi xe Chaly cột dây vào xe đạp kéo tôi cho đỡ mệt! Quả thực, hát với Thu Hiền quá tuyệt vời vì chị tiếp nối thế hệ của NSND Thanh Huyền rất xuất sắc. Còn dư luận là vui thôi”! Đúng là suốt thập niên 80, 90, các album hát song ca của Thu Hiền - Trung Đức luôn bán rất chạy, nhiều hãng băng nhạc liên tiếp sản xuất theo nhu cầu khán giả. Trên mạng âm nhạc, youtube của thời kỹ thuật số - internet, từ khóa “Thu Hiền - Trung Đức” luôn đầy những kết quả về âm thanh, hình ảnh của họ!


Khi tôi gặp Trung Đức, anh chưa có danh hiệu gì, mặc dù anh luôn là ca sĩ “vơ-đét” trên các chương trình biểu diễn lớn. Anh hát rất chỉn chu mang phong cách cổ điển: áo vét hay quân phục, không nhảy múa... nhưng lại là ca sĩ hiếm hoi (giống Đình Văn) hát trên nền ghi-ta gỗ của chính mình rất mộc mạc, nồng nàn, đầm ấm hiếm có... Khán giả trẻ rất mê anh thể hiện bài hát “Kỷ niệm mối tình đầu” (nhạc sĩ Vũ Hùng) theo kiểu này. Rồi thấm thoát mấy năm, gặp Trung Đức trong buổi diễn cầu truyền hình, anh khoe: “Mình mới được phong Nghệ sĩ Ưu tú!”. Bẵng thời gian nữa, trên ti vi xướng: NSND Trung Đức! Anh đã thành công trọn vẹn nghiệp ca sĩ của mình một cách xứng đáng.


Mùa xuân này, Trung Đức đã tròn 60 tuổi nhưng giọng ca của anh vẫn tràn đầy, bát ngát như điệu dân ca quê hương. Trung Đức - chàng chân quê đã đến “chùa Hương” nghệ thuật trên quê hương mình!


Lê Đức Dương