Lãnh đạo 27 nước EU sẽ thảo luận một loạt các vấn đề gai góc cả về đối nội lẫn đối ngoại, như tranh cãi về ngân sách 2021-2027, về chính sách nhập cư mới, về quan hệ với Trung Quốc...
Lãnh đạo 27 nước EU sẽ thảo luận một loạt các vấn đề gai góc cả về đối nội lẫn đối ngoại, như tranh cãi về ngân sách 2021-2027, về chính sách nhập cư mới, về quan hệ với Trung Quốc...
Nguyên thủ 27 nước thành viên Liên minh châu Âu - EU gặp nhau ngày 1/10 tại Brussels trong Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên sau kỳ nghỉ Hè, với một loạt các hồ sơ nóng cần phải giải quyết như: cuộc khủng hoảng ở Belarus, xung đột Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ hay quan hệ với Trung Quốc.
Lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu – EU sẽ bắt đầu cuộc họp Thượng đỉnh đầu tiên sau kỳ nghỉ Hè bằng một bữa ăn tối truyền thống trước khi bước vào các cuộc thảo luận kéo dài trong hai ngày 1 và 2/10. Trên thực tế, Thượng đỉnh EU lần này theo kế hoạch đã phải diễn ra trong tuần trước song phải lùi lại 1 tuần do Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Charles Michel buộc phải cách ly vì nghi nhiễm virus SARS-CoV-2.
Theo lịch trình được công bố, lãnh đạo 27 nước EU sẽ phải thảo luận một loạt các vấn đề gai góc cả về đối nội lẫn đối ngoại, như tranh cãi về ngân sách 2021-2027, về chính sách nhập cư mới, về quan hệ với Trung Quốc hay cách thức xử lý các cuộc khủng hoảng tại Belarus và xung đột Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ tại Đông Địa Trung Hải.
Đối với vấn đề ngân sách chung của khối, Đức, nước hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU, cho biết kiên quyết thông qua ngân sách gần 1.100 tỷ euro này trong vài tuần tới. Tuy nhiên, trở ngại lớn hiện nay vẫn nằm ở hai nước Hungary và Ba Lan khi các nước này cho biết sẽ phủ quyết bất cứ quyết định nào về ngân sách nếu Ủy ban châu Âu vẫn giữ điều khoản trừng phạt các nước không tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn về nhà nước pháp quyền.
Một chủ đề nóng khác trong nội bộ EU là các tranh cãi xung quanh các phản ứng với Thổ Nhĩ Kỳ. Đảo Síp, một thành viên của EU và cũng có liên quan đến xung đột tại Đông Địa Trung Hải, đang vận động để EU ra các trừng phạt cứng rắn hơn với Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời đe dọa sẽ phong tỏa các quyết định lớn khác của EU. Trong khi đó, EU hiện đang muốn thúc đẩy các đối thoại, đặc biệt là giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.
Đối với khủng hoảng chính trị tại Belarus, nhiều khả năng EU sẽ công bố danh sách trừng phạt các cá nhân tại Belarus có liên quan đến việc dung túng cho cảnh sát sử dụng bạo lực quá mức để đàn áp người biểu tình.
Về đối ngoại, các nhà lãnh đạo EU dự kiến cũng sẽ đưa ra ý kiến về hồ sơ Brexit, theo đó nhiều khả năng sẽ cho phép các nhà đàm phán hai bên gia tăng thêm các vòng đàm phán trong 3 tuần tới, trước khi EU họp Thượng đỉnh tiếp theo vào cuối tháng 10/2020. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng các lãnh đạo EU sẽ hạn chế đề cập đến Brexit nhằm tránh gây sức ép cho các cuộc đàm phán hiện đang được tiến hành tại Brussels.
Một trong các chủ đề đối ngoại quan trọng hàng đầu khác được bàn thảo là về quan hệ giữa EU và Trung Quốc, trong bối cảnh Thượng đỉnh trực tuyến giữa hai bên đầu tháng này thất bại còn Đức cũng đã hủy bỏ Hội nghị Thượng đỉnh trực tiếp dự kiến tổ chức ở thành phố Leipzig.
Phát biểu trước khi lên đường sang Brussels, Thủ tướng Đức Angela Merkel thừa nhận, không chắc EU và Trung Quốc có thể đạt được thỏa thuận về đầu tư trước cuối năm nay.
“Chúng tôi muốn có quan hệ thương mại công bằng với Trung Quốc. Theo yêu cầu của các nước thành viên, từ năm 2013 Ủy ban châu Âu đã đàm phán với Trung Quốc về một hiệp định đầu tư nhưng chưa có nhiều tiến triển. Chúng tôi muốn tạo ra một lực đẩy cho các đàm phán, trên cơ sở có đi - có lại về việc tiếp cận thị trường. Chúng tôi muốn có những tiến triển thực chất và nếu có thể, sẽ đạt được một đột phá chính trị vào cuối năm nay, nhưng tôi không dám hứa chắc về điều này”, bà Merkel nhấn mạnh./.
Theo VOV