Gần 30 năm trước, nhiều người gọi anh là "Mạnh khùng, Mạnh dị" khi vay tiền gây dựng câu lạc bộ chiêu mộ những bạn trẻ khuyết tật đam mê thể thao về câu lạc bộ tập luyện miễn phí. Thế nhưng, với tâm huyết và tình thương của mình, vợ chồng anh đã giúp những chàng trai, cô gái khuyết tật tỏa sáng trên đấu trường quốc gia và quốc tế.
Gần 30 năm trước, nhiều người gọi anh là “Mạnh khùng, Mạnh dị” khi vay tiền gây dựng câu lạc bộ (CLB) chiêu mộ những bạn trẻ khuyết tật đam mê thể thao về CLB tập luyện miễn phí. Thế nhưng, với tâm huyết và tình thương của mình, vợ chồng anh đã giúp những chàng trai, cô gái khuyết tật tỏa sáng trên đấu trường quốc gia và quốc tế.
Tạo sân chơi cho thanh niên
Năm 1987, sau khi lập gia đình, anh Quang Nhật Mạnh được ba mẹ giao cho mảnh đất hơn 400m2 ngay trước mặt chợ Vĩnh Hải (TP. Nha Trang) để khởi nghiệp. Với vị trí đắc địa đó, nếu kinh doanh hay chỉ cần mở bãi giữ xe cho người đi chợ cũng đủ sống thoải mái. Nhưng không, Mạnh lại lặng lẽ vay mượn tiền mở CLB thể hình và cùng vợ là chị Huệ mở các lớp dạy bơi.
Vào thời điểm đó, ít ai nghĩ đến việc tập luyện thể hình, bơi lội bởi đời sống còn nhiều khó khăn, vất vả. Cả khu vực phía bắc TP. Nha Trang gần như là địa bàn trắng về sinh hoạt thể thao, văn hóa cho thanh niên. Để gây dựng phong trào, anh Mạnh đã tìm đến Trường Đại học Thủy sản (nay là Trường Đại học Nha Trang) để mời các bạn sinh viên đến tập luyện miễn phí. Đối với việc dạy bơi, khi cả Nha Trang chưa có hồ bơi, vợ chồng anh Mạnh đã kéo các học trò ra biển Hòn Chồng hụp lặn. Cứ thế theo thời gian, các phòng tập thể hình của vợ chồng anh dần kín người, còn các lớp dạy bơi từ vài chục đã lên đến vài trăm học viên. Anh chị còn thành lập cả đội tuyển bơi lội tham gia giải bơi biển toàn tỉnh và giành gần trọn các bộ huy chương ở những giải đấu này.
Từ những bước đi đầu tiên đó, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh đã kết nối với anh để thành lập CLB Thanh niên Vĩnh Hải, trở thành mô hình hiệu quả trong công tác tập hợp thanh niên và là điển hình của công tác xã hội hóa thể dục thể thao.
Phát triển phong trào thể thao người khuyết tật
Khi hoạt động của CLB đã tạm ổn, chưa kịp vui thì cơn bão năm 1992 gây thiệt hại nặng cho cơ sở khiến ai cũng nghĩ Mạnh sẽ bỏ cuộc. Nhưng không, anh lại vay mượn tiền gây dựng lại CLB, thậm chí còn ấp ủ kế hoạch tạo sân chơi cho những thanh thiếu niên khuyết tật. Nói là làm, anh chạy xe khắp các ngõ ngách TP. Nha Trang để chiêu mộ những bạn trẻ khuyết tật đam mê thể thao về CLB tập luyện miễn phí. Ngày ấy chẳng ai tin tưởng vào việc làm của anh, vì lúc đó thể thao cho người khuyết tật còn mới mẻ, ngay cả những cán bộ ngành thể dục thể thao cũng chưa hình dung ra như thế nào.
Còn nhớ lúc mới đến CLB, các vận động viên (VĐV) Châu Hoàng Tuyết Loan, Đinh Thị Ngà không có nổi chiếc xe lăn để đi. Vợ chồng anh phải dúi cho các em ít tiền xe ôm đến phòng tập, hỗ trợ thực phẩm dinh dưỡng cho các em có sức mà đẩy tạ. Không những vậy, anh Mạnh còn mày mò tìm kiếm tài liệu hướng dẫn tập luyện cho VĐV khuyết tật, tìm ra khả năng, điểm mạnh của từng người để chọn bộ môn phù hợp. Anh còn kiêm luôn thợ sắt, cặm cụi độ chế dụng cụ tập luyện phù hợp với thể trạng từng người. Có những hôm trưa nắng gay gắt, thầy trò mượn được cái sân tennis để tập luyện. Do chưa quen nên cứ ngã chổng vó, lại phải dựng nhau dậy tập. Ai đi qua cứ tưởng mấy ông chán đời.
