Chen lẫn trong không khí nhộn nhịp của siêu thị Maximark những ngày cuối năm, gian hàng thư họa của nhóm Thư họa Đồng Tâm với hàng trăm bức Thư họa với những họa cảnh tươi sáng, nhẹ nhàng bên cạnh những đường nét Thư pháp uốn lượn chỉn chu, tao nhã trên nền chất liệu giấy lụa, giấy gió, mành tre… đã làm nên một “góc trầm” rất riêng, rất thơ cho “phố chợ”.
Chen lẫn trong không khí nhộn nhịp của siêu thị Maximark những ngày cuối năm, gian hàng thư họa của nhóm Thư họa Đồng Tâm với hàng trăm bức Thư họa với những họa cảnh tươi sáng, nhẹ nhàng bên cạnh những đường nét Thư pháp uốn lượn chỉn chu, tao nhã trên nền chất liệu giấy lụa, giấy gió, mành tre… đã làm nên một “góc trầm” rất riêng, rất thơ cho “phố chợ”.
Thư pháp Thành Trung với lối viết chân phương góp phần đưa nghệ thuật Thư pháp đến gần hơn với mọi người. |
Họ là những thanh niên còn rất trẻ có chung tình yêu và niềm đam mê thư pháp Việt. Họ là 4 chàng trai: Nguyễn Thành Trung, sinh năm 1984 tại Quảng Ninh; Nguyễn Đình Thanh sinh năm 1983 tại Hà Nội; Bùi Xuân Ngọc, sinh năm 1984 tại Thanh Hóa và Nguyễn Văn Duy, sinh năm 1984 tại Thái Bình. Chính niềm đam mê thư pháp Việt đã gắn kết họ lại với nhau và họ đã chọn Nha Trang làm điểm dừng chân để lập nghiệp “ông Đồ”, đồng thời chọn tên gọi cho nhóm Thư họa của mình là “Đồng tâm”.
Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống Hán học , cha vốn là một nhà Thư pháp Hán ngữ, Nguyễn Thành Trung đã sớm thừa hưởng và phát huy năng khiếu của một người tài hoa, hay chữ. Nhớ về “cái duyên” đã đưa mình đến với Thư pháp Việt, anh chia sẻ: “Tôi quan tâm và bắt đầu luyện tập Thư pháp từ năm 2003 khi tham gia chương trình Hội trại của trường Đại học Lục quân 2. Lúc đó, tôi được gặp gỡ và chứng kiến tài năng của các nhà thư pháp nổi tiếng như Trịnh Tuấn, các ông đồ của CLB Cảo thơm thư hiên…. Những nét bút rồng phượng thể hiện những bước dọc ngang, thăng trầm của cuộc đời con người được viết bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ đã lôi cuốn tôi. Tôi bắt đầu thấy say mê môn nghệ thuật này. Cha không khuyến khích nhưng cũng không ngăn cản ước mơ của tôi. Chính ông là người thầy đầu tiên dạy tôi những nét cơ bản về Thư pháp”. Năm 2004, qua tìm hiểu về Thư pháp Việt, Nguyễn Thành Trung được “tiếp xúc” với tác giả Hồ Khanh qua tác phẩm “Chữ Quốc ngữ và những vấn đề liên quan đến Thư pháp”, anh đã tìm thấy sự đồng điệu với tác giả với cái nhìn rất nhân văn và thẩm mỹ đối với Thư pháp Việt – bộ môn nghệ thuật còn rất mới, chưa nhận được nhiều sự đồng tình, hưởng ứng từ các nhà nghiên cứu. Với anh, Hồ Khanh trở thành người có tác động quyết định đến việc anh theo đuổi con đường nghiên cứu nghệ thuật Thư pháp Việt cho đến nay. Anh chia sẻ: “Vì sự ra đời và tồn vong của nền văn hóa dân tộc và nhất là ngôn ngữ dân tộc ngày hôm nay, biết bao thế hệ cha ông đã phải trải qua hàng nghìn năm tranh đấu, hi sinh. Là một trong những người của thế hệ trẻ, sinh ra trong hòa bình, tôi muốn tiếp tục con đường đó, giữ gìn và phát huy nét đẹp của ngôn ngữ Việt Nam bằng con đường nghệ thuật Thư pháp”.
