Phong trào ở tuyến cơ sở không có, chế độ lương, tiền công quá ít, các bậc phụ huynh lại không mấy mặn mà khi cho con em theo nghiệp thể thao, đặc biệt là môn chạy… Đó là những nguyên nhân khiến cho công tác tuyển chọn, đào tạo vận động viên (VĐV) môn điền kinh tỉnh gặp rất nhiều khó khăn.
Phong trào ở tuyến cơ sở không có, chế độ lương, tiền công quá ít, các bậc phụ huynh lại không mấy mặn mà khi cho con em theo nghiệp thể thao, đặc biệt là môn chạy… Đó là những nguyên nhân khiến cho công tác tuyển chọn, đào tạo vận động viên (VĐV) môn điền kinh tỉnh gặp rất nhiều khó khăn.
Kỳ ASIAD 2018 vừa qua, đoàn thể thao Việt Nam đạt được tổng cộng 38 huy chương (gồm 4 huy chương vàng, 16 huy chương bạc, 18 huy chương đồng) xếp thứ 17 trên bảng tổng sắp huy chương. Trong số các huy chương thể thao Việt Nam giành được tại ASIAD, môn điền kinh đóng góp 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc và 3 huy chương đồng. Điền kinh là môn thể thao rất được coi trọng tại Olympic, rất cần được đầu tư trọng điểm. Tuy nhiên, ở Khánh Hòa, công tác tuyển chọn, đào tạo điền kinh hiện đang gặp không ít khó khăn.
Bà Hoàng Thị Huyền Nga - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật thể thao tỉnh - Trưởng bộ môn điền kinh cho biết: “Điền kinh Khánh Hòa vài năm gần đây gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyển chọn và đào tạo. Hiện nay, đội tuyển điền kinh tỉnh có 17 VĐV, đa phần là các em trẻ nên chất lượng, trình độ chuyên môn còn hạn chế. Bây giờ muốn tìm một VĐV điền kinh chất lượng, đủ sức cạnh tranh huy chương ở cấp độ quốc gia rất khó”.
Theo lý giải của bà Nga, trước đây, Ban huấn luyện đội tuyển tỉnh muốn tìm VĐV chỉ cần đến các trường học, nơi mà các VĐV có năng khiếu đã được các cộng tác viên thể thao chọn sẵn để xem “giò” rồi thuyết phục đưa về. Bởi tại các trường học, môn Giáo dục thể chất vẫn còn các bài tập của môn điền kinh như: chạy ngắn, ném tạ, nhảy xa, nhảy ba bước… là những môn bắt buộc. Khoảng 3 năm gần đây, môn Giáo dục thể chất không còn mang tính bắt buộc, các em học sinh có thể lựa chọn các môn yêu thích để học như: bóng rổ, bóng chuyền, cầu lông…, rất ít em chọn môn chạy.
Tìm nguồn VĐV đã khó, nhưng khi tìm được rồi để đưa được VĐV ấy vào đội tuyển tỉnh tập nghiệp dư hay năng khiếu lại là vấn đề nan giải. Để có được 1 VĐV theo tập điền kinh, Ban huấn luyện đội tuyển tỉnh phải đến tận gia đình các em để thuyết phục. Có gia đình đồng ý, không ít người thẳng thừng từ chối vì không muốn con em mình theo nghiệp thể thao. Chưa hết, có không ít trường hợp vào đội tuyển tập luyện rất có năng khiếu, tố chất thậm chí có huy chương, đẳng cấp nhưng do chế độ quá ít đã bỏ về.
Được biết, so với mặt bằng chung, chế độ tiền công tập luyện, tiền lương của các VĐV thể thao tỉnh vẫn còn thấp. Theo bà Nga, hiện nay, VĐV nghiệp dư tiền lương chỉ vỏn vẹn 300.000 đồng/tháng; VĐV năng khiếu hưởng tiền ăn, nước 70.000 đồng/ngày, tiền công 800.000 đồng/tháng, tổng cộng vào khoảng 2,8 triệu đồng/tháng. Còn VĐV đạt trình độ cấp 1, hoặc kiện tướng chỉ khoảng tầm từ 4 - 5 triệu đồng, nếu đạt thành tích huy chương cấp quốc gia thì có thêm tiền thưởng. Thế nhưng, cả 1 năm vất vả tập luyện, chưa chắc gì VĐV có thể đạt huy chương. Còn muốn đạt cấp kiện tướng lại càng khó. Nhiều VĐV dù đạt huy chương vàng ở cấp quốc gia cũng chỉ được xếp ở đẳng cấp 1, bởi việc xét đẳng cấp môn điền kinh dựa vào thành tích thời gian VĐV đạt được theo quy định chứ không phải là màu huy chương.
Theo tìm hiểu, các trường hợp VĐV đạt đẳng cấp chỉ được hưởng các chế độ lương, tiền công cao trong 1 năm. Đến năm tiếp theo, nếu VĐV ấy không duy trì được phong độ và “rớt hạng” thì trở về hưởng lương như VĐV nghiệp dư. Điều này khiến không ít VĐV có tâm lý nản, bỏ nghề. Ở khía cạnh nào đó, quy định này là không sai, nó là thước đo để các VĐV luôn phấn đấu để đạt được thành tích cao nhất. Tuy vậy, ai cũng biết một VĐV không phải lúc nào cũng có được phong độ, tình trạng thể lực tốt nhất.
An Nhiên