Việc Nga là nước đầu tiên công bố chế tạo thành công vaccine Covid-19 dường như đang kích hoạt cuộc đua bào chế vaccine nóng lên trên thế giới.
Việc Nga là nước đầu tiên công bố chế tạo thành công vaccine Covid-19 dường như đang kích hoạt cuộc đua bào chế vaccine nóng lên trên thế giới.
Nhiều quốc gia đã đầu tư mạnh vào chương trình nghiên cứu phát triển vaccine của mình. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại nhiều nơi, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi các nước chung tay nghiên cứu vaccine theo chương trình do tổ chức này đứng đầu.
Tại Mỹ, một quan chức cấp cao Bộ Y tế, ông Paul Mango cho biết, nước này đã đầu tư hơn 10 tỷ USD vào 6 dự án vaccine. Thương vụ mới nhất là cuối tháng 7 vừa qua, chính phủ nước này đã đạt được thỏa thuận trị giá 2 tỷ 100 triệu USD với hãng dược phẩm Sanofi của Pháp và GSK (GlaxoSmithKline) của Anh để thúc đẩy phát triển vaccine ngừa Covid-19.
Sau khi đạt được thỏa thuận đặt trước với Sanofi và GSK 300 triệu liều khi vaccine ngừa Covid-19 ra đời, Liên minh châu Âu (EU), cũng đã đặt mua 400 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 tiềm năng đang được tập đoàn Johnson & Johnson của Mỹ phát triển.
Anh cũng thông báo đã đặt trước với Sanofi và GSK 60 triệu liều vaccine cùng loại. Ngoài ra, Anh sẽ mua vaccine tiềm năng phòng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 của hai hãng dược phẩm Mỹ Johnson & Johnson (J&J) và Novavax Inc, nâng tổng số thỏa thuận đặt hàng vaccine mà nước này ký kết lên 6.
Với 6 thỏa thuận đặt hàng vaccine mà mỗi nước đạt được cho tới nay, Anh và Mỹ đang dẫn đầu cuộc chạy đua toàn cầu nhằm đạt thỏa thuận mua vaccine với các công ty dược trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục hoành hành trên thế giới.
Cuộc chạy đua không chỉ diễn ra quyết liệt giữa các cường quốc. Indonesia, Trung Quốc, Hàn Quốc cũng đang đầu tư mạnh để phát triển vaccine trong nước. Dự kiến, Indonesia sẽ cho ra mắt vaccine Covid-19 ngay trong năm nay.
Tại châu Mỹ, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19, Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard thông báo, nước này sẽ bắt đầu sản xuất vaccine vào tháng 11 tới theo một thỏa thuận với chính phủ Argentina, Công ty Dược phẩm AstraZeneca, Đại học Oxford của Anh và Quỹ Carlos Slim để cung cấp vaccine cho cả khu vực. Theo ông Esteban Corley, giám đốc của mAbxience, công ty công nghệ sinh học của Argentina, đối tác sản xuất vaccine ngừa Covid-19 với Mexico, loại vaccine này có giá thấp để chính phủ các nước Mỹ Latin có thể tiêm phòng cho toàn dân
“Giá vaccine ngừa Covid-19 sẽ ngang nhau tại các quốc gia, khoảng từ 3 đến 4 USD. Tôi cho rằng, đây là một mức giá rất thấp. Theo thông tin hiện nay, các nhà phát triển đang nói đến giá 30 USD cho một liều vaccine ngừa Covid-19. Chính vì vậy, mỗi liều vaccine ngừa Covid-19 có giá 3-4 USD sẽ cho phép chính phủ các nước đầu tư để tiêm chủng cho toàn dân”.
Trước thực trạng mạnh nước nào có khả năng nước ấy tự bào chế vaccine, hoặc liên kết với nước khác, các tổ chức khác, Tổ chức Y tế thế giới đã kêu gọi các nước đầu tư vào Chương trình ACT-Accelerator do Tổ chức này đứng đầu, nhằm chia sẻ nghiên cứu và phát triển, sản xuất và mua bán trên quy mô toàn cầu vaccine phòng ngừa và thuốc điều trị Covid-19.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Ghebreyesus nhấn mạnh, đây là sự đầu tư “thông minh” vì khoản chi này là không đáng kể so với con số hàng ngàn tỷ USD phải chi để giải quyết những hậu quả của đại dịch.
“Việc đầu tư vào chương trình ACT-Accelerator sẽ tốn một phần rất nhỏ so với giải pháp khác mà các nền kinh tế đang thực hiện như một mình đầu tư vào một trong số hàng chục loại vaccine đang được bào chế hay tung gói kích thích tài chính. Trước khi phải tiêu tốn 10.000 tỷ cho việc đối phó với hậu quả của làn sóng Covid-19 tiếp theo, chúng tôi ước tính rằng, thế giới cần chi tiêu 100 tỷ cho các công cụ mới đặc biệt là phát triển vaccine. Trước mắt chúng ta cần 31,3 tỷ USD Mỹ cho chương trình ACT-Accelerator”
Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đại dịch sẽ gây thiệt hại 12.000 tỷ USD Mỹ trong 2 năm./.
Theo VOV