Tài năng của Nguyễn Thành Trung đã sớm tỏa sáng khi chỉ mới luyện tập 2 năm, năm 2005 anh đã cho ra đời tác phẩm “dài hơi” đầu tiên là bức Thư pháp Hịch Tướng Sĩ (tác phẩm văn học của Trần Hưng Đạo) dài 10m với những nét bút tròn trịa, phóng khoáng, được thầy cô và các bạn sinh viên trong trường hết mực tán thưởng; nhiều người đã tìm đến xin chữ. Năm 2007, anh ra mắt bức Thư pháp có nội dung “Trung với Đảng, hiếu với dân” khi cùng các bạn sinh viên tham gia chương trình truyền hình “Chúng tôi là chiến sĩ”. Năm 2009, tham gia kỉ niệm ngày truyền thống Binh chủng Tăng-Thiết giáp (5-10) tại Trường Sĩ quan Tăng-Thiết giáp (Tam Đảo - Vĩnh Phúc), anh đã viết bức Thư pháp nói về tính chất và đặc thù của binh chủng Tăng-Thiết giáp lên một bức trướng dài 10m. Bức trướng treo trên một cây nêu một lần nữa được các bạn trẻ trong quân đội, các bạn sinh viên và nhân dân Tam Đảo hết mực yêu mến, ngưỡng mộ.
Kết thúc khóa học tại trường đại học Lục quân 2, Nguyễn Thành Trung thực hiện chuyến chu du vào Nam để tìm chốn lập thân. Như rất nhiều người, anh cảm nhận Nha Trang là một mảnh “đất lành” cho “chim đậu”. Đồng thời, chính nơi đây anh đã tìm thấy những “tri kỷ” của đời mình. Đánh dấu “cái duyên” trời ban ấy, các anh đã lập nên CLB Thư họa Đồng Tâm và chính thức hoạt động tại Marximark vào những ngày tháng 10 năm 2010. Với mong muốn mang Thư pháp Việt đến gần hơn với mọi người, Nguyễn Thành Trung chọn trường phái Thư họa (chữ và tranh) với lối chữ viết chân phương đôi khi pha một chút biến tấu cách điệu thể hiện một “cái Tôi” rất gần với “cái Ta”. Những nét bút tròn trịa, cân đối hòa với những nét họa giản dị, thanh thoát làm nên những bức Thư họa chỉn chu, hài hòa cả về đường nét, màu sắc lẫn nội dung trên những chất liệu như liễn, mành tre, giấy gió, giấy điệp, đá, gỗ, men sứ… tạo nên một không gian riêng biệt, thật xưa mà cũng thật hiện đại cho gian hàng nhỏ của nhóm Thư họa Đồng Tâm nơi “phố chợ” Maximark những ngày cuối năm. Chính vì phong cách chân phương giản dị, tranh Thư họa Thành Trung luôn mang lại cho người xem cảm giác thư thái, an lạc nơi tâm hồn.
Xác định Thư pháp của mình là Thư pháp dành cho người trẻ, Nguyễn Thành Trung không chỉ lựa chọn cách phối màu hiện đại làm bức Thư họa luôn toát lên vẻ tươi sáng bình dị, mà nội dung anh khai thác thường xoáy sâu vào việc giáo dục đạo làm người. nhân, lễ, nghĩa, trí, tín… Đặc biệt, anh sưu tầm và sáng tác rất nhiều câu thơ, bài thơ nói về tình cảm gia đình, về lẽ sống và cuộc đời... Những câu thơ như “Ơn cha bóng núi âm thầm/Nghĩa mẹ lặng lẽ nước sông đầu nguồn/Một thời dãi nắng dầm sương/Nuôi con khôn lớn tình thương dạt dào” hay “Vạn ngọc không bằng Tài Trí Đức/Ngàn vàng khó sánh Hiếu Nghĩa Nhân”… được đông đảo người thưởng thức, nhất là giới trẻ đồng cảm và hưởng ứng. Anh chia sẻ: “Đến với Thư pháp, tôi được trải lòng mình và tìm thấy chính mình. Thư pháp không phải là một đạo, nhưng đến với Thư pháp chúng ta sẽ ngộ ra nhiều điều ở cuộc đời. Vì thế, tôi cho rằng không chỉ những người lớn tuổi mới đến với Thư pháp để chiêm nghiệm cuộc đời mà ngay cả những người trẻ cũng cần đến Thư pháp để học được lối sống Chân – Thiện – Mỹ”.
Chỉ vừa thành lập và đi vào hoạt động từ hơn 3 tháng nay, Thư họa Thành Trung đã tạo được những hiệu ứng không nhỏ với cư dân thành phố biển. Tranh Thư họa của anh được hưởng ứng và có mặt ở rất nhiều nơi, nhất là các nhà hàng, khách sạn, khu du lịch cao cấp. Không chỉ thế, bất kỳ ai qua lại nơi tiền sảnh Maximark đều không khỏi tò mò khi bắt gặp hình ảnh một “Ông đồ trẻ” trong chiếu áo dài đỏ khoan thai hạ những đường ngang, nét dọc thanh tao trên khung liễn giấy. Sự xuất hiện của Thư họa Thành Trung vào những ngày cuối năm đã phả một làn gió mới ấm áp vào không khí đón Xuân nô nức của thành phố biển.
Ngọc Thảo