01:01, 01/01/2020

Một thoáng Đá Lát

Sau chuyến hải trình kéo dài 25 giờ, con tàu KN 491 chở đoàn công tác đi thăm, chúc Tết quân và dân huyện đảo Trường Sa đã đưa chúng tôi đến khu vực đảo chìm Đá Lát và thả neo vào chiều tối 22-12.

Sau chuyến hải trình kéo dài 25 giờ, con tàu KN 491 chở đoàn công tác đi thăm, chúc Tết quân và dân huyện đảo Trường Sa đã đưa chúng tôi đến khu vực đảo chìm Đá Lát và thả neo vào chiều tối 22-12.


Trong suốt hành trình, sóng luôn cao từ 2 đến 3m khiến nhiều người say sóng đến mức bỏ bữa vì mệt. Thế nhưng, khi tàu thả neo, ai nấy đều quên hết mệt mỏi, háo hức được lên đảo. Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết, tàu vẫn chưa thể hạ xuồng để vào đảo. Khi trời vừa hửng sáng, chúng tôi leo lên vị trí cao nhất trên tàu KN 491. Đá Lát hiện ra trước mắt. Hòn đảo chìm tựa như một ngôi nhà nhỏ nhô lên trên mặt biển mênh mông, như một pháo đài vững chắc, bất khả xâm phạm. Theo thông báo của chỉ huy đoàn công tác, buổi sáng sẽ chuyển hàng lên đảo và thay quân. Đến chiều, chúng tôi mới được lên đảo thăm cán bộ, chiến sĩ (CB-CS) trên đảo chìm.

 

Vững vàng tại cột mốc chủ quyền.

Vững vàng tại cột mốc chủ quyền.


Dưới boong tàu, không khí đã tấp nập. Các chiến sĩ trẻ tất bật chuẩn bị hàng Tết, tập kết ra boong tàu để đưa xuống xuồng. Lúc này, biển vẫn có gió mạnh và sóng cao nên các chiến sĩ phải rất vất vả vận chuyển hàng xuống xuồng. Hàng Tết đưa lên đảo gồm có: gạo nếp, lá dong, heo, gà, quất và cả những nhành lan hồ điệp đang trong độ khoe sắc. Tất cả đều được chuẩn bị rất chu đáo, đóng trong thùng carton rất cẩn thận. Các chiến sĩ nhận nhiệm vụ ở đảo đợt này cũng háo hức lên đảo. “Mẹ à, con đến đảo rồi nhưng mai mới được lên đảo. Con yêu bố mẹ và các em nhiều. Con hứa sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Tổ quốc giao, cùng CB-CS bảo vệ vũng chắc biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, chiến sĩ Tô Hữu Duy, quê ở quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh tâm sự với mẹ qua điện thoại.


Sau bữa ăn trưa nhanh, lần lượt 3 chuyến xuồng đưa chúng tôi lên đảo. Lúc này, các CB-CS đều đứng trên cầu tàu để chào đón khách. Bước chân lên đảo, trong mỗi chúng tôi trào dâng cảm xúc tự hào khi được đặt chân đến mảnh đất thiêng liêng giữa trùng khơi của Tổ quốc. Đảo chìm Đá Lát được bao quanh bởi những rạn san hô trải dài đến 6km theo hình cánh cung. Ở giữa, sóng biển nhẹ hơn và có những tàu cá ngư dân ven biển miền Trung tới tránh trú bão thường xuyên. Hình ảnh các chiến sĩ tiến hành các hoạt động tuần tra quanh đảo, hay bồng súng bên cột mốc chủ quyền khiến chúng tôi thầm biết ơn những người lính ngày đêm canh giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Ở một góc khác là mảnh vườn xanh mát của đảo. Các chiến sĩ dùng những tấm tôn quây lại và cả những thùng xốp đặt liền kề, đất được đổ lưng chừng để tăng gia sản xuất với cải xanh, cải mầm, mồng tơi, chanh, rau húng… Các chiến sĩ cho biết, trong cơn bão vừa qua, sóng biển ập đến cao gần tới tầng 2. Cả khu tăng gia sản xuất của đảo bị tàn phá bởi nước biển. Cây chanh sau thời gian lá rụng vì nước biển nay đã có dấu hiệu hồi sinh. Gần 20 thùng xốp mới được gieo hạt cải cách đây 2 tuần nay đã nhú mầm xanh mượt, vươn lên mạnh mẽ.

 

Lúc này, hàng hóa từ đất liền đã được các chiến sĩ chuyển vào đảo và sắp xếp ngăn nắp. Những chậu quất với quả đang độ chín được kê ở những ví trí nổi bật. Bánh, mứt Tết cũng được đưa lên đảo để CB-CS đón Tết Canh Tý 2020. Công tác bàn giao quân đã hoàn tất, mọi người đều phấn khởi. Không khí trên đảo tươi vui như thể đã có hơi thở mùa xuân.


Được tận mắt chứng kiến nơi đóng quân của các chiến sĩ trên đảo chìm Đá Lát, ai nấy đều trầm trồ thán phục. Đó không chỉ là sự vững vàng tay súng, ý chí sắt đá của những người lính cụ Hồ, mà còn in dấu của bao thế hệ người lính hải quân. Chúng tôi đã ghi lại rất nhiều hình ảnh quý giá và cả những tâm sự của người lính đầy rắn rỏi, kiên trung. Anh lính trẻ Đỗ Ngọc Trường (quê ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng  Nam) ra đảo được đúng 1 năm. “Khi mới ra đảo, tôi cũng bỡ ngỡ vì sóng gió luôn dữ dội, nhưng chỉ một thời gian ngắn, tôi đã làm quen được môi trường, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Lần này, tôi được vào bờ. Tôi chúc các chiến sĩ mới ra đảo yên tâm công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, anh tâm sự. Các chiến sĩ được vào bờ đồng nghĩa với việc sẽ có những người mới đến để canh giữ vùng biển trời tiền tiêu của Tổ quốc. Được ra đảo làm nhiệm vụ lần này, Trung úy quân y Nguyễn Minh Trường (quê ở huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng) rất phấn khởi. Anh cho biết: “Tôi cũng như toàn thể CB-CS trên đảo sẽ giữ nghiêm kỷ luật quân đội, nhanh chóng thích nghi hoàn cảnh, điều kiện công tác để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.


Rời Đá Lát, xuồng nổ máy, hướng về tàu mẹ. Những cánh tay vẫy chào của CB-CS trên cầu tàu lúc chia tay khiến chúng tôi vô cùng xúc động. Chúng tôi, những phóng viên lần đầu đặt chân lên đảo, đã phần nào cảm nhận được bản lĩnh, sự vững vàng của những người lính đảo chìm. Chúng tôi tin chắc rằng, bất chấp mọi khó khăn gian khổ, họ sẽ mãi giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.


THÀNH LONG