12:07, 31/07/2021

CDC Mỹ: Cuộc chiến chống Covid-19 đã thay đổi

Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho rằng, cuộc chiến chống Covid-19 đã thay đổi do biến thể Delta.

Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho rằng, cuộc chiến chống Covid-19 đã thay đổi do biến thể Delta.
 
Một tài liệu nội bộ của CDC cho biết, biến thể Delta có thể lây lan như bệnh thủy đậu, thậm chí lây mạnh hơn cả bệnh cúm thông thường. Người đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19 có thể lây truyền Delta và biến thể này có thể khiến bệnh chuyển nặng hơn so với các biến thể xuất hiện trước đó. 
 

 

Em Ariel Quero (16 tuổi, học sinh Trường trung học Lehman, New York, Mỹ) tiêm vaccine ngừa Covid-19. (Ảnh: AP)
Em Ariel Quero (16 tuổi, học sinh Trường trung học Lehman, New York, Mỹ) tiêm vaccine ngừa Covid-19. (Ảnh: AP)
 
Ngày 30/7, Washington Post là báo đầu tiên đưa tin về tài liệu có tiêu đề "Cải thiện thông tin liên lạc chung quanh tính đột phá và hiệu quả của vaccine". CDC đã xác nhận tính chính xác của tài liệu này.
 
Theo tài liệu của CDC, cần có cách tiếp cận mới để giúp công chúng hiểu về sự nguy hiểm của biến thể Delta, trong đó cần nêu rõ người chưa tiêm chủng có nguy cơ mắc Covid-19 thể nặng hoặc tử vong cao gấp 10 lần người đã tiêm chủng. 
 
Ông Mike Ryan, Giám đốc phụ trách ứng phó tình huống khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, các loại vaccine ngừa Covid-19 vẫn có tác dụng ngăn chặn các ca bệnh nặng và tử vong, song nhấn mạnh: "Chúng ta đang chống lại cùng một loại virus nhưng virus đã trở nên mạnh hơn".
 
Đến nay, gần 1/3 người trưởng thành tại Mỹ chưa tiêm mũi vaccine đầu tiên. Các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp đã ghi nhận số ca mắc mới tăng mạnh trong những tuần gần đây.
 
Tại không ít khu vực trên thế giới, nhiều người vẫn chưa được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Biến thể Delta một lần nữa khiến số ca tử vong và nhập viện tăng mạnh.
 
Biến thể Delta cũng khiến số ca mắc mới bùng phát tại Anh trong những tháng qua bất chấp chương trình tiêm chủng có tốc độ nhanh hàng đầu thế giới của nước này.
 
Tại châu Á, nhiều quốc gia trong những tuần gần đây phải đối mặt với một làn sóng nguy hiểm. Trước tình hình này, Philippines đã công bố kế hoạch phong tỏa vùng thủ đô Manila trong 2 tuần. Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch ban bố tình trạng khẩn cấp tại 3 tỉnh gần Tokyo và tỉnh Osaka đến cuối tháng 8 tới.
 
Trong một cuộc họp báo, người đứng đầu WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, hệ thống y tế của nhiều quốc gia đang trong tình trạng quá tải. Các kết quả mà phải rất khó khăn để đạt được đang gặp nguy hiểm hoặc có nguy cơ bị mất đi.
 

 

 

 

 

 
Theo Báo Nhân Dân điện tử