02:02, 03/02/2011

Nhà thơ Quách Tấn: Trần gian để lại...

Một chiều cuối Đông hanh hao nắng, tôi ghé thăm căn nhà của nhà thơ Quách Tấn ở 12 đường Bến Chợ, TP. Nha Trang. Nhà thơ đã ra đi gần 20 năm, nhưng căn nhà xưa vẫn vậy, nó khiến ta có cảm giác như ông đi vắng đâu đấy chứ không phải đã thành người thiên cổ 20 năm qua…

Một chiều cuối Đông hanh hao nắng, tôi ghé thăm căn nhà của nhà thơ Quách Tấn ở 12 đường Bến Chợ, TP. Nha Trang. Nhà thơ đã ra đi gần 20 năm, nhưng căn nhà xưa vẫn vậy, nó khiến ta có cảm giác như ông đi vắng đâu đấy chứ không phải đã thành người thiên cổ 20 năm qua… Tiếp chuyện tôi hôm ấy là ông Quách Giao (con trai thứ hai của nhà thơ). Ban đầu ông Giao bảo chỉ dành cho tôi một tiếng đồng hồ, nhưng câu chuyện đã kéo dài suốt cả buổi chiều bởi những ký ức được khơi gợi đã làm người kể, người nghe đắm chìm vào một thế giới hoài niệm không thể nào dứt ra được.

Ký ức thời gian

Năm 1935, nhà thơ Quách Tấn chuyển từ Đà Lạt về làm việc ở Tòa sứ Nha Trang, khởi đầu cho mối lương duyên của nhà thơ với Xứ Trầm hương. Khoảng 3 năm sau, ông mua căn nhà nhỏ bên cạnh Đầm Én, đó chính là căn nhà 12 đường Bến Chợ ngay sát chợ Đầm bây giờ. Nơi đây đã trở thành điểm hội ngộ cho những người yêu thích văn chương. Trên bước đường ngao du, tiên sinh Tản Đà từng ghé thăm, ở lại chơi vài ngày. Suốt một thời gian dài, nhóm “Bàn thành tứ hữu” gồm Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Yến Lan đã quây quần bên nhau ngâm xướng thơ ca, trong đó có những bài Đường thi nức tiếng của Mùa cổ điển… Thời niên thiếu, cậu bé Quách Giao đã lớn lên trong tình yêu thương của người cha và những người bạn hữu của ông, để rồi mấy mươi năm sau trở thành chứng nhân về mối tình tri kỷ của các văn nhân một thuở.

Duyên trần đã tỉnh chiêm bao/Còn nghe bước sóng ra vào bến xưa. Trải qua bao thăng trầm của thời cuộc, bến Đình và mặt nước đầm xưa không còn nhưng căn nhà nhỏ của thi sĩ Quách Tấn vẫn gần như xưa. Gần đây, ông Quách Giao mới cho xây thêm một căn phòng nhỏ ở phía trước để tiếp khách, còn phòng khách cũ trở thành nơi thờ và lưu giữ kỷ vật cùng tác phẩm của thi sĩ. Bước vào đây có cảm giác như chạm vào bất cứ thứ gì cũng chạm vào ký ức, và chỉ cần lật giở mỗi trang sách là kỷ niệm của nhà thơ với bạn hữu lại hiện về. Vẫn còn đây bức chân dung của nhà thơ cùng cây mận, trên tường là những bức thư pháp về thơ Quách Tấn của các nhà thư pháp Bùi Hiến, Lê Vũ, Nguyệt Đình, Minh Đức Triều Tâm Ảnh… Ông Quách Giao lần lượt cho tôi xem bản thảo viết tay tập thơ Mùa cổ điển của thi sĩ Quách Tấn với lời bạt của nhà thơ Chế Lan Viên, bản thảo tập hồi ký Bóng ngày qua và hàng chục tập bản thảo khác. Sinh thời, nhà thơ Quách Tấn rất quý sách. Trước khi mất, không nói được bằng lời, nhà thơ đã viết bốn chữ  “Không được bán sách” để dặn dò con cháu. Từ đó đến nay, không những không bán sách mà ông Quách Giao còn tiếp tục in sách cho người cha thân yêu của mình. Mới đây, Sài Gòn Media và Nhà xuất bản Tổng hợp vừa in cuốn Quách Tấn - Nguyễn Hiến Lê, những bức thư đầm ấm với gần 200 bức thư được tuyển chọn từ gần 300 bức thư 2 người bạn ở Sài Gòn - Nha Trang gửi cho nhau trong suốt gần 20 năm (từ 1966 - 1984). Với 500 trang sách, người đọc đã thấy được ngôn ngữ thanh tao, lời thư khúc chiết, chân tình, đôi khi hóm hỉnh của 2 người tri âm, tri kỷ. Người đọc nhận ra, mối quan tâm lớn nhất của hai ông không gì khác là văn chương, những bạn văn cùng thời… Lần giở những di cảo của thi sĩ Quách Tấn, ông Quách Giao bộc bạch nỗi lòng: “Cả đời viết sách làm thơ của ba tôi được 70 cuốn. Từ đó đến nay đã in được gần 40 cuốn. Không biết hết đời tôi có in hết sách cho ông không vì năm nay tôi đã hơn bảy mươi tuổi rồi. Tôi cũng mong đời con, đời cháu mình vẫn còn quý sách, tiếp tục công việc mà tôi đang làm”.

