Ngày Tết, từ người lớn đến trẻ nhỏ, ai ai cũng thích xem múa lân, thậm chí nhiều gia đình có điều kiện còn mời lân về nhà xông đất, hái lộc, bởi lân tượng trưng cho sự may mắn, thành đạt, thịnh vượng, hanh thông…
Ngày Tết, từ người lớn đến trẻ nhỏ, ai ai cũng thích xem múa lân, thậm chí nhiều gia đình có điều kiện còn mời lân về nhà xông đất, hái lộc, bởi lân tượng trưng cho sự may mắn, thành đạt, thịnh vượng, hanh thông…
Múa lân cũng lắm công phu
Múa lân là môn nghệ thuật đã có từ lâu đời, du nhập vào nước ta và trải qua hàng thế kỷ với sự tiếp thu có chọn lọc của các võ sư, võ đường nổi tiếng khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam. Giờ đây, múa lân đã trở thành nét văn hóa truyền thống đặc sắc trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, dù ở thành thị hay thôn quê, khi mọi người nghe thấy tiếng trống rộn rã như thúc giục, gọi mời thì đều biết rằng ở đâu đó tại các đình, làng, hội trường… đang có hội múa lân Tết.
Theo quan niệm của người xưa, lân là 1 trong 4 con vật tứ linh (gồm: long, ly (lân), quy, phụng), tượng trưng cho phúc lộc, may mắn, thịnh vượng. Tuy vậy, để có bài múa lân đẹp, con lân không chỉ bắt mắt về ngoại hình mà động tác múa còn phải thể hiện sự uyển chuyển sinh động, mang lại bầu không khí nhộn nhịp, vui vẻ của lễ hội và thể hiện được tình cảm, sự gửi gắm về một năm mới an lành, thịnh vượng đến những người xem múa hội. Và như vậy, múa lân là cả một nghệ thuật, đòi hỏi sự đầu tư nghiên cứu bài bản, người múa lân không chỉ am hiểu về võ thuật, các bộ pháp làm nên điệu bộ, động tác mà còn phải cảm nhận được thần thái của con lân mỗi khi biểu diễn.
Ông Đoàn Đức Phước - Câu lạc bộ Lân - Sư - Rồng Thọ Phước Đường - Trung tâm Văn hóa tỉnh cho hay: “Con lân được coi là múa đẹp phải diễn xuất đủ 8 bộ gồm: kinh, nghi, động, tĩnh, hỷ, nộ, ái, ố. Đó chính là điệu bộ và thần thái của lân”. Theo ông Phước, ngày nay, chúng ta thường thấy có rất nhiều câu lạc bộ múa lân ra đời, những người múa lân đa phần là người trẻ chưa kinh qua các lớp võ cổ truyền hay xuất thân từ các võ đường nên cứ nghĩ múa lân là dễ. Kỳ thực, nghệ thuật múa lân không hề đơn giản. Để múa một con lân thông thường cần 2 diễn viên, 1 người múa đầu lân, 1 người múa đuôi và cả 2 phải khỏe mạnh, nhanh nhẹn, ăn ý với nhau trong từng động tác. Bộ pháp của con lân liên quan đến tấn pháp. Trong đó, những tấn pháp phổ biến thường được sử dụng trong múa lân là: trung bình tấn, hạc tấn, đinh tấn, xà tấn, tọa tấn tương ứng với các hình ảnh lân đứng, ngồi, nằm, chồm hoặc thu người… Những ai học võ chắc chắn nắm vững kỹ thuật tấn pháp này, kết hợp với động tác di chuyển đi tới, đi lui, sàn bộ thì lúc ấy mới thể hiện được những điệu bộ dũng mãnh của những con lân đang tranh nhau ăn lộc, hay sự nhẹ nhàng, uyển chuyển khi lân đùa vui với ông địa, trẻ con. Con lân khi tỏ vẻ ngạc nhiên, người múa phải điều khiển làm sao cho đầu lân bất ngờ thụt mạnh về phía sau, chân trước hơi cong cử động nhẹ, mắt chớp liên tục; lân tỏ vẻ thích thú thì chân vuốt râu, bật nhảy cao… Tất cả kỹ thuật ấy đều thể hiện điệu bộ, thần thái của con lân mà người diễn viên múa phải tập luyện rất kỳ công.
Đặc thù trong múa lân đòi hỏi người diễn phải có năng khiếu (chiếm 30%), phần còn lại là công phu và phương pháp tập luyện. Một diễn viên nếu muốn tham gia diễn tại các show như khai trương thì phải tập luyện ít nhất 2 tháng; một vận động viên muốn được tham gia thi đấu tại các hội thi múa lân tỉnh, toàn quốc, thời gian tập luyện lên đến 1 - 2 năm. Riêng đối với nội dung lân lên mai hoa thung (đỉnh cao trong bài múa lân) thì không phải ai cũng có thể thực hiện được, bởi những người biểu diễn tiết mục này đòi hỏi phải có năng khiếu, sự đam mê, thể lực tốt và gan dạ.
Làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần
Trong loại hình múa lân ngày nay, tùy theo sự kiện, hoạt động, mỗi bài múa lân đều có những bộ pháp, cách thức diễn xuất mang một ý nghĩa khác nhau. Chẳng hạn, múa lân dịp lễ hội thường là lân hoạt náo để tạo không khí, trong đó có các bài múa 3 lân còn gọi là tam tinh - tam anh, thể hiện 3 điều tốt lành phúc, lộc, thọ; múa 4 lân gọi là tứ lân hưng long, biểu tượng cho 4 mùa, 4 phương trong trời đất nhằm diễn tả sự sung mãn, trường thọ, mạnh khỏe và hạnh phúc. Còn múa lân vào nhà đầu năm gọi là lân xông đất. Về cơ bản, các bộ pháp, kỹ thuật múa các bài đều giống nhau, nhưng đối với bài lân xông đất có thể múa 1 hoặc 2 lân tùy theo nhu cầu của gia chủ. Đầu tiên, lân vào nhà phải có bộ khởi (tức lân chào, bái lạy môn thần), bài hoạt náo tạo không khí vui tươi trong nhà, bài lân hái lộc thể hiện sự cát tường, như ý. “Gia chủ có thể treo lì xì cao để lân nhảy lên hoặc trèo cây hái lộc, độ khó càng cao thì lộc con lân hái được càng ý nghĩa, tạo sự hưng phấn, hấp dẫn cho người xem”, ông Phước chia sẻ.
Có thể nói, ở Khánh Hòa, nhiều câu lạc bộ múa lân - sư - rồng của các võ đường, xã, phường khá phát triển, đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Nhờ đó, nghệ thuật múa lân sẽ mãi trường tồn để giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc.
An Nhiên