Sau một đoạn thời gian "mất bóng" tại những đấu trường danh giá châu Âu, bằng những khoản tiền khổng lồ được đầu tư một cách không luyến tiếc, Ngoại hạng Anh đã nhanh chóng trở lại như một gã khổng lồ bị động chạm tới sự tự ái. Một câu hỏi được đặt ra, vậy Ngoại hạng Anh đã trở lại bằng cách nào?
Sau một đoạn thời gian “mất bóng” tại những đấu trường danh giá châu Âu, bằng những khoản tiền khổng lồ được đầu tư một cách không luyến tiếc, Ngoại hạng Anh đã nhanh chóng trở lại như một gã khổng lồ bị động chạm tới sự tự ái. Một câu hỏi được đặt ra, vậy Ngoại hạng Anh đã trở lại bằng cách nào?
Lần cuối cùng mà người hâm mộ bóng đá Anh thấy một câu lạc bộ thuộc Ngoại hạng Anh vô địch Champions League, giải đấu danh giá nhất châu Âu, đã là mùa giải 2011-2012. Kể từ đó đến thời điểm hiện tại, Champions League đã chịu sự thống trị gần như tuyệt đối của bóng đá Tây Ban Nha, với 5 lần lên ngôi vô địch (4 của Real Madrid và 1 của Barcelona), chỉ chừa 1 lần cho bóng đá Đức với chiếc cúp vô địch của Bayern Munich mùa giải 2012-2013. Sự thất thế của bóng đá Anh cũng xảy ra tương tự tại đấu trường Europa League, sau khi Chelsea lên ngôi ở đấu trường này mùa giải 2012-2013, thì Europa League đã chịu sự thống trị bóng đá Tây Ban Nha khi mà Sevilla đã vô địch trong 3 mùa giải liên tiếp sau đó.
Với một giải đấu luôn được người Anh tự hào là hấp dẫn hàng đầu thế giới, với một nguồn tài chính cực kỳ dồi dào, những kết quả nói trên có thể nói là không thể chấp nhận được. Và Ngoại hạng Anh đã thay đổi một cách nhanh chóng, triệt để nhất có thể, với sự hậu thuẫn từ những túi tiền gần như không đáy của những ông chủ câu lạc bộ. Rồi thì những quả “bom tiền” đã mang lại những kết quả ngày một khả quan hơn. Đó là chức vô địch Europa League mùa giải 2016-2017, đó là vị trí Á quân của Liverpool tại Champions League mùa giải 2017-2018, và cho đến mùa giải 2018-2019, đó là sự thống trị tuyệt đối của bóng đá Anh tại đấu trường châu Âu.
Tại sao không nói là gần như tuyệt đối, mà lại nói là sự thống trị tuyệt đối? Đó là bởi cả 2 trận chung kết Champions League và Europa League mùa giải 2018-2019 đều là cuộc đấu nội bộ giữa các câu lạc bộ Ngoại hạng Anh. Với trận chung kết Champions League là giữa Liverpool và Tottenham, chung kết Europa League là giữa Chelsea và Arsenal. Đó không chỉ đội đoạt chức vô địch Champions League và Europa League đều sẽ là câu lạc bộ thuộc Ngoại hạng Anh, mà là Ngoại hạng Anh đã “xâm chiếm” Champions League và Europa League thành cuộc chơi nội bộ của họ.
Vậy điều gì đã khiến cho Ngoại hạng Anh trở lại một cách mạnh mẽ như vậy? Đầu tiên, thành phần quan trọng nhất của sự trở lại đó, chính là nguồn tài chính cực kỳ mạnh mẽ của các câu lạc bộ hàng đầu Ngoại hạng Anh. Với nguồn tài chính từ bản quyền truyền hình lớn hàng đầu thế giới, từ túi tiền dường như là vô tận của giới chủ các câu lạc bộ lớn, Ngoại hạng Anh đã thay đổi một cách triệt để từ những nền tảng cơ bản nhất. Lần lượt những huấn luyện viên hàng đầu thế giới đã về với Ngoại hạng Anh, chẳng hạn như: Pep Guardiola, Jurgen Klopp, Mourinho, Unai Emery, Maurizio Sarri… và hiển nhiên đi kèm đó là những mức lương khiến cho họ nằm trong nhóm những huấn luyện viên có thu nhập hàng đầu thế giới.
Không chỉ dừng ở việc đưa về huấn luyện viên hàng đầu, lần lượt những bản hợp đồng bom tấn đã diễn ra đưa những ngôi sao hàng đầu thế giới về với Ngoại hạng Anh. Những bản hợp đồng gần như… không tưởng, biến các cầu thủ thay nhau trở thành cầu thủ đắt giá nhất thế giới, chẳng hạn như: Paul Pogba - 100 triệu euro, Virgil Van Dijk - 79 triệu Keuro Kevin De Bruyne - 76 triệu euro, Kepa Arrizabalaga - 80 triệu euro, Alisson Becker - 72,5 triệu euro, Jorginho - 65 triệu euro… Việc chi không tiếc tiền vào thị trường chuyền nhượng, đã giúp cho Ngoại hạng Anh không chỉ thu hút được nhiều ngôi sao, mà còn giúp cho họ có được chiều sâu lực lượng ngày một dày thêm, giúp họ có thể thi đấu tốt trên nhiều mặt trận.
Từ việc có nhiều huấn luyện viên giỏi, cầu thủ chất lượng cũng như chiều sâu lực lượng đủ dày, lối chơi của các câu lạc bộ thuộc Ngoại hạng Anh ngày một phong phú hơn, đa dạng hơn, khó bị bắt bài hơn. Đó có thể là lối đá tấn công đầy máu lửa, rất điên cuồng, pressing liên tục tra tấn thể lực đối thủ của Liverpool và Tottenham. Chính lối đá này đã giúp họ kéo sập đối thủ, lội ngược dòng một cách ngoạn mục sau khi bị dẫn trước khá nhiều bàn, biến những Barcelona và Ajax trở thành “nền” cho những trận chiến ngược dòng kinh điển của Champions League. Đó có thể là lối đá đậm chất kinh nghiệm, đánh thẳng vào nhược điểm của đối thủ của Arsenal, với sự dẫn dắt của một “chuyên gia Europa League” là Unai Emery, người đã 3 lần liên tục đưa Sevilla lên đỉnh Europa League. Và đó cũng có thể là lối đá đậm chất tính toán, chiến lược chiến thuật của Maurizio Sarri, giúp Chelsea đi tới trận chung kết Europa League thông qua những trận cầu đầy cân não.
Vừa có sự hẫu thuẫn của một nguồn tài chính cực kỳ hùng hậu, có nhiều cầu thủ ngôi sao, lực lượng ngày một có chiều sâu hơn, lại có những huấn luyện viên hàng đầu thế giới dẫn dắt. Có thể nói việc Ngoại hạng Anh trở lại và thống trị bóng đá châu Âu nhìn như bất ngờ, lại như là một thực tế trước sau gì cũng sẽ phải diễn ra. Chắc chắn trong kỳ chuyển nhượng Hè 2019 này, các câu lạc bộ lớn của các giải đấu lớn khác như Tây Ban Nha, Đức, Italia… sẽ phải chi đậm để nhanh chóng cắt ngang sự thống trị đó. Và dĩ nhiên, các ông chủ của Ngoại hạng Anh cũng sẽ không ngồi yên. Dự đoán kỳ chuyển nhượng mùa Hè 2019 này sẽ là một kỳ chuyển nhượng cực kỳ sôi động, và sẽ có nhiều kỷ lục chuyển nhượng được phá vỡ.
Cao Duy