12:09, 14/09/2020

Tổng thống Trump dựa vào chính sách đối ngoại để giành ưu thế trước bầu cử

Tổng thống Donald Trump hiện đang dựa vào những thành quả trong chính sách đối ngoại để giành lợi thế trong cuộc chạy đua với ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden.

Tổng thống Donald Trump hiện đang dựa vào những thành quả trong chính sách đối ngoại để giành lợi thế trong cuộc chạy đua với ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden.
 
Trong vòng 1 tháng qua, ông Trump đã giúp làm trung gian thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), tạo điều kiện cho việc bình thường quan hệ kinh tế giữa Serbia và Kosovo, và thông báo giảm số binh sỹ Mỹ ở Iraq. Thứ Sáu vừa qua, ông Trump thông báo về việc Bahrain cũng đã đạt được thỏa thuận bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Israel.
 
Nhà Trắng đã ca ngợi những động thái trên là ví dụ của việc Tổng thống đang thực hiện lời hứa tranh cử của mình mặc dù ông Trump đang hứng chịu chỉ trích trong nước trong việc đối phó với Covid-19, dịch bệnh đã khiến gần 200.000 người Mỹ tử vong.  
 
 

 

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)
 
Tuy nhiên, chính sách đối ngoai hiếm khi là một vấn đề hàng đầu mà cử tri Mỹ quan tâm trong ngày bầu cử. Do đó, mọi thành quả của ông Trump trên trường quốc tế có thể sẽ bị làm lu mờ bởi các vấn đề trong nước như cách ông Trump ứng phó với các cuộc biểu tình chống bất công sắc tộc, suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ thời kỳ Đại suy thoái, và thông tin ông Trump đã chủ ý hạ thấp mối đe dọa y tế công cộng của Covid-19.  
 
Thỏa thuận hòa bình giữa Israel và UAE công bố tháng trước đã giành được sự khen ngợi của cả hai đảng và lễ ký kết thỏa thuận giữa Israel và Bahrain tại Nhà Trắng vào tuần tới sẽ cho ông Trump thêm một cơ hội để nhấn mạnh thành quả ngoại giao của mình.
 
Chính quyền Tổng thống Trump trong tuần qua cũng thông báo sẽ giảm số binh sỹ Mỹ tại Iraq từ 5.200 xuống gần 3.000 vào cuối tháng 9 đồng thời dự báo sẽ giảm sự hiện diện quân sự Mỹ tại Afghanistan từ 8.600 xuống 4.500 binh sỹ vào tháng 11.
 
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã cam kết sẽ đưa các quân nhân Mỹ về nước từ các cuộc xung đột kéo dài ở nước ngoài và nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc xung đột 19 năm ở Afghanistan là tâm điểm trong cam kết của ông Trump. 
 
Các cuộc đàm phán từng bị trì hoãn lâu dài giữa chính phủ Afghanistan và Taliban đã bắt đầu cuối tuần này tại Doha, Qatar. Tổng thống Trump đã phái Ngoại trưởng Mike Pompeo tham dự các cuộc đàm phán này nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng ông Trump đặt vào sự kiện này trong bối cảnh cuộc bầu cử Mỹ đang tới gần.  
 
Trong cuộc vận động cử tri tại Michigan thứ Năm vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã nhấn mạnh các nỗ lực chính sách đối ngoại của mình đồng thời chỉ trích các chính quyền tiền nhiệm đã đưa nước Mỹ vào các cuộc chiến không hồi kết. Ông Trump tuyên bố “Chúng ta giữ cho nước Mỹ không lâm vào các cuộc chiến mới và sẽ đưa binh sỹ Mỹ về nước, họ sẽ sớm trở về nhà.”
 
Người dân Mỹ ủng hộ việc giảm hiện diện của Mỹ ở các cuộc chiến được coi là “kéo dài mãi mãi”. Bản thân cựu Tổng thống Barack Obama cũng từng tìm cách đưa binh sỹ Mỹ từ Afghanistan và Iraq về nước. Tuy nhiên, ông Obama đã phải tái triển khai quân đội tới Iraq khi ISIS trỗi dậy và không rút toàn bộ quân đội khỏi Afghanistan d lo ngại tình trạng tái diễn như ở Iraq.   
 
