22:45, 17/09/2024

Thế mạnh văn hóa ẩm thực xứ Trầm

GIANG ĐÌNH

Khi nói về xứ Trầm Hương, chúng ta vẫn thường biết đến một vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời với hệ thống các di tích, di chỉ, di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng. Trong vốn văn hóa truyền thống đó, người dân Khánh Hòa còn tự hào “khoe” với bạn bè gần xa từ những của ngon vật lạ đến món ăn bình dân để tạo nên thế mạnh văn hóa ẩm thực của đất và người nơi đây.

Từ xa xưa, mọi người vẫn truyền nhau câu ca dao thể hiện niềm tự hào về sản vật địa phương: “Yến sào Hòn Nội/Vịt lội Ninh Hòa/Tôm hùm Bình Ba/Nai khô Diên Khánh/Cá tràu Võ Cạnh/Sò huyết Thủy Triều…”. Bên cạnh đó, hệ thống món ngon xứ Trầm còn được thực khách gần xa biết đến với gỏi cá mai Nha Trang, nem nướng Ninh Hòa, bún lá cá dằm Ninh Hòa - 3 món ăn được vinh danh ẩm thực tiêu biểu Việt Nam. Ngoài ra, còn phải kể đến bánh ướt, bánh tráng Diên Khánh, bánh canh hẹ Vạn Giã, lẩu mực Đại Lãnh, chả cá Vạn Giã, bánh tráng xoài Cam Lâm, các loại nước uống bổ dưỡng được chế biến từ yến sào, rong nho. Nhiều địa phương ở Khánh Hòa còn nổi tiếng là vùng trồng những loại trái cây có phẩm chất tốt như: Sầu riêng, quýt đường Khánh Sơn; bưởi da xanh Khánh Vĩnh; xoài Cam Lâm; táo Cam Ranh; dừa xiêm Ninh Hòa; vú sữa Diên Khánh…

Khách du lịch thưởng thưởng thức món ăn tại một hoạt động giới thiệu văn hóa ẩm thực diễn ra ở TP. Nha Trang.
Khách du lịch thưởng thức món ăn tại một hoạt động giới thiệu văn hóa ẩm thực diễn ra ở TP. Nha Trang.

Trong cuốn “Lịch sử - Văn hóa Khánh Hòa những ghi chép”, khi bàn về văn hóa ẩm thực của cư dân trên vùng đất Khánh Hòa, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngô Văn Ban đã viết: “Tỉnh Khánh Hòa là vùng đất ven biển, lại có ruộng đồng, núi rừng. Từ đó, nói đến nguyên liệu cung cấp cho người dân trong việc chế biến các món ăn thì rất phong phú. Do đó, tỉnh Khánh Hòa hình thành nên 3 nền văn hóa ẩm thực khác nhau: Văn hóa ẩm thực biển đảo, văn hóa ẩm thực núi rừng và văn hóa ẩm thực đồng bằng. Nhưng 3 nền văn hóa ẩm thực đó có sự hòa đồng, bổ sung cho nhau, tạo nên sự phong phú cho nền ẩm thực Khánh Hòa”.

Thế mạnh về văn hóa ẩm thực Khánh Hòa đã được khẳng định, nhưng vấn đề là làm sao để biến thế mạnh, tiềm năng thành sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu “ăn gì” của khách du lịch khi đến Nha Trang - Khánh Hòa là điều cần quan tâm. Theo ông Cung Quỳnh Anh - Phó Giám đốc Sở Du lịch, tỉnh Khánh Hòa với nhiều món ăn đặc sắc gắn với đời sống người dân đang ngày càng được nhiều du khách biết tới. Các địa phương trong tỉnh cũng tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện liên quan đến ẩm thực như: Lễ hội ẩm thực Ninh Hòa, lễ hội trái cây Khánh Sơn, lễ hội tôm hùm Cam Ranh, hội thi ẩm thực Nha Trang, lễ hội ẩm thực yến sào Khánh Hòa… Ở quy mô cấp tỉnh, trong các kỳ Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa, Liên hoan Du lịch biển đều có các không gian ẩm thực để du khách đến tham quan, thưởng thức. Ông Phạm Minh Nhựt - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cho rằng, trên địa bàn tỉnh đã bước đầu có được những thành công trong việc xây dựng hoạt động giới thiệu, quảng bá văn hóa ẩm thực gắn với hoạt động du lịch để thu hút du khách; đồng thời hình thành mạng lưới các cơ sở dịch vụ văn hóa ẩm thực chất lượng cao, góp phần tạo nên bản sắc hấp dẫn của du lịch Nha Trang - Khánh Hòa. Với định hướng phát triển du lịch đáp ứng thị hiếu, tâm lý du khách, việc xây dựng các khu ẩm thực, hình thành các khu mua sắm chuyên phục vụ khách du lịch vui chơi giải trí về đêm… được xem là những bước đi cần thiết để dần đưa thế mạnh văn hóa ẩm thực vào hoạt động du lịch.

Khách du lịch tập làm nem rán ở Khu du lịch Memento. Ảnh: X.T
Khách du lịch tập làm nem rán ở Khu du lịch Memento. Ảnh: X.T

Để biến tiềm năng văn hóa ẩm thực trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng, nên chăng chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến việc phát triển du lịch thực sự bền vững và có sự tham gia tích cực của cộng đồng; tổ chức liên kết phát triển sản phẩm du lịch trên cơ sở xác định rõ lợi thế, đặc trưng văn hóa ẩm thực riêng của từng địa phương, để vừa tạo nên sự đa dạng hóa sản phẩm du lịch ẩm thực, vừa hạn chế được sự trùng lặp. Chính quyền địa phương cũng nên xem xét việc ban hành các chính sách ưu đãi để kêu gọi và thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch; xây dựng chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch ẩm thực; khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành xây dựng những tour du lịch mới gắn với văn hóa ẩm thực vùng miền để nâng cao sức cạnh tranh. Bên cạnh việc xây dựng thương hiệu, hình ảnh điểm đến “Khánh Hòa - Thiên đường du lịch biển”, cần mạnh dạn xây dựng thương hiệu, giới thiệu quảng bá hình ảnh du lịch Khánh Hòa gắn liền với văn hóa ẩm thực.

GIANG ĐÌNH