22:02, 09/01/2024

Ngọt thơm bánh ít mít

ANH TRUNG

Bánh ít là món ăn dân dã ở các làng quê. Bánh này có nhiều loại như: Bánh ít lá gai, bánh ít bột lọc, bánh ít khoai môn… Mỗi loại có một hương vị riêng hấp dẫn thực khách. Nhưng có một loại mà mỗi khi nhắc tới, chắc chắn không ít người muốn được nếm thử, đó là bánh ít mít.

Ở vùng quê, hầu như nhà nào cũng trồng mít, có nhà trồng cả chục cây, nhà ít cũng vài cây. Mít bắt đầu cho quả từ tháng Chạp tới suốt mùa hè. Mít có nhiều loại, như một câu hát đồng dao trẻ con thường hát: “Mít mật, mít dai/Mười hai thứ mít/Đầu mùa chín ít/Giữa mùa chín nhiều/Trái treo trên cao/Trái nằm sát đất/Mít dai, mít mật/Mít chín thơm lừng…”.

Ảnh tư liệu.
Ảnh tư liệu.

Ở nhà tôi, ngày xưa, khi mít chín nhiều, bà nội tôi thường gọi người ta đến bán để chuyển về thành phố, còn lại phần biếu hàng xóm, phần ăn tươi hoặc hấp, phơi khô. Đó là đối với loại mít dai (gọi là mít ráo), còn với loại mít mật (mít ướt), khi ăn tươi không hết, bà thường sử dụng để làm món bánh ít mít.

Do thời trước không có máy xay sinh tố như bây giờ, nên sau khi lấy hạt ra khỏi từng múi mít, bà nội bảo chúng tôi cho vào cối đá giã thật nhuyễn. Rồi bà cho bột nếp cùng một ít muối, ít nước vào, nhào đều đến lúc bột và mít sánh lại thành một chất dẻo, mịn màng. Lúc bấy giờ, cùng với việc chuẩn bị nhân làm bằng đậu xanh, đường và nước cốt dừa… sên cho queo lại, bà lần lượt ép bột thành từng miếng mỏng để gói. Qua bàn tay khéo léo của bà, những viên nhân được bọc bột chung quanh đều đặn, tạo nên những chiếc bánh tròn. Cuối cùng, tất cả được gói trong lá chuối đã hơ qua lửa, có thoa ít dầu cho khỏi dính, làm thành những chiếc bánh hình tháp xinh xinh trước khi cho vào nồi để hấp.

Bánh ít mít, sau khi hấp chừng 20 đến 25 phút sẽ chín và tỏa mùi thơm ngát. Trong xóm, nhà nào làm loại bánh này, dù ở cách xa vài trăm mét, người ta cũng phát hiện ra ngay bởi mùi hương rất đặc trưng của nó. Đối với bọn nhỏ chúng tôi, mỗi lần bánh sắp chín, đứa nào cũng háo hức chờ đợi vì bánh ít rất ngon, nhất là khi bóc ra khỏi lá chuối, ruột bánh có một màu vàng óng và thơm lừng.

Cách đây mấy hôm, tôi có dịp trò chuyện với nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngô Văn Ban về cuốn sách do ông biên soạn vừa xuất bản đề cập đến văn hóa ẩm thực ở Khánh Hòa có tên “Thương nhớ hương vị quê hương”. Khi bàn tới các món liên quan đến mít, ông hỏi: “Ông ăn bánh ít mít lần nào chưa?”. Thấy tôi gật đầu, ông nói tiếp: “Quá hấp dẫn, đúng không? Nói đến mít là tôi lại nhớ đến bánh ít mít!”.

ANH TRUNG