09:05, 17/05/2007

Người đến muộn với văn chương

 

Trong làng văn nghệ Khánh Hòa, nhà văn Phan Cao Toại là một trong những người có sức viết dồi dào nhất. Ông đến với văn chương khá muộn màng nhưng lại sớm thành công...

Trong làng văn nghệ Khánh Hòa, nhà văn Phan Cao Toại là một trong những người có sức viết dồi dào nhất. Ông đến với văn chương khá muộn màng nhưng lại sớm thành công với nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản phim truyền hình… Thế nhưng, “cuộc tình” muộn màng mà nồng cháy của bác sĩ Phan Cao Toại với văn chương có nguy cơ đứt gánh giữa đường khi ông đang đối mặt với căn bệnh hiểm nghèo.

Liên lạc mãi, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được bác sĩ, nhà văn Phan Cao Toại vào một sáng Chủ nhật, sau khi ông đi phẫu thuật ở TP. Hồ Chí Minh trở về. Trước mắt tôi, không còn là một Phan Cao Toại nồng nhiệt, hăng say… như ngày nào. Câu chuyện của chúng tôi bên giường bệnh thi thoảng lại bị ngắt quãng vì một số bạn bè của ông đến thăm…

Sinh năm 1946 ở Hương Sơn, Hà Tĩnh, bác sĩ Phan Cao Toại đã nhiều năm gắn bó với ngành Y. Năm 1969, khi vừa tốt nghiệp trường Đại học Y khoa Hà Nội, bác sĩ Phan Cao Toại hăm hở vào công tác ở vùng đất lửa Quảng Trị. Đất nước thống nhất, ông về giảng dạy tại trường Đại học Y khoa Huế. Nhưng “số” của ông hình như gặp phải cung “thiên di” nên ông không ở nơi nào được lâu. Năm 1982, sau khi đi học ở Cộng hòa Dân chủ Đức trở về, ông chuyển vào công tác ở Viện Vắc-xin Nha Trang với suy nghĩ nơi đây sẽ giúp ông có điều kiện để phát triển về chuyên môn. Thế nhưng, năm 1992, bác sĩ Phan Cao Toại lại chuyển ra công tác tại Trại phong Quy Hòa (Quy Nhơn - Bình Định). Chính tại nơi thi sĩ Hàn Mặc Tử sống những ngày cuối đời này, ông lại bén duyên với văn chương và không dứt ra được. 

“Cuộc tình” muộn màng của bác sĩ Phan Cao Toại với văn chương đã nhanh chóng “đơm hoa kết trái”. Năm 1995, Phan Cao Toại chính thức bước vào làng văn với truyện ngắn Ám ảnh của định mệnh đoạt giải báo Văn Nghệ. Và như cái tên truyện ngắn của ông, Phan Cao Toại đến với văn chương như một định mệnh. Ông viết văn một cách cật lực như thể chạy đua với thời gian, viết như thể ngày mai không còn được viết… Bao nhiêu điều trải nghiệm trong cuộc sống, bao nhiêu điều không thể nói được thành lời trong những ngày tháng gắn bó với nghề y đều được ông rút ruột trải lòng cùng trang giấy. Chỉ trong hơn 10 năm, bác sĩ, nhà văn Phan Cao Toại liên tiếp cho ra đời các tiểu thuyết: Lời thề Hyppocrate, Vàng rỉ, Bên bờ Hiền Lương, Màu trắng không im lặng và hơn 10 tập truyện ngắn, trong đó có nhiều truyện rất hay như: Bài hát biệt ly, Mộ cát, Cuốc xe đêm, Linh huyết… Văn của Phan Cao Toại không có vẻ đẹp của sự trau chuốt về ngôn ngữ. Vẻ đẹp ở tác phẩm của ông toát ra từ những câu chuyện rất nhân bản, lấp lánh tình người. Những nhân vật của ông luôn có khát vọng sống mãnh liệt, lạc quan, yêu đời… Và trên hết, trong phần lớn tác phẩm của mình, bác sĩ, nhà văn Phan Cao Toại  đều đề cập đến vấn đề y đức. 

Không chỉ viết tiểu thuyết và truyện ngắn, nhà văn Phan Cao Toại còn tham gia viết kịch bản (KB) phim truyền hình (trong đó có nhiều KB chuyển thể từ truyện ngắn và tiểu thuyết của ông) như: Lời thề Hyppocrate, Bến sông trăng, Xa quê, Khát vọng tình yêu, Trái tim phiêu bạt, Nắng trong mắt bão, Hàn Mặc Tử, Gia đình thợ mỏ (viết chung với đạo diễn Phạm Thanh Phong)… Ở lĩnh vực sân khấu, Phan Cao Toại cũng đã kịp góp mặt với 4 KB: 100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử, Vòng hoa của người trò cũ, Bài hát biệt ly, Hoa hồng cho em. Trong đó, KB 100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử đã được Nghệ sĩ Nhân dân Lê Hùng dàn dựng để tham gia Liên hoan Sân khấu thể nghiệm lần thứ 2 vừa qua.

Khi tôi viết những dòng này, cũng là lúc kênh VTV3 Đài Truyền hình Việt Nam đang chiếu bộ phim Gia đình thợ mỏ. Có lẽ, rất ít khán giả truyền hình biết tác giả KB của bộ phim mà họ đang chăm chú theo dõi lại đang  nằm trên giường bệnh. Bao năm làm bác sĩ, nhà văn Phan Cao Toại quá hiểu quy luật nghiệt ngã của cuộc sống, nhưng ông không ngờ mình lại phải đối mặt với nó nhanh đến thế. 

XUÂN THÀNH