Và những kỷ vật để lại

Ông Quách Giao bên cạnh tủ xách của nhà thơ Quách Tấn

Ngoài các di cảo, ông Quách Giao còn cho tôi xem 4 kỷ vật quý mà nhà thơ Quách Tấn để lại cho gia đình, thường được gọi là “Trường Xuyên tứ bảo”. Đó là 2 quyển sách Tô Văn Trung và Lữ Đường Thi, khúc sừng tê giác do nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hiến Lê tặng năm 1973 và 3 chiếc lá mận khô. “Tê giác và sách được xem là của quý thì được, nhưng còn 3 chiếc lá mận khô thì có gì đặc biệt mà phải coi là “bảo vật”?”,  tôi ngạc nhiên hỏi.

Nghe chuyện mới biết, nhà của thi sĩ có trồng cây mận trước sân, hàng ngày ông vẫn treo võng nằm dưới tán lá để đọc sách, suy ngẫm. Một buổi sáng tỉnh giấc, nhìn ra vườn thấy cây mận đã rũ héo sắp chết (mà sau này ông phát hiện do thuốc khai quang), ông buồn thẫn thờ như mất một người bạn. Một hôm ngồi viết hồi ký Bóng ngày qua đến đoạn nói về cây mận, chợt một cơn gió nhẹ thoảng đưa 3 chiếc lá mận khô nằm trọn trong lòng ông như muốn vẫy chào lần cuối… Thì ra với Quách Tấn, vật quý ở chỗ nó “chứa ủ không biết bao nhiêu kỷ niệm, không biết bao nhiêu ân tình” chứ không phải là giá trị thông thường. 

Cuốn sách Tô Văn Trung và Lữ Đường Thi được xem là “báu vật” cũng nằm trong trường ngữ nghĩa ấy. Sinh thời, thi sĩ Quách Tấn đặc biệt quý bộ sách Tô Văn Trung (nhà thơ Tô Đông Pha của Trung Hoa) 20 quyển do một người bạn tặng. Trải qua nhiều biến cố lịch sử ông vẫn giữ bên mình, nhưng đến năm 1953, trong nhà không còn một đồng tiền, hột gạo mà lại đang thiếu nợ nên dù rất đau lòng, ông đành phải bán sách để cứu đói cho gia đình. Trong hồi ký Bóng ngày qua, thi sĩ kể lại chuyện này với giọng ngậm ngùi, chua xót: “Người ta trả 20.000 đồng tín phiếu (mua được 100 ký lúa) để làm… giấy hút thuốc. Không bán thì lấy gì ăn mà bán thì đau lòng quá. Ta bèn đi bộ trên 80km đến tìm Phan Thao làm Chủ tịch văn hóa miền Nam và xin bán 10.000 đồng thôi - thà ít tiền mà sách còn trên trần thế. Nhưng văn hóa chê không mua mà tìm không có ai mua để đọc nên đành bán cho người ta hút thuốc!!!…”. Bán mà vẫn tiếc nên khi người mua quảy gánh sách đi ông chạy theo xin mua lại một cuốn duy nhất, in hình Tô Đông Pha rất đẹp giữ làm kỷ niệm. “Cuốn sách trở thành một trong những kỷ vật ghi dấu tình bạn của ba tôi, cũng là dấu ấn một thời đói khổ cơ hàn của cả gia đình”, ông Giao tâm sự.

Kỷ vật thứ tư “quý hơn vàng ngọc xứ Trầm” là khúc sừng tê giác do nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hiến Lê tặng năm 1973 để “chữa bệnh đau mắt thanh quang nhãn, tựa gọi là bệnh hột cườm xanh”. Sau khi nhận được quà bạn tặng, nhà thơ Quách Tấn đã tìm đến vị lương y để chữa bệnh nhưng thầy thuốc bảo đây là sừng của sơn ngưu giác chứ không phải tê giác. Dẫu vậy, thi sĩ Quách Tấn vẫn coi đây là bảo vật: Khúc sừng này là tê giác hay sơn ngưu giác, đối với tôi vẫn là bảo vật. Tôi quý vật không ở giá trị vật chất hay công dụng của chúng, mà quý những ân tình, những hình ảnh chúng chứa đựng bên trong… (hồi ký Bóng ngày qua).

Các tác phẩm Mùa cổ điển, Xứ Trầm hương, Nước non Bình Định, Bóng ngày qua… cùng những kỷ vật, di cảo mà nhà thơ Quách Tấn để lại đều hết sức quý giá. Nhưng cái quý nhất mà thi sĩ để lại cho con cháu, cho đời là tấm gương về nhân cách sống: tấm lòng với non nước quê hương, hết lòng với văn chương và bạn hữu. Thắp nén hương thơm tưởng nhớ người thi sĩ tài hoa một thuở, tưởng như thấy nụ cười hiền hậu, bình thản của ông trước cuộc đời chìm nổi.

XUÂN THÀNH