09:36, 29/01/2024

'Gói bánh chưng xanh, đón Xuân như ý' mang Tết cổ truyền đến Bỉ

Hòa với không khí đón Xuân năm mới cùng người dân Việt Nam trên khắp thế giới, bà con kiều bào tại Bỉ hân hoan chuẩn bị cho một trong những lễ hội truyền thống quan trọng nhất của quê hương - Tết Nguyên đán. Mặc dù xa cách với đất nước, nhưng tình thân, tình đồng hương vẫn rất sâu đậm, được thể hiện một cách đặc biệt qua việc gói bánh chưng.
 

Các gia đình người Việt tại Bỉ học cách gói bánh chưng.
Các gia đình người Việt tại Bỉ học cách gói bánh chưng.


Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, chiều 28/1 tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, Tổng hội người Việt Nam tại Bỉ đã tổ chức chương trình "Gói bánh chưng xanh, đón Xuân như ý" với hoạt động hướng dẫn gói bánh chưng nhằm giới thiệu cho lớp trẻ và cho các bạn Bỉ cách thức tạo nên một chiếc bánh chưng truyền thống, món đặc sản không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của người dân Việt Nam. 

Những hạt gạo nếp cái hoa vàng ngậm nước căng mẩy, trắng phau, đỗ xanh vàng óng, lá dong xanh rì, miếng thịt ba chỉ tẩm nước mắm ngon phủ hạt tiêu thơm nức và không thể thiếu bó lạt giang mềm. Chị Thu Hằng, sống ở Brussels từ 13 năm nay, hướng dẫn tận tình các bạn nhỏ và cả những chàng rể người Bỉ cách gói bánh chưng, từ cách xếp lá dong, tra gạo, tra đỗ, buộc lạt, làm sao để chiếc bánh gói chặt, vuông vức, khi luộc sẽ không bị xộc xệch. 

Đối với những em nhỏ mang hai dòng máu Việt-Bỉ hay những em bé người Việt nhưng sinh ra và lớn lên ở Bỉ, gói bánh chưng không chỉ là một hoạt động truyền thống mà còn là một bài học về lòng biết ơn và tình cảm gia đình. Những bàn tay bé nhỏ học cách xếp lá dong, bọc nếp và đậu một cách tỉ mỉ. Từng bước nhỏ, từng cử chỉ nhỏ cho thấy tình thân, tình đồng hương không bị mất đi khi ở xa quê mẹ Việt Nam. 

Được mẹ đưa tới tham dự sự kiện, cháu Johana Mai Anh rất vui khi được học gói bánh chưng, món ăn mà cháu rất thích. Lúc đầu, cháu cảm thấy khó, nhưng được hướng dẫn tận tình, cháu đã có thể hoàn thành chiếc bánh của mình. Chị Tâm Anh, mẹ cháu cho biết, các con của chị mang hai dòng máu Việt-Bỉ nên chị muốn cho chúng hiểu hơn về văn hóa ngày Tết của quê mẹ. Chị muốn các con biết được cách thức chuẩn bị ngày Tết như thế nào, nhận thức rõ về văn hóa và ngôn ngữ của quê hương. 

Bé trai Antonio Đức Anh, 12 tuổi, vốn nhút nhát và không nói sõi tiếng Việt, nhưng vẫn hăng hái tập gói bánh chưng. Cháu kiên trì từng chút một, dưới sự hướng dẫn của cô Thu Hằng, chiếc bánh nhỏ xinh xắn đã hoàn thành trong sự mừng vui của hai mẹ con. Chị Thảo Linh, mẹ cháu, cho biết Antonio hiểu rất ít tiếng Việt và rụt rè. Chị thường đưa cháu tới các buổi sinh hoạt cộng đồng của người Việt Nam để cháu được làm quen với các bạn và có động lực học tiếng Việt. 

Các chàng rể người Bỉ học cách gói bánh chưng Tết.
Các chàng rể người Bỉ học cách gói bánh chưng Tết.

Yêu Việt Nam và có bạn gái người Việt, các anh Dennis Laureys và Christophe Standaert lần đầu tiên được chứng kiến "hậu trường" chuẩn bị Tết Việt. Các anh thích thú học cách làm một chiếc bánh chưng truyền thống như một cách trải nghiệm sâu sắc về văn hóa và tâm linh của ngày Tết. Những bàn tay ngoại quốc cố làm quen với lá dong xanh, xếp nếp và đậu theo cách mà người Việt đã làm từ hàng thế kỷ. Từ những cử chỉ nhỏ nhất, họ thấu hiểu rằng bánh chưng không chỉ là một món ăn, mà còn là biểu tượng của sự đoàn kết và lòng biết ơn.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN, anh Dennis Laureys rất phấn khởi. Anh cho biết đã đi thăm Việt Nam nhiều lần, nhưng chưa bao giờ vào dịp Tết và được chứng kiến cách thức người Việt Nam chuẩn bị Tết. Đây là dịp vô cùng quý báu đối với anh. Việc gói bánh chưng trở thành một cánh cửa mở ra để anh và những người nước ngoài yêu Việt Nam hiểu rõ hơn về cộng đồng Việt Nam, tìm thấy sự gắn kết và sự đa dạng mà chỉ có trong không khí Tết.

Tiết mục văn nghệ do Ban Phụ nữ Tổng hội người Việt Nam tại Bỉ trình bày. 
Tiết mục văn nghệ do Ban Phụ nữ Tổng hội người Việt Nam tại Bỉ trình bày. 

Sự kiện "Gói bánh chưng xanh" là hoạt động đầu tiên đánh dấu sự ra mắt Ban Phụ nữ thuộc Tổng hội người Việt tại Bỉ. Đây cũng là lần đầu tiên Tổng hội tổ chức hoạt động ý nghĩa này nhằm giúp kiều bào cũng như các hội viên ngày càng gắn bó và cùng đón Tết Giáp Thìn đông vui, đầm ấm.  

Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, Nguyễn Văn Thảo đánh giá cao sáng kiến của chị em phụ nữ Tổng hội giúp cho thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về văn hóa nguồn cội, đặc biệt là ngày Tết cổ truyền. Đây là cách để cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài góp phần không chỉ bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống mà còn hiểu rõ hơn về ý nghĩa sâu sắc của hình tượng bánh chưng trong ngày Tết quê hương. Đại sứ khẳng định sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ các hoạt động của Tổng hội và Đại sứ quán luôn là mái nhà chung của cộng đồng người Việt Nam tại Bỉ. 

Với tư cách là Chủ tịch Tống hội người Việt Nam tại Bỉ, ông Huỳnh Công Mỹ khẳng định Tổng hội sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động gắn kết cộng đồng và phát huy tình đoàn kết của người Việt Nam tại Bỉ. 

Chị Minh Thu, Trưởng Ban phụ nữ Tổng hội cho biết với lòng nhiệt huyết và tình yêu quê hương, đất nước cũng như tâm niệm giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống, chị em phụ nữ Tổng hội tiếp tục nỗ lực, tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để kết nối mạnh mẽ với nguồn gốc và bản sắc văn hóa Việt Nam.

Trong không khí rộn ràng chuẩn bị đón một mùa Xuân mới, các chị em đã cất cao tiếng hát, ca ngợi về vẻ đẹp thiên nhiên, bày tỏ tình yêu thương và niềm tin trong cuộc sống.

Theo TTXVN