08:07, 15/07/2021

Covid-19: Sự nguy hiểm của biến thể Delta

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo về "tốc độ kinh hoàng" của biến thể Delta gây Covid-19 đang kéo theo sự gia tăng nhanh chóng số ca mắc mới và tử vong.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo về “tốc độ kinh hoàng” của biến thể Delta gây Covid-19 đang kéo theo sự gia tăng nhanh chóng số ca mắc mới và tử vong.
 
Nhấn mạnh đại dịch chưa kết thúc ở bất cứ nơi đâu, WHO tiếp tục khẳng định vai trò của vaccine trong cuộc chiến chống dịch bệnh.
 
Theo WHO, biến thể Delta đã có mặt tại hơn 104 quốc gia và dự kiến sớm chiếm đa số trong các ca nhiễm mới trên toàn thế giới. Biến thể Delta, còn gọi là B.1.617.2, được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ vào tháng 12/2020. Kể từ đầu tháng 7 này, Delta dần trở thành biến thể phổ biến nhất trong các ca nhiễm mới Covid-19 ở các nước trên thế giới như Mỹ, Ấn Độ, Nga, Bồ Đào Nha, Uganda…
 
Cơ quan Y tế công cộng Anh (PHE) cho biết, biến thể Delta chiếm hơn 97% các trường hợp Covid-19 mới tại nước này. Tờ Washington Post dẫn báo cáo khoa học chỉ ra, Delta có khả năng lây lan cao hơn khoảng 50% so với Alpha, biến thể được xác định lần đầu ở Anh. Các chuyên gia y tế ước tính, một người nhiễm biến thể Delta có thể lây cho ba hoặc bốn người khác, so với việc chỉ lây cho một tới hai người như chủng vi-rút nguyên bản được phát hiện năm 2019.
 
Theo một nghiên cứu dựa trên các số liệu liên quan Covid-19 tại Anh được công bố trên tạp chí The Lancet, biến thể Delta dường như dẫn đến khả năng nhập viện và tử vong cao hơn, nhất là với những người chưa được tiêm phòng. Ho và mất vị giác hoặc khứu giác ít phổ biến hơn ở các bệnh nhân nhiễm biến thể Delta, tuy nhiên đau đầu, đau họng, sổ mũi và sốt thường gặp hơn. Các nhà khoa học đang theo dõi thêm dữ liệu để xác định mức độ nguy hiểm của biến thể này.
 

 

Một điểm tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Luân Đôn (Anh).
Một điểm tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Luân Đôn (Anh).
 
Biến thể Delta Plus, còn được gọi là B.1.617.2.1, được coi là “biến thể phụ” của Delta, cũng được xác định lần đầu ở Ấn Độ, hiện có mặt tại Mỹ, Anh và gần 10 quốc gia khác. Có dữ kiện cho thấy, Delta Plus tiến công mạnh hơn các tế bào phổi và có khả năng vô hiệu vaccine. Ấn Độ đã dán nhãn “đáng lo ngại” đối với Delta Plus.
 
Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật (CDC) của Mỹ phân loại các biến thể vi-rút gây Covid-19 thành ba loại: Biến thể được quan tâm, biến thể đáng lo ngại và biến thể gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, biến thể gây hậu quả nghiêm trọng làm giảm hiệu quả của vaccine và các phương pháp điều trị. Đến nay, chưa có biến thể nào bị CDC Mỹ gắn mác “gây hậu quả nghiêm trọng”, nhưng nhiều chủng đã được dán nhãn “đáng lo ngại” và cần được theo dõi chặt chẽ. Biến thể Delta đ ược theo dõi sát sao bởi tốc độ lây lan nhanh chóng.
 
Tổng Giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus cho rằng, chỉ riêng vaccine không thể giúp thế giới thoát đại dịch, song là công cụ mạnh mẽ và hiệu quả.
 
Tại Mỹ, các cộng đồng có tỷ lệ tiêm chủng thấp chứng kiến sự gia tăng các ca bệnh, như bang Missouri và Arkansas. Ở Anh, trẻ em và người lớn dưới 50 tuổi chưa tiêm phòng có nguy cơ nhiễm biến thể Delta cao gấp 2,5 lần. Theo PHE, với biến thể Delta, vaccine Pfizer hoặc Moderna có thể đạt hiệu quả ngừa bệnh mức 88%. Vaccine AstraZeneca được đánh giá đạt hiệu quả ngừa bệnh khoảng 60%; vắc-xin Johnson & Johnson ước đạt kết quả tương tự.
 
Các nhà sản xuất vaccine đang thử nghiệm các mũi tiêm tăng cường để tìm hiểu khả năng bảo vệ trước Delta và các biến thể khác tốt hơn hay không. Tuy nhiên, bà Ann Lindstrand, đồng lãnh đạo cơ chế COVAX cho biết, hiện không có đủ bằng chứng chỉ ra sự cần thiết của liều vaccine tăng cường. Những người đã tiêm phòng đầy đủ bất kỳ loại vaccine nào được WHO chấp thuận, sức khỏe đều được bảo vệ tốt hơn.
 
Theo Báo Nhân Dân điện tử