04:09, 12/09/2009

Đậm nét văn hóa nghệ thuật truyền thống

Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc đợt 2, năm 2009 đã có nhiều chương trình mang đậm dấu ấn của văn hóa nghệ thuật truyền thống...

Hội diễn Ca múa nhạc (CMN) chuyên nghiệp toàn quốc đợt 2, năm 2009 (từ ngày 7 đến 15-9) với sự tham dự của 29 đoàn nghệ thuật trong cả nước đã đi được gần 2/3 chặng đường. Nhìn chung, chương trình thi diễn của các đoàn có chất lượng khá tốt. Đặc biệt, hội diễn có nhiều chương trình mang đậm dấu ấn của văn hóa nghệ thuật truyền thống. Những màn hát múa của vùng cao Tây Bắc, những buổi hát quan họ giao duyên, những đêm hội cồng chiêng Tây Nguyên và cả những điệu múa Chăm huyền ảo… đã đem lại nhiều cảm xúc cho khán giả.

 

Diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc với màn múa hát "Trở về cội nguồn"

Với những gì mà các đoàn đã thể hiện, có thể thấy dấu ấn của văn hóa nghệ thuật truyền thống trong hội diễn khá đậm nét. Một trong những chương trình ấn tượng là Tiếng vọng núi rừng của Nhà hát CMN Dân gian Việt Bắc. Khán giả được xem những tinh hoa văn hóa của đồng bào dân tộc phía Bắc. Tiếng khèn, tiếng sáo da diết gọi bạn tình; những câu hát then, hát lượn hòa cùng những điệu múa mang đậm sắc thái vùng cao… đã gợi nên một vùng đất giàu bản sắc văn hóa. Độc đáo hơn, những tiết mục ấy không rời rạc, riêng lẻ mà được xâu chuỗi thành một câu chuyện hoàn chỉnh. Tiếng vọng núi rừng gần như là vở ca múa nhạc kể về một thanh niên miền núi rời bỏ quê hương đi tìm cuộc sống mới ở thành thị. Ở chốn phồn hoa đô hội có nhiều điều mới lạ, hấp dẫn nhưng cũng không ít cạm bẫy, gian truân khiến anh cô đơn, lạc lõng. Trong những lúc đối mặt với khó khăn, anh lại nhớ về quê hương, nỗi nhớ ấy ngày càng trở nên da diết. Và tiếng gọi của núi rừng, bản làng đã thôi thúc anh quay trở về với nguồn cội. Ở đó, anh nhận ra chỉ ở quê hương anh mới có thể tìm lại cuộc sống hạnh phúc chân chính của đời mình. Vừa mang đậm tính truyền thống (nghệ thuật biểu hiện), vừa có tính thời sự (đề tài), chương trình của Nhà hát CMN Dân gian Việt Bắc có ý nghĩa rất sâu sắc.

 

Khác với Đoàn CMN Dân gian Việt Bắc, chương trình của Đoàn CMN Hà Giang và Lai Châu lại thiên về ngợi ca vẻ đẹp quê hương. Những màn múa uyển chuyển, những câu hát đong đầy yêu thương gợi nhớ đến Hà Giang đẹp như gấm hoa. Tiếng đàn môi khao khát mong chờ, tiếng sáo gọi bạn tình trong đêm khuya,  những bộ váy áo sặc sỡ cùng chiếc ô tròn… đã gợi đến lễ hội Kỳ Yên, một “hương sắc Hà Giang” không thể lẫn.

 

Cũng đến từ miền Bắc, nhưng chương trình của đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh lại khác hẳn. Không còn chất hoang sơ núi rừng, mà thay vào đó là sự thâm thúy, sâu sắc trong từng câu hát người của người Kinh Bắc. Với chủ đề “Thương nhớ bạn tình”, các liền anh - liền chị của Bắc Ninh đã đem đến hội diễn những tiết mục hát quan họ rất độc đáo: Lòng vẫn đợi chờ, Bạn tình ơi, Gọi đò, Gửi bức thư sang, Đêm qua nhớ bạn, Xin ra về… Bài ca quan họ mượt mà thanh nhã, nhiều cung bậc tình cảm đã gợi cho người xem nhớ đến những màn hát giao duyên tình trong những ngày hội của người quan họ. Không chỉ vậy, trang phục truyền thống của người quan họ như: áo the khăn xếp của liền anh, áo tứ thân và chiếc nón quai thao của liền chị… cũng góp phần làm đầy đặn hơn chất văn hóa của đất Kinh Bắc.

 

Nói đến sự ảnh hưởng của văn hóa truyền thống, dấu ấn vùng miền không thể không nói đến Tây Nguyên với các đoàn nghệ thuật đến từ Gia Lai, Đắc Lắc, Kon Tum… Chương trình của các đoàn nghệ thuật đến từ Tây Nguyên tạo nên sức hút đáng kể. Đoàn Nghệ thuật Đam San (Gia Lai) với những tiết mục hát múa như: Âm vang đại ngàn, Rộn rã cồng chiêng, Ru rừng, Tiếng gọi mùa đuổi thú… đã đưa khán giả về với Tây Nguyên hùng vĩ với lễ hội cồng chiêng, những sử thi hùng tráng… Vẫn là những điệu múa rực lửa, tiếng cồng chiêng rộn ràng, nhưng dưới bàn tay đạo diễn của nhạc sĩ Nguyễn Cường, chương trình của Đoàn CMN Dân tộc Đắc Lắc mang một phong vị khác hẳn: dân tộc nhưng vẫn rất hiện đại. Đó là hình ảnh về Tây Nguyên hôm nay - một Tây Nguyên biết trân trọng cội nguồn, vẫn giữ nét văn hóa truyền thống nhưng cũng có khát vọng vươn lên như cánh chim đại bàng khao khát sải cánh giữa đại ngàn.

 

Qua những ngày thi diễn, có thể thấy dấu ấn của nghệ thuật truyền thống đối với các đoàn. Nếu không tính đến những chương trình mang sắc thái chuyên ngành như của Công an nhân dân và Bộ đội Biên phòng, những chương trình thành công nhất chính là những chương trình mang đậm dấu ấn văn hóa nghệ thuật truyền thống. Chỉ có một điều đáng tiếc là chương trình của Đoàn Nghệ thuật Khmer (Sóc Trăng) đã không thành công như mong đợi.

 

Vị khán giả đặc biệt của hội diễn:

Trong những ngày diễn ra hội diễn, nhiều người rất ngạc nhiên khi thấy một người nước ngoài luôn có mặt đúng giờ, chăm chú theo dõi và chụp hình. Trò chuyện mới biết anh là Michael Abadie (người Mỹ), có vợ là người Việt sống ở TP. Hồ Chí Minh 15 năm nay. Michael Abadie rất giỏi tiếng Việt, từng tham gia chương trình “Chiếc nón kỳ diệu” từ mấy năm trước. Lần này đi du lịch ở Nha Trang, tình cờ biết có hội diễn, anh đã vào xem và rất thích thú. Michael Abadie đánh giá: “Hội diễn rất hay vì tập trung nhiều đoàn nghệ thuật xuất sắc của Việt Nam . Chất lượng âm thanh ở nhà hát cũng khá tốt… Tôi rất thích các chương trình có nét truyền thống: nhạc cụ, trang phục, hát múa đều rất hay. Người Việt Nam có nhiều nhạc cụ độc đáo như: đàn bầu, đàn t’rưng… và có những cái tôi không biết tên nhưng rất thích!”.

XUÂN THÀNH