Thực hiện Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020, từ năm 2010 đến nay, phong trào thể dục, thể thao trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh đã có nhiều biến chuyển, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, thể chất người dân, đẩy mạnh phong trào thể thao của huyện.
Thực hiện Chiến lược phát triển thể dục, thể thao (TDTT) Việt Nam đến năm 2020, từ năm 2010 đến nay, phong trào TDTT trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh đã có nhiều biến chuyển, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, thể chất người dân, đẩy mạnh phong trào thể thao của huyện.
Phát triển rộng khắp
Từ năm 2010 đến nay, công tác phát triển TDTT trên địa bàn huyện ngày càng được quan tâm triển khai. Các địa phương, cơ sở luôn tham gia tốt các giải thể thao do huyện tổ chức. Hàng năm, số người tập luyện TDTT thường xuyên và số gia đình thể thao đều tăng so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra; số giải thể thao quần chúng ngày càng thu hút người dân trên địa bàn tham gia. Phong trào thể thao quần chúng ngày càng phát triển rộng rãi ở các khu dân cư với các môn thể thao như: Cầu lông, cờ tướng, bóng đá.
Theo lãnh đạo huyện, hàng năm, địa phương duy trì tổ chức từ 10 đến 12 giải thể thao cấp huyện; mỗi xã, thị trấn tổ chức từ 4 đến 6 giải thể thao, đồng thời tạo điều kiện và hỗ trợ về cán bộ chuyên môn, cơ sở vật chất cho các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp tổ chức các giải của công đoàn, ngành hoặc đơn vị. Thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự hỗ trợ tích cực từ các ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân, phong trào TDTT đã phát triển sâu rộng trên địa bàn. Đến năm 2019, tỷ lệ người dân thường xuyên luyện tập TDTT là 22,19%; tỷ lệ gia đình thể thao là 19%. Các môn thể thao quần chúng như: Hội thi kéo co; các trò chơi dân gian như đẩy gậy, bắn nỏ, cà kheo... tiếp tục được duy trì và phát triển. Cùng với các môn thể thao truyền thống, các môn bóng đá, bóng chuyền... được đặc biệt quan tâm, từ việc phát triển phong trào cơ sở đến tập trung tổ chức các giải thi đấu vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn. Đồng thời, đây là những môn thể thao mũi nhọn tham gia các giải thi đấu do cấp tỉnh, huyện tổ chức.
Trong trường học, phong trào TDTT cũng được triển khai rộng khắp. Số trường học phổ thông có câu lạc bộ TDTT, có hệ thống cơ sở vật chất đủ phục vụ cho hoạt động TDTT, có đủ giáo viên và hướng dẫn viên TDTT, thực hiện tốt hoạt động thể thao ngoại khóa đến năm 2020 đạt từ 55 đến 60% tổng số trường, riêng cấp THCS đạt 100%. Số học sinh được đánh giá và phân loại thể lực theo tiêu chuẩn rèn luyện thân thể đến năm 2020 đạt 85 đến 90% tổng số học sinh phổ thông các cấp.
Song song đó, huyện đã có sự quan tâm đúng mức, bồi dưỡng vận động viên quần chúng về các môn thể thao thế mạnh của huyện như: Việt dã, karatedo, taewondo và các môn thể thao truyền thống dân tộc như đẩy gậy, bắn nỏ, đi cà kheo, kéo co. Hàng năm, các đội của huyện tham gia giải thể thao các cấp đều có huy chương. Có thể kể đến như năm 2016, các vận động viên của huyện tham gia 9 giải thể thao do cấp tỉnh tổ chức và đạt 13 huy chương vàng, 9 huy chương bạc, 12 huy chương đồng; năm 2017, đạt 2 huy chương vàng, 2 huy chương bạc, 4 huy chương đồng giải karatedo, đạt giải nhất toàn đoàn hội thao các dân tộc thiểu số tỉnh với 12 huy chương vàng; huy chương bạc giải vô địch bóng đá U11 tỉnh năm 2019...
Tiếp tục đẩy mạnh phong trào
Theo bà Ca Tông Thị Mến - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, là địa phương miền núi nên cơ sở vật chất và trang thiết bị để phục vụ tập luyện TDTT của huyện còn thiếu thốn, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân; công tác xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT chưa hiệu quả... Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của TDTT; lồng ghép các hoạt động TDTT vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; chú trọng xây dựng và nhân rộng các cá nhân, tập thể điển hình trong TDTT để khuyến khích tinh thần tập luyện, thi đấu thể thao của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân trên địa bàn.
Cùng với đó, địa phương kiến nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm bố trí các nguồn vốn để ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở, nhằm đạt chuẩn theo bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới; đặc biệt là đầu tư kinh phí xây dựng hồ bơi để các ngành thuộc huyện mở lớp giảng dạy môn bơi, tổ chức các giải bơi trên địa bàn nhằm phòng, chống đuối nước cho trẻ em...
VĨNH THÀNH