Trong chuyến công tác ra Trường Sa đầu tháng 4 vừa qua, vượt qua hàng trăm hải lý, chúng tôi đến thăm các đảo, các trường học ở tuyến đầu Tổ quốc. Nơi đây, chúng tôi đã được gặp gỡ những thầy giáo trẻ tình nguyện đưa chữ đến Trường Sa.
Trong chuyến công tác ra Trường Sa đầu tháng 4 vừa qua, vượt qua hàng trăm hải lý, chúng tôi đến thăm các đảo, các trường học ở tuyến đầu Tổ quốc. Nơi đây, chúng tôi đã được gặp gỡ những thầy giáo trẻ tình nguyện đưa chữ đến Trường Sa.
Trường Tiểu học Thị trấn Trường Sa được xây dựng khang trang, có đầy đủ thiết bị dạy và học. Bên cạnh 2 phòng học là thư viện với hàng trăm đầu sách. Sân trường được lắp đặt nhiều trò chơi cho học sinh (HS) như: cầu tuột, bập bênh, đu quay... Dưới sự hướng dẫn của thầy giáo Đồng Minh Hiệp (sinh năm 1991, xã Diên Điền, huyện Diên Khánh), các HS đồng thanh đọc tặng chúng tôi những câu thơ đầy xúc động về biển đảo: Quê em ở Trường Sa/Những đảo chìm đảo nổi/Quê em có biển trời/Bốn mùa xanh bao la…
Hôm chúng tôi đến, giờ học của các em đã kết thúc khá lâu, nhưng có hơn 1/2 trẻ ở lại thư viện của trường để đọc truyện, một số em chơi đùa ngoài sân. Khu nhà ở gần trường nên 2 thầy giáo cũng nán lại giúp các em chọn sách. Thầy Hiệp cho biết, toàn thị trấn có 13 em, trong đó có 9 em từ lớp 1 đến lớp 5. Để phân bổ chương trình học hợp lý, thầy Hiệp và thầy Phạm Trung Việt (quê huyện Vạn Ninh) chia các em thành 2 lớp ghép, học 2 buổi/ngày. Một lớp dành cho HS lớp 1 đến lớp 3, lớp còn lại là HS lớp 4, 5. “Có 4 trẻ ở tuổi mẫu giáo, thấy các anh chị đi học cũng đòi đi theo, tụi em phải “ôm” luôn, ghép vào nhóm lớp nhỏ. Em nào lớn thì cho tập viết chữ, những em nhỏ tuổi thì bày bài hát hoặc cho tô màu theo chương trình mẫu giáo”, thầy Hiệp nói. Bởi vậy, gần 5 năm đứng lớp ở đảo, thầy Hiệp thuộc lòng tính cách từng đứa học trò; thầy say sưa chỉ cho chúng tôi, trò này có trí nhớ tốt ra sao, trò kia có giọng hát như thế nào...
Thầy giáo Phạm Trung Việt may mắn được chọn trong hàng trăm người viết đơn tình nguyện làm việc trên quần đảo Trường Sa. Gần 5 năm gắn bó với đảo, thầy Việt đã có nhiều kỷ niệm không thể quên với học trò ở đây. Đó là những ngày cúp điện, trời nóng, thầy và trò phải khiêng bàn ghế ra ngoài sân trường để học, hay những đêm phải chấm bài dưới ngọn đèn dầu, rồi những ngày gần đến kỳ thi, thầy đến từng nhà để kèm thêm cho HS... Để rồi giờ đây, thầy như một thành viên không thể thiếu trong gia đình của người dân trên đảo.
Ở đảo Song Tử Tây, 5 năm nay, hình ảnh các thầy Lê Xuân Quyết (sinh năm 1990), Lê Văn Mạnh (sinh năm 1989) ngày ngày đứng trên bục giảng đã trở nên thân thuộc với những người sinh sống nơi đây. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, thầy Quyết về công tác tại một trường tiểu học thuộc huyện Vạn Ninh. Đến năm 2013, thầy đăng ký dạy học ở Trường Sa và trúng tuyển. Những ngày đầu công tác ở đảo không phải là chuyện dễ dàng. Do đảo Song Tử Tây lúc đó chưa có trường riêng nên lớp học phải mượn tạm nhà của bộ đội. Nhiều đêm không có điện, thầy phải soạn giáo án và chấm bài cho HS dưới nến. Năm 2015, Trường Tiểu học đảo Song Tử Tây được xây mới, việc dạy và học của thầy trò mới bớt khó khăn.
Khi được hỏi, các thầy giáo ở đảo không nói về những khó khăn, thiếu thốn của mình, mà chỉ trăn trở cho HS. “Sách vở, tư liệu, bút viết ở đây được hỗ trợ đầy đủ. Trường cần gì đều được Phòng Giáo dục - Đào tạo của huyện Trường Sa và Sở Giáo dục - Đào tạo hỗ trợ. Tuy nhiên, do việc vận chuyển khó khăn nên nhiều kiến thức mới HS ở đây ít được cập nhật kịp thời”, thầy Việt chia sẻ.
Có mặt trong chuyến đi, ông Trần Quang Mẫn - Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo cho biết, đến nay, ngành đã hình thành 3 trường học trong quần đảo Trường Sa gồm: Sinh Tồn, Song Tử Tây, thị trấn Trường Sa. HS ở đây được dạy và học đảm bảo đúng chương trình, thời lượng theo quy định của bộ. Tuy nhiên, vì điều kiện xa xôi, HS ít, các lớp học ở đây được tổ chức thành các lớp ghép. Đối với các giáo viên, sau thời gian thực hiện đủ nhiệm kỳ sẽ được về đất liền, được ưu tiên chọn nhiệm sở và được hưởng đầy đủ các quyền lợi theo quy định.
CÁT ĐAN