Vượt qua những hoài nghi ban đầu, chỉ sau chừng một năm tập luyện, các VĐV khuyết tật của CLB đã dần khẳng định tên tuổi. Ở đấu trường trong nước cách đây hơn 20 năm, các VĐV Châu Hoàng Tuyết Loan, Đinh Thị Ngà, Nguyễn Văn Hùng là những đô cử không có đối thủ trong nhiều năm liên tiếp. Các VĐV Nguyễn Phi Thuận, Trần Việt Văn cũng giành huy chương ở bộ môn khó nhằn là tennis và bóng bàn. Từ bệ phóng này, Châu Hoàng Tuyết Loan, Đinh Thị Ngà, Nguyễn Văn Hùng và sau này là Lê Thị Anh Nga (Cam Lâm), Nguyễn Thanh Xuân (Diên Khánh)… là những nòng cốt của đội tuyển quốc gia thi đấu thành công, giành nhiều huy chương vàng, huy chương bạc ở đấu trường Đại hội thể thao khuyết tật Đông Nam Á, châu Á và thế giới. Với tâm huyết và tình thương của mình, vợ chồng anh Mạnh đã biến những chàng trai, cô gái khuyết tật tỏa sáng trên đấu trường quốc gia và quốc tế. CLB được xem là đơn vị ngoài công lập dành cho người khuyết tật quy mô và thành công nhất cả nước lúc bấy giờ. Bản thân Mạnh “dị” được tuyên dương là một trong 3 huấn luyện viên (HLV) thể thao người khuyết tật xuất sắc toàn quốc năm 2008, đồng thời được triệu tập làm HLV đội tuyển cử tạ quốc gia thi đấu tại Paralympic Bắc Kinh 2008. Châu Hoàng Tuyết Loan và Đinh Thị Ngà cũng có tên trong danh sách 5 VĐV khuyết tật xuất sắc nhất năm 2008.
Khi nói về CLB Thanh niên Vĩnh Hải, VĐV Đinh Thị Ngà - người chị cả của đội tuyển thể thao người khuyết tật Khánh Hòa trải lòng: “Từ khi đến sinh hoạt tại CLB, tất cả VĐV khuyết tật luôn xem đây là mái ấm của mình. Ở đây, chúng tôi được sống trong không khí gia đình với sự yêu thương, đùm bọc của vợ chồng thầy Mạnh, cô Huệ. Từ chỗ luôn mặc cảm về số phận, chúng tôi đã tự tin để bước ra thế giới bên ngoài và khẳng định mình. Đó chính là động lực và chỗ dựa vững chắc để chúng tôi gặt hái được những thành quả như ngày hôm nay”.
Đã mang cái nghiệp vào thân…
Dường như cuộc đời cứ muốn người đàn ông này phải ngược dòng. Khi thực hiện dự án mở rộng chợ Vĩnh Hải, khu vực CLB của anh bị thu hồi đất. Anh ngậm ngùi khi nghĩ đến các học trò, nhất là những em khuyết tật không còn chỗ tập luyện, sinh hoạt. Chị Huệ - người vợ đã chung lưng đấu cật, đồng cam cộng khổ bao năm cũng không chịu nổi, chỉ mong Mạnh bớt “dị” vì gia đình anh đủ điều kiện để có cuộc sống an nhàn hơn. Nhưng dường như đã là cái nghiệp, thấy chồng buồn bã, lầm lũi, chị Huệ dù giận nhưng “thương lại càng thương” nên lại cùng chồng gây dựng cơ ngơi mới. Dồn hết vốn liếng, san lấp mảnh đất được Nhà nước cho thuê để dựng lên CLB Thể dục thể thao MH Vĩnh Hải (MH Sport) tại khu A, Tây Nam, Vĩnh Hải. Anh bảo rằng, M là Mạnh, còn H là Huệ, chỉ có tình yêu thương, sự bao dung của chị Huệ mới giúp anh có thêm sinh lực để tiếp tục bơi ngược dòng. Và nơi đây, một lần nữa lại dần trở thành địa chỉ thân thuộc của những người yêu thích thể thao khu vực phía bắc Nha Trang, là mái nhà chung cho những người khuyết tật yêu thích thể thao đến sinh hoạt, tập luyện.
Một ngày hè oi ả, chúng tôi đến dự buổi khai giảng lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em khuyến tật mà MH Sport tổ chức. Buổi khai giảng nhẹ nhàng, gọn ghẽ, nhưng trong ánh mắt của những người tham gia, nhất là hơn 20 bạn nhỏ khuyết tật đủ mọi lứa tuổi, đến từ nhiều nơi, ánh lên niềm vui và lạc quan rạng ngời. Các em được sinh hoạt, giao lưu, tập luyện các môn cử tạ, bơi lội, điền kinh, bóng bàn… miễn phí tùy vào sở thích và sở trường của từng em.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao: HLV Quang Nhật Mạnh với CLB MH Sport đã và đang có nhiều đóng góp cho phong trào thể thao Nha Trang. Đặc biệt, CLB thường xuyên mở các lớp dạy bơi, cử tạ, bóng bàn… miễn phí cho người khuyết tật, qua đó tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho người khuyết tật, đồng thời phát hiện và bồi dưỡng nhiều tài năng thể thao người khuyết tật cho tỉnh và quốc gia. Ngoài ra, bắt đầu từ năm 2022, CLB còn phối hợp với Làng Trẻ em SOS Nha Trang tạo sân chơi thể thao cho các em nhỏ và tuyển chọn, đào tạo, tập huấn miễn phí cho VĐV bơi thiếu niên, nhi đồng chuẩn bị tham gia giải bơi cứu đuối thanh thiếu nhi toàn quốc “Đường đua xanh” năm 2022 tại TP. Hải Phòng trong ít ngày tới. |
Hồng Đăng