09:02, 08/02/2012

Lắng lòng bài thơ “Trông ra bờ ruộng”

Câu thơ mở đầu có vẻ bâng quơ đưa ta về không gian của ký ức có “mưa bay trắng cỏ, cào cào cánh sen”. Hai sắc màu tương phản nhau trong một khung cảnh mù mịt mưa nhuộm trắng cả cỏ thì vẫn còn đó cánh sen áo mẹ...

Viết về mẹ, người mẹ thuần nông Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh có tứ thơ khá xúc động: “Trông ra bờ ruộng” với thể thơ lục bát cân đối, uyển chuyển đã vẽ nên chân dung người mẹ gắn bó với ruộng đồng. “Trông ra bờ ruộng” nhà thơ thấy: “Mẹ tôi nón lá bước lên” và “Mẹ tôi gạt cỏ bước lên”. Nón lá mới là hình thức, còn gạt cỏ đã là một hành động cương quyết bao hàm cả tính đảm đang, giỏi giang việc nước, việc nhà của mẹ.

Câu thơ mở đầu có vẻ bâng quơ đưa ta về không gian của ký ức có “mưa bay trắng cỏ, cào cào cánh sen”. Hai sắc màu tương phản nhau trong một khung cảnh mù mịt mưa nhuộm trắng cả cỏ thì vẫn còn đó cánh sen áo mẹ. Nhà thơ không nói về thời gian, về sự hao khuyết đời mẹ mà ta vẫn cảm nhận được sự thẩm thấu thật tinh tế ở “Mạ non đầu hạ trăng liềm cuối thu”. Nhà thơ Hữu Thỉnh thường có cách nói như thế, đó là cách của ca dao, của những ví von trực cảm. Cứ ngỡ không gian mở ra đến hoang vắng thì đột nhiên khoanh lại một điểm nhấn “Quanh quanh vẫn một mảnh bờ/Bấy nhiêu toan tính đến giờ chưa yên”. Nhà thơ nói “toan tính” chứ không nói tính toán. Ở đây có những lưỡng lự, đắn đo, thao thức, đó là phẩm hạnh của một người mẹ Việt thuần nông trước một mảnh bờ quanh quẩn níu bước chân người; có cả sự hy sinh, cam chịu, nhường nhịn hết thảy, không yếu mềm khuất phục trước những đám cỏ dày chen lấn cây lúa hay những bon chen giành giật đời thường. Hình ảnh mẹ hiện lên thật đẹp khi “Mẹ tôi gạt cỏ bước lên”. Gạt cỏ chứ không phải là nhổ cỏ. Gạt là một ứng xử nhiều trải nghiệm sống. Ở mẹ bao giờ tính bao dung nhân hậu vẫn luôn thường trực. Bởi mẹ toan tính nên “Xòe tay tính tháng tính năm”, nhưng đến “tính người” thì câu thơ thắt lại trước thân phận, trước cảnh ngộ, trước “xa xăm cõi người”. Nhà thơ Hữu Thỉnh thường có những thổn thức như thế nhói vào lòng người đọc bằng cảm thông chia sẻ. Thơ lục bát thường tạo ra cảm giác dàn trải, bằng phẳng, đơn điệu nếu không có những đảo phách tình cảm như thế. Ở đây mẹ “tính người” nhưng ai tính được đời mẹ: “Đồng quang bóng mẹ nắng nôi một mình”. Thơ hay thường tạo ra những dư ba lay thức. Nhà thơ không nói trực tiếp về sự hy sinh vất vả của mẹ mà ta lắng được hàm ơn ấy. Tôi bỗng nhớ đến ý một bài thơ khá sâu sắc của một nhà thơ khi viết về cánh đồng: “Mẹ gặt hái cánh đồng hay cánh đồng sàng sảy mẹ”. Nhà thơ Hữu Thỉnh tung tẩy mà chạm được đến cõi người nhiều trắc ẩn khi viết về mẹ.

Trông ra bờ ruộng

Trông ra bờ ruộng năm nào

Mưa bay trắng cỏ, cào cào cánh sen

Mẹ tôi nón lá bước lên

Mạ non đầu hạ trăng liềm cuối thu

 

Quanh quanh vẫn một mảnh bờ

Bấy nhiêu toan tính đến giờ chưa yên

Mẹ tôi gạt cỏ bước lên

Cỏ dày, cây lúa phải chen nhọc nhằn

 

Xòe tay tính tháng tính năm

Tính người? Nào biết xa xăm cõi người

Gié thơm ai đã gặt rồi

Đồng quang bóng mẹ nắng nôi một mình.

HỮU THỈNH

Nhà thơ Hữu Thỉnh sinh ngày 15-2-1942, quê ở làng Phú Vinh, xã Duy Phiên, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú; hiện là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Một số tập thơ tiêu biểu của ông: “Đường tới thành phố” (Trường ca - 1979), “Thư mùa Đông” (thơ, 1994), “Trường ca biển” (1994), Thơ Hữu Thỉnh (1998), “Sức bền của đất” (trường ca, 2004)… Trong đó, ông nhận giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam với trường ca “Đường tới thành phố” (năm 1980) và tập thơ “Thư mùa Đông” (năm 1995); Giải xuất sắc của Bộ Quốc phòng năm 1994 với “Trường ca biển”. Năm 1999 ông nhận Giải thưởng Văn học ASEAN. Năm 2001, nhà thơ Hữu Thỉnh được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt I.

NGUYỄN NGỌC PHÚ