10:01, 08/01/2021

Bóng đá bãi biển quốc gia: Chưa có sự chuyển biến

Kỳ SEA Games 31 này, lần đầu tiên môn bóng đá bãi biển được đưa vào chương trình thi đấu và dĩ nhiên ai cũng kỳ vọng vào thành tích của đội tuyển chủ nhà Việt nam trong hành trình chinh phục giải đấu tới. Thế nhưng, những gì diễn ra tại giải vô địch quốc gia 2020 vừa kết thúc tại Nha Trang - giải đấu mang tính chất rà soát lực lượng đội tuyển chuẩn bị cho SEA Games - vẫn chưa cho thấy sự chuyển biến về chất.

Kỳ SEA Games 31 này, lần đầu tiên môn bóng đá bãi biển (BĐBB) được đưa vào chương trình thi đấu và dĩ nhiên ai cũng kỳ vọng vào thành tích của đội tuyển chủ nhà Việt nam trong hành trình chinh phục giải đấu tới. Thế nhưng, những gì diễn ra tại giải vô địch quốc gia 2020 vừa kết thúc tại Nha Trang - giải đấu mang tính chất rà soát lực lượng đội tuyển chuẩn bị cho SEA Games - vẫn chưa cho thấy sự chuyển biến về chất.


Là giải đấu trễ nhất trong hệ thống giải quốc gia khép lại năm 2020, giải BĐBB vô địch quốc gia vừa diễn ra tại bãi biển công viên Thanh Niên - đường Trần Phú, TP. Nha Trang đã chứng kiến màn lên ngôi đầy thuyết phục của đội bóng Đà Nẵng. Nói như vậy là bởi, dù thi đấu ở Khánh Hòa, nơi được coi là cái nôi của phong trào BĐBB quốc gia với sự hiện diện của nhà đương kim vô địch Khánh Hòa, thế nhưng các cầu thủ Đà Nẵng đã cho thấy họ là đội bóng duy nhất giải đấu có sự đầu tư hẳn hoi cho riêng bộ môn thể thao này. Điều đó được thể hiện khá rõ trong các trận đấu giữa Đà Nẵng với các đối thủ, đặc biệt là 2 trận thắng ở vòng bảng và trận chung kết trước nhà đương kim vô địch Khánh Hòa. Trong các trận đấu ấy, các cầu thủ Đà Nẵng cho thấy sự tự tin, nền tảng thể lực vượt trội so với đối thủ, mà điều này chỉ có khi họ trải qua quá trình rèn luyện lâu dài, bài bản.

 

Các đội bóng tranh tài tại giải năm 2020.

Các đội bóng tranh tài tại giải năm 2020.


Đối với đội bóng chủ nhà Khánh Hòa, dù trong đội hình vẫn còn đó những cái tên từng “làm mưa làm gió” tại giải đấu quốc gia các năm như: Phùng Ngọc Vĩnh Quý, Bùi Kim Tuấn, Trần Vĩnh Phong nhưng giờ đã luống tuổi, trong khi các cầu thủ trẻ chưa có kinh nghiệm và thời gian tập huấn thì quá ít. Đến nỗi, sau khi kết thúc giải, một cầu thủ đội Khánh Hòa vô tư chia sẻ: “Mới thi đấu giải phong trào KPL-S2 xong, bước vào giải này luôn thì làm sao đá lại người ta”.


Đó là câu chuyện về chất lượng các đội bóng, còn về chất lượng giải đấu, so với các mùa giải trước, giải vô địch BĐBB quốc gia năm nay không có gì nổi bật. Bởi từ năm 2015 đến nay, giải chỉ vỏn vẹn 4 đội tham dự, trong đó có 2 cái tên quen thuộc là Khánh Hòa và Đà Nẵng, 2 đội mà trước khi giải chưa bắt đầu, khán giả đã sớm biết họ vào tranh vô địch, còn lại là những đội phong trào hoặc đội bóng các địa phương tham dự chỉ để cho có phong trào, lấy kinh nghiệm. Đó là chưa kể trong công tác điều hành giải đấu, lực lượng trọng tài mắc lỗi nghiệp vụ, đến nỗi ông Kiều Minh Văn - Huấn luyện viên trưởng đội Khánh Hòa phải thốt lên: “Trọng tài giải quốc gia mà điều hành như vậy thì… chết giải”. Điều đó lý giải vì sao chất lượng giải BĐBB vô địch quốc gia ngày càng giảm sút.


Nhìn xa hơn nữa, với thực trạng BĐBB nước ta hiện nay, liệu chúng ta kỳ vọng gì ở đội tuyển BĐBB quốc gia khi môn này lần đầu tiên đưa vào chương trình thi đấu SEA Games 31 mà Việt Nam là nước chủ nhà?


An Nhiên