04:06, 27/06/2012

Thêm mạch nguồn cảm xúc về Trường Sa

Sau tập thơ nhạc “Bài ca biển đảo” ra đời đầu quý III/2011 gây tiếng vang, được đông đảo bạn đọc gần xa đón đọc, đầu quý II/2012, Hội UNESCO tỉnh lại cho ra đời tập văn - thơ - nhạc mang tựa đề: “Vì Trường Sa - Vì biển đảo quê hương”.

Sau tập thơ nhạc “Bài ca biển đảo” ra đời đầu quý III/2011 gây tiếng vang, được đông đảo bạn đọc gần xa đón đọc, đầu quý II/2012, Hội UNESCO tỉnh lại cho ra đời tập văn - thơ - nhạc mang tựa đề: “Vì Trường Sa - Vì biển đảo quê hương”.

Tập sách dày ngót 200 trang, khổ 14,5x20,5cm, gồm 9 tác phẩm văn xuôi, hơn 50 tác phẩm thơ và 4 ca khúc, do Hội UNESCO Khánh Hòa phối hợp với Nhà xuất bản Lao Động ấn hành. Nội dung tập sách tập trung ngợi ca biển đảo quê hương và sự chiến đấu, hy sinh bảo vệ biển đảo của các thế hệ người Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Các tác phẩm trong tập sách này là của các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ trong tỉnh và một số ít tác giả ngoài tỉnh. Có khá đông tác giả đã thường xuyên bám sát đề tài nóng bỏng: Chủ quyền của Việt Nam trên vùng biển đảo quê hương. Nhiều tác giả đã có mặt ở Trường Sa cùng các chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ và xây dựng đảo thân yêu. Đặc biệt, có những cán bộ chỉ huy; những người lính đảo đang chắc tay súng canh giữ biển trời nơi biên giới thiêng liêng của Tổ quốc cũng góp mặt trong tập sách này.


Sau tập thơ nhạc “Bài ca biển đảo” ra đời đầu quý III/2011 gây tiếng vang, được đông đảo bạn đọc gần xa đón đọc, đầu quý II/2012, Hội UNESCO tỉnh lại cho ra đời tập văn - thơ - nhạc mang tựa đề: “Vì Trường Sa - Vì biển đảo quê hương”.
 

 

Ở mảng văn xuôi, đáng chú ý là các bài: “Những con tàu không số” (tác giả Đỗ Anh Tịnh); “Đã ở lại Lý Sơn” (Cao Ngọc Thắng); “Nơi ấy là mặt trời” (tác giả Nguyễn Gia Nùng)… Qua những tác phẩm đó, độc giả có thể tìm thấy nhiều thông tin mà có lẽ còn rất ít người được biết. Đó là về đoàn tàu không số, từ tháng 10-1962 đến tháng 2-1965 đã mưu trí, dũng cảm thực hiện 88 chuyến vào Nam ra Bắc, đưa được 5 tấn vũ khí, trang thiết bị vào chiến trường từ khu 5 đến Nam bộ. Hay tác phẩm “Đã ở lại với Lý Sơn” đã đưa chúng ta về một vùng đất đầy sức sống, nơi có nhiều ngôi mộ gió ghi danh những chiến binh Việt Nam từ xa xưa ra chiến đấu giữ Hoàng Sa và đã vĩnh viễn không trở lại với đất liền. Đó là huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, mà với bút pháp chân thực, giản dị, tác giả đã khiến cho người đọc phải rơi lệ. Trong khi đó, với tác phẩm “Nơi biển đảo phía mặt trời”, nhà văn Nguyễn Gia Nùng ghi lại cảm xúc của những người lần đầu đến với Trường Sa, được gặp gỡ các chiến sĩ trẻ quê ở mọi miền đất nước đang ngày đêm giữ đảo: “Nơi đây, những người con yêu quý đang ngày đêm canh giữ bầu trời, biển cả xa xôi nhất của Tổ quốc, các anh luôn là những người thay mặt cả nước chào đón ánh mặt trời đầu tiên của ngày mới, cả những buổi đẹp trời hay những khi giông bão”…

Ngoài mảng văn xuôi, tập sách còn có hơn 50 bài, với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, nhưng tất cả đều tập trung dành những ngôn từ đẹp, mới lạ viết về biển đảo quê hương. Tiêu biểu như khổ thơ mở đầu trong bài: “Lại về với biển” của nhà thơ Giang Nam: Lại về với biển, biển ơi!/Để nghe tiếng sóng gọi người đêm đêm/Để nhìn nước thủy triều lên/Để yêu hạt cát, cánh chim, hàng dừa”; hay: …Hoàng Sa, Trường Sa dãi dầu sóng gió/Đất nước mình tay nắm chặt tay/Trà Cổ em tình anh như lửa/Đốt cháy thời gian, khoảng cách, đêm ngày…” (“Triều Trà Cổ”, tác giả Cao Ngọc Thắng); …Trường Sa, Trường Sa ơi!/Em hiểu nơi đó là tiền tiêu Tổ quốc/Nơi che chắn cho mái đình, cây đa bến nước/Cho những dòng sông ngọt lịm ca dao/Cho bao công trình nhà máy vươn cao/Cho cánh đồng vàng ngọt ngào hương lúa/Cho đàn em thơ tung tăng tới trường/Cho cờ đỏ sao vàng tung bay trên nền trời xanh cao vời vợi/Cho hai tiếng Việt Nam bền vững đến muôn đời! (Tiễn anh ra Trường Sa - tác giả Xuân Tuynh). Ngoài ra còn nhiều câu thơ xúc động của các tác giả Nguyễn Gia Nùng, Thanh Phúc, Trần Thị Kim Oanh, Đức Linh, Hạ My…

Với tập sách “Vì Trường Sa - Vì biển đảo quê hương”, bạn đọc gần xa như thêm hiểu biết về vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tập sách cũng là món quà chào mừng Đại hội lần thứ II của Hội UNESCO Khánh Hòa (sẽ tổ chức trong quý II/2012) và hưởng ứng cuộc thi sáng tác báo chí và ca khúc về biển đảo quê hương mà tỉnh vừa phát động.

Xuân Tuynh