04:03, 25/03/2021

"Cuộc đấu đầu tiên" giữa Tổng thống Joe Biden và Bộ Tứ Big Tech

Cuộc điều trần của các giám đốc điều hành Facebook, Google và Twitter tại Quốc hội Mỹ ngày 25/3 được giới quan sát cho là "cuộc đối đầu" đầu tiên giữa Tổng thống Joe Biden và các Ông lớn Big Tech.

Cuộc điều trần của các giám đốc điều hành Facebook, Google và Twitter tại Quốc hội Mỹ ngày 25/3 được giới quan sát cho là “cuộc đối đầu” đầu tiên giữa Tổng thống Joe Biden và các Ông lớn Big Tech.
 
Quốc hội Mỹ hôm nay (25/3) nghe các giám đốc điều hành của Facebook, Google và Twitter điều trần để đánh giá nỗ lực mà những gã khổng lồ công nghệ này đã tiến hành để ngăn chặn tin giả. Cuộc điều trần diễn ra chỉ 2 tháng sau vụ bạo loạn tại trụ sở Quốc hội Mỹ khiến 5 người thiệt mạng. Một trong những nguyên nhân được cho là do thông tin giả mạo được lưu truyền trên các mạng xã hội. Giới quan sát đã gọi đây cũng là “cuộc đối đầu” đầu tiên giữa Tổng thống Joe Biden và các Ông lớn Big Tech.
 
 

 

Ảnh minh họa: Financial Times.
Ảnh minh họa: Financial Times.
Đối với các Giám đốc điều hành của Facebook Mark Zuckerberg và Jack Dorsey của Twitter, thì đây là phiên điều trần thứ 4 trước Quốc hội Mỹ chỉ trong vòng hơn 1 năm qua. Trong khi đó, đối với lãnh đạo Google Sundar Pichai thì đây là lần thứ 3. Lần này, cả 3 “Ông lớn” của Thung lũng Silicon sẽ phải trả lời chất vấn về vai trò của các nền tảng truyền thông xã hội trong lưu hành thông tin giả về đại dịch Covid-19 và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ mới đây. Đặc biệt, Facebook, Google và Twitter cũng phải trả lời theo cách nào mà các mạng xã hội đã góp phần “tạo điều kiện” cho vụ tấn công nhằm vào Đồi Capitol hôm 6/1 vừa qua.
 
Theo giới quan sát, đây sẽ là một phiên điều trần khó khăn nhất với Facebook, bất chấp việc lãnh đạo Mark Zuckerberg nhiều lần nhấn mạnh tới các nỗ lực tạo dựng “tường lửa” để ngăn chặn tin giả, nhất là trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi cuối năm ngoái.
 
“Facebook ủng hộ những nguyên tắc cơ bản giúp đảm bảo tiếng nói của tất cả mọi người cũng như các cơ hội kinh tế, giữ cho mọi người được an toàn, cũng như duy trì những truyền thống dân chủ như quyền tự do ngôn luận và bỏ phiếu. Có những giá trị cơ bản cho hầu hết chúng ta nhưng không phải cho tất cả mọi người trên thế giới”.
 
Nền tảng truyền thông xã hội ăn khách nhất hiện nay đang phải đối mặt với những cáo buộc kích động bạo lực khi cho hiển thị quảng cáo súng đạn bên cạnh “thông điệp” ca ngợi những kẻ tấn công đồi Capitol ngày 6/1. Kết quả một số nghiên cứu được công bố cuối năm 2020 cũng cho thấy, thuật toán của mạng xã hội này có xu hướng thúc đẩy một số người dùng đăng ký vào trang của các nhóm cực đoan.
 
Tuy nhiên điều này không có nghĩa là áp lực đối với các giám đốc điều hành Google và Twitter sẽ giảm đi. Đối với lãnh đạo Google Sundar Pichai, Youtube đang bị chỉ trích vì sự chậm trễ trong việc triển khai những biện pháp nhằm ngăn chặn tin giả bầu cử sau chiến thắng của ông Joe Biden trước đối thủ Donald Trump. Trong khi đó Twitter dù tỏ ra tương đối minh bạch và “nhanh nhạy” hơn trong việc thực hiện các quy tắc mới, song cũng không tránh khỏi những cáo buộc “thiên vị chính trị”, đặc biệt là từ phía các nghị sĩ đảng Cộng hòa.
 
Bối cảnh chính trị tại Mỹ đã thay đổi. Tổng thống mới của nước Mỹ dường như “khó tính hơn” với các Ông lớn truyền thông so với người tiền nhiệm Donald Trump. Hạ viện Mỹ hôm nay cũng sẽ thảo luận về những quy định mới nhằm điều chỉnh tốt hơn sức mạnh kinh tế của các nền tảng truyền thông xã hội. Chính vì thế phiên điều trần này cũng được giới quan sát coi là “cuộc đối đầu đầu tiên” giữa chính quyền Tổng thống Joe Biden và Bộ Tứ Công nghệ lớn (Big Tech) gồm: Facebook, Google, Amazon và Apple./.
 
Theo VOV