Giới chỉ trích cho rằng thay vì chấm dứt các cuộc xung đột, ông Trump đã gia tăng hiện diện quân sự của Mỹ ở Trung Đông. Hàng nghìn binh sỹ Mỹ đã được triển khai tại A-rập Xê-út và những nơi khác trong khu vực nhằm đối phó với căng thẳng gia tăng với Iran, một phần là do chiến dịch gây sức ép tối đa của chính quyền ông Trump.
 
Kate Kizer, Giám đốc chính sách của nhóm Win Without War cho rằng “Ông Trump đã nhiều lần cho thấy chỉ nói và không thực chất trong vấn đề chấm dứt các cuộc chiến không hồi kết. Ông Trump đã đưa chúng ta tới bờ vực chiến tranh với Iran, phủ quyết Nghị quyết quyền hạn chiến tranh đối với Iran và Yemen, và nhen nhóm một cuộc chiến tranh lạnh mới với Trung Quốc. Số binh sỹ Mỹ tại Iraq được giảm xuống mức năm 2015 tuy nhiên hàng nghìn binh sỹ khác vẫn đang đồn trú vĩnh viễn trong khu vực”.
 
Ông Trump cũng đối mặt với chỉ trích về cách ra quyết định rút quân, thường rất bất ngờ và không thông báo tới các đồng minh hoặc các đối tác của Mỹ trong khu vực.
 
Charles Kupchan, một cựu quan chức trong Hội đồng an ninh quốc gia Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Obama, cho rằng “Đối với vấn đề rút quân nói chung, ông Trump có cách tiếp cận không hề có kế hoạch và hỗn loạn”. Theo ông Kupchan: “Việc rút quân trong các cuộc chiến ở Trung Đông là cần thiết, tuy nhiên, điều này cần phải được thực hiện một cách hợp lý và đi cùng một kế hoạch ngoại giao”.
 
Phản ứng trước thông báo tuần trước về Iraq và Afghanistan, ông Joe Biden cho biết ông ủng hộ động thái của ông Trump “nếu ông ta có một kế hoạch về việc sẽ đối phó với ISIS thế nào”.
 
Phát biểu với tờ báo của quân đội “Stars and Stripes”, ông Trump cũng cho biết ông ủng hộ việc chấm dứt “các cuộc chiến mãi mãi” nhưng muốn duy trì từ 1500 tới 2000 binh sỹ trên thực địa cho các hoạt động chống khủng bố.
 
Thứ Ba tới (15/9), Tổng thống Donald Trump sẽ đón tiếp các đại diện từ Israel, UAE và Bahrain tới buổi lễ thiết lập quan hệ ngoại giao giữa các nước này tại Nhà Trắng. Ông Trump cũng đã nhiều lần sử dụng các sự kiện tại Nhà Trắng làm diễn đàn cho chiến dịch tranh cử của mình.
 
Dan Reiter, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Emory, cho rằng buổi lễ tại Nhà Trắng sẽ là dịp thể hiện hình ảnh tốt đối với Tổng tống Trump nhưng sẽ khó có thể để lại ấn tượng đối với cử tri. Giáo sư Dan Reiter nhận định “Tôi không thể hình dung được rằng thỏa thuận Israel-UAE sẽ không mang lại hiệu quả. Sự kiện này nằm ngoài mối quan tâm của người dân Mỹ. Điều thực sự có hiệu quả đó là một sự kiện được tổ chức ở quy mô Trại David nhằm giải quyết xung đột Israel-Palestin”.
 
Trong khi đó, Heye, một cựu quan chức thuộc Ủy ban quốc gia của đảng Cộng hòa, cho rằng nỗ lực của ông Trump có thể thuyết phục cử tri ở một số bang chiến địa. Ví dụ, thỏa thuận Israel-UAE có thể thuyết phục các cử tri Do thái ở các bang như Florida trong khi việc thúc đẩy rút quân có thể giành được sự ủng hộ trong giới quân sự tại các bang như North Carolina.
 
Theo ông Heye: “Các nỗ lực đó không hẳn là không có ản hưởng. Chúng ta đang nói tới một cuộc chạy đua sít sao với rất ít cử tri vẫn chưa quyết định”./.
 
Theo VOV