Là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, Đông Nam Á đang từng bước định hình công thức chống dịch hiệu quả hơn.
Là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, Đông Nam Á đang từng bước định hình công thức chống dịch hiệu quả hơn.
Với nhận định Covid-19 không thể biến mất trong thời gian ngắn, Chính phủ Indonesia xây dựng "lộ trình chuyển tiếp", theo hướng xem Covid-19 như bệnh đặc hữu, thay vì đại dịch. Tùy diễn biến của dịch, lộ trình sẽ được cân nhắc điều chỉnh nhằm đạt kỳ vọng là cân bằng giữa chăm sóc sức khỏe và bảo đảm phát triển kinh tế. Để chiến lược đi đúng hướng, Chính phủ Indonesia nhấn mạnh tầm quan trọng của nâng tỷ lệ bao phủ vaccine; đẩy mạnh xét nghiệm, truy vết và điều trị, song song thực hiện nghiêm các quy định y tế.
Cùng quan điểm, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho rằng, trong bối cảnh biến thể Delta không ngừng lây lan, phong tỏa không còn là biện pháp thích hợp để ngăn chặn dịch. Trong giai đoạn 1 của Kế hoạch Phục hồi quốc gia, Malaysia sẽ mở cửa trở lại 11 lĩnh vực kinh doanh. Chính phủ Malaysia đưa ra quyết định nêu trên sau khi đánh giá rủi ro và cân nhắc về tiến độ bao phủ vaccine. Malaysia đặt mục tiêu tiêm đầy đủ vaccine phòng Covid-19 cho 75% số người trưởng thành vào cuối tháng 10 tới.
Chính phủ Philippines cũng công bố kế hoạch thí điểm giãn cách xã hội theo vùng tại thủ đô Manila, dự kiến từ ngày 16/9 tới. 5 mức cảnh báo sẽ được đưa ra nhằm xác định phạm vi mà các cơ sở kinh doanh được phép vận hành. Thay vì phạm vi toàn thành phố, lệnh giãn cách được áp dụng theo các tòa nhà, đường phố hoặc khu dân cư cụ thể. Công thức chống dịch tại Manila nếu thành công sẽ được mở rộng trên toàn quốc. Chính phủ Philippines cũng bảo đảm có đủ vaccine phòng Covid-19 để tiêm cho hơn 100 triệu dân từ nay đến cuối năm.
Trên phạm vi khu vực, cùng các chiến lược ở cấp quốc gia, ASEAN tích cực phát huy thế mạnh vốn có là khu vực đoàn kết, chủ động tăng cường hợp tác nội khối, kịp thời có phản ứng tập thể trước tác động của dịch bệnh. Quỹ ứng phó Covid-19, Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp, Khung chiến lược về các tình huống khẩn cấp, Khung phục hồi tổng thể… được triển khai, thể hiện nổi bật tinh thần Cộng đồng ASEAN.
Mới nhất, tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 53, các nước đã thông qua lộ trình về chuyển đổi số, nhằm đẩy nhanh phục hồi kinh tế khu vực và hội nhập kinh tế số. Với những bước đi thiết thực, ASEAN và các nước thành viên đang chứng minh năng lực chủ động và thích ứng trước thách thức.
Theo Báo Nhân Dân điện tử