12:05, 03/05/2021

Mỹ chính thức rút quân khỏi Afghanistan: Bài toán an ninh còn dang dở

Mỹ hôm 1/5 chính thức rút những binh sĩ cuối cùng khỏi Afghanistan, khép lại cuộc chiến kéo dài hơn 20 năm và cũng là cuộc can dự ở nước ngoài dài hơi nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Mỹ hôm 1/5 chính thức rút những binh sĩ cuối cùng khỏi Afghanistan, khép lại cuộc chiến kéo dài hơn 20 năm và cũng là cuộc can dự ở nước ngoài dài hơi nhất trong lịch sử nước Mỹ.
 
Tuy nhiên, động thái này được cho là cũng mở ra một tương lai bất định hơn với quốc gia Nam Á vẫn còn chìm trong bất ổn. Trên thực tế tiến trình rút quân đã diễn ra trước đó và ngày 1/5 chỉ là một cột mốc mang tính biểu tượng. Đây là thời hạn được chọn trong thỏa thuận ký năm 2020 tại Doha, Qatar giữa chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump và lực lượng Taliban.
 

 

Lính Mỹ ở Afghanistan. Ảnh: Reuters
Lính Mỹ ở Afghanistan. Ảnh: Reuters
 
Theo ghi nhận của hãng tin AFP, những ngày qua, trên bầu trời Kabul và căn cứ không quân Bagram gần đó tấp nập các máy bay trực thăng của Mỹ hơn thường lệ nhằm chuẩn bị cho sự rút quân hoàn toàn của Mỹ, dự kiến vào ngày 11/9 tới. Đây cũng là thời điểm kỷ niệm 20 năm ngày Mỹ đưa quân tới quốc gia Nam Á này. Trước đó, hôm 29/4, các đồng minh của Mỹ thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng đã bắt đầu rút lực lượng.
 
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi giữa tháng 4 vừa qua đã xác nhận kế hoạch rút 2.500 binh sĩ Mỹ cuối cùng khỏi Afghanistan. Theo Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Mỹ đã đạt được mục tiêu đề ra cách đây 20 năm và đã đến lúc kết thúc cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ.
 
“Chúng tôi đã đạt được mục tiêu mà chúng tôi đã đề ra gần 20 năm trước. Chúng tôi chưa bao giờ có ý định hiện diện quân sự lâu dài ở đây. Mối đe dọa từ Al Qaeda ở Afghanistan đã suy giảm đáng kể. Osama bin Laden đã bị trừng phạt. Nhưng ngay cả khi rút quân, quan hệ đối tác của chúng tôi với Afghanistan vẫn sẽ tiếp tục”.
 
Mỹ bắt đầu đưa quân vào Afghanistan sau cuộc khủng bố kinh hoàng năm 2001 nhằm vào Tòa tháp đôi ở thành phố New York và Lầu Năm Góc. Vào thời điểm cao trào năm 2011, số quân Mỹ ở Afghanistan từng lên tới 100.000 binh lính. Cuộc chiến đã giúp Mỹ lật đổ chính quyền Taliban, song cũng khiến hơn 2.000 người Mỹ và hàng chục nghìn người Afghanistan thiệt mạng.
 
Kể từ khi thỏa thuận tại Doha được ký kết, Taliban không nhằm trực tiếp vào các lực lượng nước ngoài nữa. Tuy nhiên, bạo lực đẫm máu vẫn xảy ra không ngớt với mục tiêu là các lực lượng chính phủ ở nông thôn hay các vụ tấn công khủng bố ở những khu vực thành thị.
 
Dù Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani khẳng định quân đội chính phủ hoàn toàn có đủ khả năng chống lại quân nổi dậy và tin rằng, việc Mỹ rút quân cũng đồng nghĩa với việc Taliban không còn lý do gì để tiếp tục chiến đấu, song nhiều người vẫn lo ngại sự ra đi của người Mỹ sẽ mở đường cho sự trở lại của Taliban và đất nước một lần nữa phải trở lại thời kỳ của những năm 1996-2001.
 
“Trong quá khứ, Taliban nói rằng, họ chiến đấu vì sự hiện diện của quân đội nước ngoài. Nhưng bây giờ khi Mỹ và các lực lượng nước ngoài khác thông báo rời đi, thì các vụ tấn công vẫn xảy ra hàng ngày. Chúng tôi cảm thấy mệt mỏi với tình hình này và yêu cầu của chúng tôi đối với Taliban là hãy thực hiện hòa bình với người dân và chính phủ Afghanistan".
 
Trên thực tế, kể từ khi Tổng thống Joe Biden xác nhận kế hoạch rút quân, lực lượng an ninh Afghanistan luôn được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ. Bạo lực gia tăng, trong khi các cuộc đàm phán hòa bình giữa Taliban và chính phủ bị sa lầy. Chuyên gia phân tích Andrew Waltkins thuộc Nhóm khủng hoảng quốc tế cho rằng, những tuần tới sẽ là phép thử rõ nhất cho năng lực của quân đội Afghanistan và việc tuân thủ các cam kết của Taliban khi không còn sự hiện diện của quân đội Mỹ và NATO./.
 
Theo VOV