01:08, 16/08/2022

Nhìn lại Afghanistan một năm sau khi Taliban cầm quyền

Ngày 15/8 đánh dấu tròn một năm lực lượng Taliban nắm quyền kiểm soát đất nước Afghanistan.
 

Ngày 15/8 đánh dấu tròn một năm lực lượng Taliban nắm quyền kiểm soát đất nước Afghanistan.
 
 

Thành viên lực lượng Taliban ngồi trên xe quân sự di chuyển tại Kabul, Afghanistan ngày 14/11/2021. Ảnh: Reuters
Thành viên lực lượng Taliban ngồi trên xe quân sự di chuyển tại Kabul, Afghanistan ngày 14/11/2021. Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Reuters, sau một năm Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan, đất nước này vẫn đang vật lộn với đói nghèo, hạn hán, nạn suy dinh dưỡng và mất dần hy vọng về vai trò của phụ nữ trong xã hội.
 
Một số người đã nổ súng ăn mừng một năm cầm quyền của Taliban tại thủ đô Kabul. Tuy nhiên, gần như trên khắp thành phố 4,5 triệu dân là một không khí tĩnh lặng.
 
Trong thực tế, Afghanistan hiện giờ an toàn hơn so với thời kỳ nổ ra giao tranh giữa phong trào Hồi giáo Taliban và lực lượng nước ngoài do Mỹ dẫn đầu. Tuy nhiên, điều đó cũng không thể bù đắp cho những thách thức mà Taliban phải đối mặt trong việc đưa Afghanistan tiến vào con đường tăng trưởng và ổn định kinh tế. Nền kinh tế Afghanistan phải chịu sức ép rất lớn, do quốc gia này đang bị các chính phủ nước ngoài cô lập và từ chối công nhận lực lượng cầm quyền.
 
Các khoản viện trợ phát triển mà đất nước từng phụ thuộc rất nhiều đã bị cắt giảm do cộng đồng quốc tế muốn gây sức ép lên Taliban về vấn đề tôn trọng quyền của người Afghanistan, đặc biệt là trẻ em gái và phụ nữ - những người đã bị hạn chế quyền tiếp cận việc làm và giáo dục.
 
Trước khi Taliban giành kiểm soát Afghanistan vào tháng 8/2021, viện trợ quốc tế chiếm 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Afghanistan và chiếm 80% ngân sách của nước này. Sau khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan, cộng đồng quốc tế đã "đóng băng" gần 9 tỷ USD tài sản của Afghanistan và nước này chỉ nhận được khoảng 1 tỷ USD tiền viện trợ để tránh nguy cơ sụp đổ nền kinh tế.
 
Taliban đang yêu cầu các nước trả lại 9 tỷ USD trên nhưng các cuộc đàm phán với Mỹ gặp phải nhiều trở ngại. Một trở ngại là Mỹ yêu cầu một thủ lĩnh Taliban đang trong danh sách trừng phạt phải từ bỏ chức vị.
 
Về phần mình, Taliban từ chối nhượng bộ trước những yêu cầu này, giải thích họ tôn trọng tất cả các quyền của người Afghanistan trong khuôn khổ luật Hồi giáo.
 
Cho đến khi có thay đổi lớn trong quan điểm của hai bên, người dân Afghanistan vẫn phải đối mặt với giá cả leo thang, tình trạng thất nghiệp gia tăng và nạn đói trở nên tồi tệ hơn khi mùa Đông bắt đầu.
 
Khoảng 25 triệu người Afghanistan đang sống trong cảnh nghèo đói, chiếm hơn một nửa dân số nước này. Liên hợp quốc ước tính quốc gia này có thể mất tới 900.000 việc làm trong năm nay khi nền kinh tế đình trệ.
 
Fatima, một người dân sống tại tỉnh Herat ở phía Tây đất nước, bày tỏ cô đã nhận thấy tình hình an ninh được cải thiện trong năm qua, nhưng thất vọng khi chứng kiến trường học dành cho nữ sinh đã đóng cửa và phụ nữ thiếu cơ hội việc làm.
 
Jawed, sinh sống tại tỉnh Helmand - nơi từng chứng kiến ​​nhiều vụ giao tranh ác liệt trong quá khứ, cho biết tình hình an ninh đã được cải thiện đáng kể kể từ khi Taliban trở lại nắm quyền song cũng ghi nhận lạm phát tràn lan.
 
Vào cuối những năm 1990 – thời điểm cuối cùng Taliban cai trị Afghanistan, phụ nữ không được làm việc, trẻ em gái bị cấm đến trường và luật Hồi giáo nghiêm ngặt được thực thi một cách khắc nghiệt, trong đó có cả hành quyết nơi công cộng.
 
Theo TTXVN