11:02, 04/02/2020

Để giữ nhân tài

"Lâu lắm rồi, ở một kỳ SEA Games, thể thao Khánh Hòa vinh dự góp mặt 17 huấn luyện viên, vận động viên. Nổi bật là 1 vận động viên điền kinh lần đầu tiên tham dự SEA Games nhưng xuất sắc mang về 3 huy chương vàng cho đoàn thể thao Việt Nam", ông Trần Quang Thường - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Kỹ thuật thể thao tỉnh chia sẻ trong buổi gặp mặt tuyên dương huấn luyện viên, vận động viên tiêu biểu tỉnh.

“Lâu lắm rồi, ở một kỳ SEA Games, thể thao Khánh Hòa vinh dự góp mặt 17 huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV). Nổi bật là 1 VĐV điền kinh lần đầu tiên tham dự SEA Games nhưng xuất sắc mang về 3 HCV cho đoàn thể thao Việt Nam”, ông Trần Quang Thường - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Kỹ thuật thể thao tỉnh chia sẻ trong buổi gặp mặt tuyên dương HLV, VĐV tiêu biểu tỉnh. Điều đó một lần nữa cho thấy, thể thao Khánh Hòa trước đây hay bây giờ không thiếu nhân tài. Những gương mặt HLV, VĐV xuất sắc đại diện cho ngành Thể thao xứ Trầm góp mặt tại kỳ SEA Games 30 vừa qua sẽ là lực lượng nòng cốt, quan trọng để thể thao Khánh Hòa tiếp tục gặt hái thành công hơn nữa ở đấu trường quốc gia, quốc tế trong những năm tới.

 

Trần Nhật Hoàng -  vận động viên điền kinh Khánh Hòa  đạt 3 huy chương vàng SEA Games 30.

Trần Nhật Hoàng - vận động viên điền kinh Khánh Hòa đạt 3 huy chương vàng SEA Games 30.


Thế nhưng, để tìm kiếm và đào tạo ra một tài năng đã rất khó, việc giữ được nhân tài còn khó hơn. Như môn điền kinh, sau thời vàng son của VĐV Phạm Đình Khánh Đoan (SEA Games 1999-2003), phải đến hơn 15 năm sau điền kinh Khánh Hòa mới lại xuất hiện 1 gương mặt nổi bật Trần Nhật Hoàng, VĐV đã làm nên kỳ tích khi lần đầu tiên tham dự SEA Games đã mang về 3 HCV. Mới 19 tuổi, vượt qua hàng loạt đối thủ mạnh đến từ các nước trong khu vực, tương lai Nhật Hoàng sẽ còn tiến xa và gặt hái nhiều thành công hơn nữa nếu tiếp tục được bồi dưỡng, tạo điều kiện tốt để tập luyện và thi đấu. Đó chính là câu chuyện về chế độ chính sách HLV, VĐV thể thao của tỉnh trước nay vẫn còn rất nhiều băn khoăn, vướng mắc. Bởi lẽ, hàng năm, trong các buổi gặp mặt giữa lãnh đạo tỉnh, ngành Thể thao với các HLV, VĐV, những đề xuất, kiến nghị của những người trong cuộc chủ yếu xung quanh vấn đề chế độ tiền công (mức cũ 80.000 đồng/ngày) không còn phù hợp với điều kiện thực tế khiến VĐV không thể yên tâm tập luyện, thi đấu, cống hiến hay thiếu chính sách đãi ngộ chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chảy máu nhân tài.


Được biết, cuối năm qua, được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, ngành Thể thao tỉnh nói chung, VĐV các đội tuyển nói riêng đã đón nhận tin vui khi bắt đầu từ năm nay chế độ tiền công VĐV được tăng 180.000 đồng/ngày. Đây là động lực lớn để VĐV các đội tuyển tỉnh yên tâm tập luyện, thi đấu và cống hiến. Tuy vậy, đó là chế độ chung dành cho tất cả VĐV đạt thành tích tại các giải quốc gia. Còn những trường hợp được coi là đặc biệt đạt thành tích huy chương tại các giải thể thao quốc tế như: Olympic, SEA Games, châu Á hay thậm chí là những HLV, VĐV các đội tuyển sau nhiều năm cống hiến thôi làm nhiệm vụ… đều mong mỏi có được chính sách hỗ trợ mang tính đãi ngộ nhằm “giữ chân” người tài. Chẳng hạn, chính sách hỗ trợ mua nhà ở xã hội, hỗ trợ đi học nâng cao trình độ chuyên môn, đào tạo nghề, tạo việc làm… Trong buổi gặp mặt HLV, VĐV tiêu biểu tỉnh cuối năm vừa qua, ông Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã đề nghị lãnh đạo ngành Thể thao tỉnh cần chủ động nghiên cứu, xem xét các đề xuất, kiến nghị của các HLV, VĐV tùy vào điều kiện thực tế của tỉnh, từ đó xây dựng các dự thảo, đề án, giải pháp tham mưu cho tỉnh triển khai thực hiện các chế độ, chính sách đãi ngộ cho các HLV, VĐV để giữ nhân tài.


AN NHIÊN