04:05, 20/05/2005

Nhạc sĩ Miên Đức Thắng “Hát từ đồng hoang”

Có lẽ, mỗi một nghệ sĩ khi cất lên tiếng hát của mình đều mong muốn đem lại niềm vui, hạnh phúc cho mình và cho mọi người. Thế nhưng, có một thời các nghệ sĩ đã bị chế độ cũ...

Nhạc sĩ Miên Đức Thắng trong đêm giao lưu văn nghệ Festival biển 2005 tại Nha Trang.

Có lẽ, mỗi một nghệ sĩ khi cất lên tiếng hát của mình đều mong muốn đem lại niềm vui, hạnh phúc cho mình và cho mọi người. Thế nhưng, có một thời các nghệ sĩ đã bị chế độ cũ kết án tù khổ sai khi cất lên tiếng hát; trong đó có nhạc sĩ Miên Đức Thắng. Bởi tiếng hát của ông đã thúc giục sinh viên học sinh miền Nam xuống đường đấu tranh cho độc lập, tự do, hòa bình của đất nước.

Là người con của xứ Huế mộng mơ vào học ở Sài Gòn, hàng ngày ông phải chứng kiến những người bạn của mình ra trận và ngã xuống bởi cuộc chiến tranh phi lý và vô nghĩa mà đế quốc Mỹ gây ra. Được phong trào sinh viên (SV) giác ngộ, lại sẵn có năng khiếu âm nhạc, ông lao vào hoạt động phong trào như cá gặp nước. Tập nhạc “Hát từ đồng hoang” của ông đã được bao thế hệ SV yêu mến và xem đó là vũ khí xuống đường đấu tranh.

Những năm tháng đấu tranh trong lòng đô thị miền Nam, phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” do Tổng hội SV Sài Gòn khởi xướng như một bản anh hùng ca giác ngộ, thúc giục mọi người dân miền Nam xuống đường; và Miên Đức Thắng được đánh giá là một trong những nhạc sĩ SV đầy tài năng. Với tiếng hát của mình, Miên Đức Thắng cùng nhiều nhạc sĩ khác đi nhiều nơi, nhiều vùng đất để cất lên tiếng hát phản đối chiến tranh. Chính quyền Mỹ, ngụy đã xem ông và các nhạc sĩ trong phong trào như những cái gai trước mắt. Năm 1967, 1968, nhiều lần khi ông đang hát phục vụ đồng bào tại Nha Trang thì bị chính quyền Mỹ, ngụy lập biên bản đình chỉ buổi biểu diễn, và năm 1969, khi ông biểu diễn tại Nha Trang vừa về tới Sài Gòn thì lập tức bị bắt và bị kết án 5 năm tù khổ sai. Nhưng trước làn sóng đấu tranh mạnh mẽ của học sinh, SV, sự can thiệp của các tổ chức quốc tế, Mỹ, ngụy đã phải thả ông khi án mới thi hành được hơn nửa năm.

Trong lời giới thiệu tập nhạc “Hát từ đồng hoang” của Miên Đức Thắng (tức “Tiếng hát những người đi tới” - tập 3, xuất bản năm 1966 của Tổng hội SV Sài Gòn) có ghi: “Miên Đức Thắng cũng như những nhạc sĩ trẻ khác bây giờ có khuynh hướng dùng nghệ thuật để gửi gắm thái độ của mình đối với quê hương Viêït Nam, với cuộc chiến tranh đẫm máu và xã hội ung rữa này. Lời ca tiếng hát làm cho tuổi trẻ Việt Nam trỗi dậy như lửa cháy, cao, rộng như Trường Sơn, Thái Bình… Trước khi trỗi dậy, xin tất cả hãy ngủ thật kỹ, hãy nghi ngờ thật nhiều, hãy chán nản đến buông xuôi… Và từ nghi ngờ chúng ta khám phá niềm tin mới, từ giấc ngủ chúng ta sáng suốt thêm lên, từ buồn thảm nhất nảy sinh niềm lạc quan lớn lao nhất, từ buông xuôi chúng ta trỗi dậy”. Và với tiếng hát của mình, nhạc sĩ Miên Đức Thắng đã đem đến bao niềm tin mới cho phong trào học sinh, SV miền Nam xuống đường đấu tranh cho hòa bình độc lập; làm át đi tiếng bom đạn đang ngày đêm rung nổ trên khắp các chiến trường. Ông tâm sự: “Có những đêm mình tôi hát tới hai ba chục bài trong sự cổ vũ nhiệt tình của đồng bào; hát không biết mệt, hát cho lòng mình, cho đồng bào, cho đất nước, non sông”. Bằng cảm xúc của lòng mình với quê hương đất nước, bằng trái tim yêu nhạc và bầu nhiệt huyết, những ca khúc của Miên Đức Thắng đã làm xúc động lòng người và làm cho kẻ thù phải chùn bước.

Những bản nhạc của Miên Đức Thắng luôn ngập tràn tình người, tình đất, với những lời ca mộc mạc thẳm sâu trong tâm hồn và con người nhạc sĩ. Trong tác phẩm của ông luôn có hình bóng của đất đai quê nhà, của những người mẹ một đời mòn mỏi trong khổ đau, khi chồng con của mình phải ra trận bắn giết anh em của mình. Đó là lời thầm thì của anh lính trẻ nói với người mẹ nơi quê nhà: “Người lính khe khẽ hát, Mẹ ơi, Ơi mẹ ơi, vì con không muốn giết, bao anh em của mình, vì con không muốn giết, nên con làm tù binh” (Mẹ ơi nuôi con lớn con làm tù binh).

Chiến tranh đã lùi xa 30 năm, nhưng mỗi lần ca khúc của Miên Đức Thắng vang lên, chúng ta không khỏi bồi hồi xúc động. Cảm ơn nhạc sĩ - người đã cho chúng ta biết đau cái phải đau của một thời xưa cũ mà yêu thêm cuộc sống bây giờ…

THIỆN TÂM