Iran cho biết nước này sẵn sàng xuất khẩu vũ khí ngay sau khi lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc bị dỡ bỏ vào tháng 10 tới bất chấp yêu cầu gia hạn của Mỹ.
Iran cho biết nước này sẵn sàng xuất khẩu vũ khí ngay sau khi lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc bị dỡ bỏ vào tháng 10 tới bất chấp yêu cầu gia hạn của Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Iran cho biết, nước này có kế hoạch xuất khẩu vũ khí ngay sau khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ giữa bối cảnh Mỹ thất bại trong nỗ lực gia hạn lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc với Tehran hồi tuần trước.
Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami nhận định với báo giới hôm 16/8 rằng, các lệnh trừng phạt đã không thể kiềm chế ngành công nghiệp vũ khí của Iran và khẳng định nước này "sẽ sử dụng mọi khả năng của mình để đáp ứng các yêu cầu cũng như buôn bán và xuất khẩu vũ khí sau khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ", hãng thông tấn Mehr cho hay.
Ông Hatami là một trong các quan chức Iran lên tiếng về việc Mỹ không thể thuyết phục Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gia hạn lệnh cấm vận vũ khí với Iran, vốn sẽ hết hạn vào tháng 10 tới.
Bộ trưởng Quốc phòng Iran cho biết, ngành công nghiệp quốc phòng Iran là một phần trong "chiều sâu chiến lược" quốc gia và khẳng định, Tehran đã sẵn sàng cung cấp hàng hóa cho các nước khác bất chấp cáo buộc của Mỹ rằng, các thương vụ như vậy sẽ làm suy yếu ổn định khu vực.
Nga và Trung Quốc đều phản đối việc gia hạn lệnh cấm vận trong khi 7 thành viên khác, trong đó có Pháp, Đức và Anh bỏ phiếu trắng. Chỉ có Mỹ và Cộng hòa Dominica bỏ phiếu ủng hộ việc này.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết sau cuộc bỏ phiếu rằng: "Sự thất bại của Hội đồng Bảo an trong việc hành động quyết đoán nhằm bảo vệ hòa bình và an ninh thế giới là không thể bào chữa được. Hội đồng Bảo an đã bác bỏ lời kêu gọi gia hạn lệnh cấm vận vũ khí trực tiếp từ nhiều nước ở Trung Đông, vốn bị sự hung hăng của Iran đe dọa".
Mỹ cũng dọa sẽ đơn phương kích hoạt lệnh cấm vận vũ khí với Iran theo các điều khoản của Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), gọi tắt là thỏa thuận hạt nhân Iran. Tuy nhiên, Iran và các bên ký kết khác cho biết Mỹ không thể thực hiện điều này bởi Tổng thống Trump đã rút khỏi thỏa thuận năm 2018. Vì không còn là thành viên nữa nên Mỹ không có quyền lợi hợp pháp để kích hoạt điều khoản "chuyền lùi" của thỏa thuận.
Ngoại trưởng Iran Javad Zarif hôm 16/8 cho biết, chính quyền Tổng thống Trump không có cơ sở để kích hoạt các điều khoản của JCPOA, đồng thời dẫn ra những bình luận của cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton trong một bài bình luận trên Wall Street Journal rằng, những nỗ lực gia hạn lệnh cấm vận trên "không đáng để liều lĩnh".
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất một Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến với Mỹ và các bên còn lại của JCPOA gồm Nga, Trung Quốc, Pháp, Đức, Anh và Iran để tránh gia tăng "đối đầu và leo thang căng thẳng".
Khi được hỏi liệu có tham gia hội nghị trên hay không, ông Trump nhận định với báo giới: "Tôi đã nghe về việc này nhưng tôi chưa thể nói về nó bây giờ".
Từ khi rút khỏi JCPOA, Tổng thống Trump đã thực hiện chiến lược "gây sức ép tối đa" nhằm vào Iran với hy vọng sẽ buộc lãnh đạo nước này phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán để thảo luận về một thỏa thuận mới chặt chẽ hơn nhưng Tehran đã liên tục từ chối./.
Theo VOV