23:54, 14/06/2024

Nhật Bản hỗ trợ Ukraine bằng thỏa thuận an ninh kéo dài 10 năm

Trong thỏa thuận mới, Tokyo xác nhận cam kết hỗ trợ Kiev các thiết bị phòng thủ phi sát thương và các vật tư khác, cũng như đóng góp tài chính cho Gói Hỗ trợ toàn diện của NATO (CAP).

Thủ tướng Fumio Kishida trao đổi với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 ở Fasano, Italy, ngày 13/6/2024. Ảnh: Văn phòng Công vụ Nội các Nhật Bản
Thủ tướng Fumio Kishida trao đổi với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 ở Fasano, Italy, ngày 13/6/2024. Ảnh: Văn phòng Công vụ Nội các Nhật Bản

Thủ tướng Fumio Kishida và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký một thỏa thuận an ninh song phương dài hạn mới bên lề hội nghị thượng đỉnh Nhóm G7 tại Italy ngày 13/6, chính thức hóa sự hỗ trợ của Tokyo dành cho Kiev và cam kết tiến hành tham vấn trong trường hợp xảy ra các cuộc tấn công vào Ukraine trong tương lai.

Thỏa thuận không có tính ràng buộc trên được ký sau hơn 27 tháng kể từ khi xung đột tại Ukraine bắt đầu, với hiệu lực trong 10 năm, bao gồm một số lĩnh vực - từ quốc phòng đến điều trị cho các quân nhân Ukraine bị thương.

“Thỏa thuận này cho thấy cuộc xung đột ở Ukraine không chỉ là mối lo ngại của châu Âu mà là mối quan ngại của toàn bộ cộng đồng quốc tế”, Thủ tướng Kishida nói sau khi ký thỏa thuận, đồng thời lưu ý rằng Nhật Bản là quốc gia đầu tiên ngoài NATO thực hiện bước đi này.

Mặc dù được ký kết sau gần 9 tháng đàm phán và là thỏa thuận đầu tiên loại này giữa Tokyo và Kiev, nhưng nó không thể hiện bất kỳ sự nâng cấp đáng kể nào trong chính sách của Nhật Bản đối với Ukraine.

Những hạn chế về hiến pháp từ lâu đã cản trở Nhật Bản cung cấp cho Kiev viện trợ quân sự có tính sát thương, mặc dù việc sửa đổi gần đây đối với các hướng dẫn về xuất khẩu thiết bị quốc phòng đã cho phép Tokyo gián tiếp cung cấp cho Kiev những kho vũ khí rất cần thiết thông qua Mỹ.

Trong thỏa thuận mới, Tokyo xác nhận cam kết hỗ trợ Kiev các thiết bị phòng thủ phi sát thương và các vật tư khác, cũng như đóng góp tài chính cho Gói Hỗ trợ toàn diện của NATO (CAP).

Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí thiết lập khuôn khổ tham vấn song phương để thảo luận về phản ứng chung trong vòng 24 giờ “trong trường hợp Nga tấn công vũ trang vào Ukraine trong tương lai”.

Thỏa thuận trên là kết quả của việc cam kết giữa NATO và Ukraine được cụ thể hóa trong hội nghị thượng đỉnh mùa hè năm ngoái ở Vilnius, nơi NATO và các đối tác bên ngoài - bao gồm cả Nhật Bản - cho biết họ sẽ phê chuẩn các thỏa thuận song phương riêng biệt để chính thức hóa năng lực cá nhân trong hỗ trợ Ukraine.

Cho đến nay, Ukraine đã ký các thỏa thuận tương tự với 15 quốc gia trên khắp châu Âu và Bắc Mỹ.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong cuộc họp báo chung tại Hội nghị Tái thiết Ukraine ở Berlin ngày 11/6/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong cuộc họp báo chung tại Hội nghị Tái thiết Ukraine ở Berlin ngày 11/6/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

“Sự hỗ trợ của Nhật Bản đối với việc tái thiết Ukraine là một động lực rất mạnh mẽ đối với chúng tôi, điều mà tôi không nghĩ Nga có thể ngăn chặn”, ông Zelensky nói và cảm ơn Tokyo vì đã ủng hộ công thức hòa bình của Ukraine.

Tại phiên làm việc của G7 có sự tham gia của ông Zelensky cùng ngày, Thủ tướng Kishida nói rằng Nhật Bản cũng đang xem xét các biện pháp bổ sung chống lại các tổ chức của nước thứ ba đang lách các lệnh trừng phạt hiện có để hỗ trợ Nga liên quan đến xung đột ở Ukraine.

Các hạn chế mới sẽ áp dụng đối với các công ty hoạt động ở Trung Quốc, Ấn Độ và Kazakhstan bị nghi ngờ cung cấp cho Moskva các sản phẩm lưỡng dụng, có thể được sử dụng cho cả mục đích quân sự. Tháng 12 năm ngoái, Tokyo đã đưa ra các biện pháp trừng phạt mới đối với các tổ chức có trụ sở tại Nga và sáu quốc gia khác, bao gồm UAE và Uzbekistan. Tiếp theo đó là gói trừng phạt vào tháng trước đối với 11 tổ chức của Triều Tiên.

Trong thỏa thuận hôm 13/6, Nhật Bản cũng cam kết cung cấp hỗ trợ nhân đạo bổ sung để hỗ trợ các nỗ lực tái thiết và phục hồi kinh tế của Kiev – bao gồm cả việc loại bỏ các mảnh vỡ và rà phá bom mìn. Hợp tác song phương trên các lĩnh vực khác như an ninh mạng, ứng phó với thao túng thông tin và hỗ trợ trật tự hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế cũng được đưa vào thỏa thuận.

Văn bản này cũng đề cập rõ ràng đến nhu cầu của Ukraine trong việc theo đuổi cải cách hệ thống tư pháp và giải quyết tham nhũng và rửa tiền, đồng thời cải thiện tính minh bạch và quản trị tốt.

Kiev đã ký một thỏa thuận tương tự với Mỹ vào cùng ngày.

Kể từ ngày 24/2/2022, thời điểm bắt đầu cuộc xung đột Nga - Ukraine, khoản hỗ trợ tài chính của Nhật Bản cho Kiev đã lên tới 12 tỷ USD, với khoảng 1/3 trong số đó sẽ chuyển giao trong năm nay. Hơn 73 hiệp định song phương với Ukraine đã được ký kết, trong đó có 50 hiệp định tại hội nghị tập trung vào tái thiết Ukraine hồi tháng 2 năm ngoái.

Theo TTXVN