Dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến khó lường khi tâm dịch chuyển từ châu Á sang châu Âu và Mỹ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.
Dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến khó lường khi tâm dịch chuyển từ châu Á sang châu Âu và Mỹ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.
Đại dịch Covid-19 đã chuyển tâm dịch từ châu Á sang châu Âu khi chứng kiến số ca nhiễm mới tại châu lục này tăng kỷ lục.
Italy lại có thêm một ngày mất mát nặng nề khi có thêm 250 ca tử vong vì dịch Covid-19 và 2.547 trường hợp mắc phải dịch bệnh này. Đã 4 ngày phong tỏa toàn bộ đất nước 60 triệu dân nhưng tình hình ở Italy vẫn chưa có bất kỳ tiến triển nào khi số ca tử vong và số người nhiễm mới liên tục tăng thêm hàng ngày. Cho tới nay, quốc gia này đã ghi nhận hơn 11.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 với ít nhất 1.266 ca tử vong. Chính quyền nước này cũng đang lo ngại dịch lan xuống các vùng miền Nam, nơi có hệ thống y tế yếu kém hơn nhiều so với miền Bắc.
Tây Ban Nha hiện là quốc gia thứ 2 chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 ở châu Âu với hơn 2.086 ca nhiễm mới và 47 trường hợp tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này cũng đã tăng lên 5.232 trường hợp với 133 ca tử vong.
Khi tâm dịch chuyển từ Milan (Italy) sang Madrid (Tây Ban Nha), Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez đã cảnh báo số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này có thể lên đến 10.000 vào tuần sau.
"Chúng tôi chỉ đang ở giai đoạn đầu của cuộc chiến chống dịch Covid-19. Còn những tuần vô cùng khó khăn đang đợi chúng tôi phía trước", ông Sanchez khẳng định khi thông báo tình trạng khẩn quốc gia.
Một phần của Catalonia đã bị phong tỏa nhưng mối lo ngại chính nằm ở Madrid, nơi tất cả các cửa hàng, ngoại trừ cửa hàng thực phẩm và nhu yếu phẩm cần thiết, đều đã đóng cửa.
Ít nhất 4 quốc gia: Ba Lan, Đan Mạch, Slovakia và Cộng hòa Séc thông báo họ sẽ đóng cửa biên giới hoàn toàn.
Trong khi đó, sau khi số ca nhiễm mới tăng thêm gần 800 ca và 18 người tử vong trong 24h, Pháp tiếp tục thực hiện các biện pháp mạnh mẽ nhằm đối phó với "cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ nhất trong một thế kỷ qua" này. Ngoài việc cấm tụ tập trên 100 người, dự kiến, từ đầu tuần sau, các trường học tại Pháp sẽ phải đóng cửa ít nhất là trong vòng 15 ngày, thậm chí là đến hết kỳ nghỉ mùa xuân năm nay, tức là đến hết ngày 20/4 hoặc ngày 04/5 theo từng khu vực - một sự kiện "chưa từng có tiền lệ" trong lịch sử giáo dục Pháp.
Tại Đức, chỉ trong vòng 24 giờ cũng đã có 930 ca nhiễm mới với 2 trường hợp tử vong. Trước đó, ngày 11/3, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cảnh báo nếu không quyết liệt ngăn chặn dịch Covid-19, sẽ có tới 70% dân số Đức nhiễm virus SARS-CoV-2. Tổng số ca nhiễm bệnh ở Đức hiện cao thứ 3 châu Âu với 3.675 ca.
Bên cạnh đó, hàng loạt quốc gia châu Âu khác cũng chứng kiến số ca mắc Covid-19 mới không ngừng gia tăng và thậm chí nằm trong "tốp đầu" những nước có số ca nhiễm cao nhất ngoài Trung Quốc.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã thông báo ngày 13/3 rằng: "Châu Âu hiện đã trở thành tâm chấn của đại dịch Covid-19", đồng thời hối thúc các quốc gia thực hiện mọi biện pháp để đối phó với dịch bệnh: "Bạn phải thực hiện các biện pháp một cách toàn diện, không chỉ riêng xét nghiệm, không chỉ riêng theo dõi liên lạc, không chỉ riêng cách ly, không chỉ riêng giữ khoảng cách khi giao tiếp. Hãy làm tất cả mọi thứ cùng lúc".
Trong khi châu Âu ngày càng có nhiều "điểm nóng" dịch Covid-19 thì tại Mỹ, Tổng thống Trump đã gấp rút hành động để ngăn chặn dịch bệnh khi quốc gia này có gần 600 ca nhiễm mới chỉ trong 24 giờ, nâng tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 lên hơn 2.000 trường hợp. Sau khi bất ngờ thông báo cấm các hoạt động đi lại từ châu Âu đến Mỹ, ngày 13/3, Tổng thống Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.
"Tôi chính thức tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm huy động toàn bộ sức mạnh của chính quyền liên bang. Việc này sẽ cho phép chúng ta huy động 50 tỷ USD, một số tiền lớn cho các bang, lãnh thổ và địa phương ở Mỹ trong nỗ lực chung chống lại dịch Covid-19", nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định.
Cho tới nay, đã có ít nhất 23 bang trên toàn nước Mỹ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm đối phó với dịch Covid-19.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 13/3 tiếp tục hối thúc các chính phủ hành động nhanh chóng để giải quyết tình hình thay vì "vì tê liệt bởi nỗi sợ hãi" trước dịch Covid-19.
Số ca nhiễm mới hàng ngày trên thế giới hiện đã vượt số ca nhiễm mới hàng ngày vào thời kỳ đỉnh điểm ở Trung Quốc hồi tháng 2, người đứng đầu chương trình y tế khẩn cấp của WHO - Michael Ryan cho biết, đồng thời khẳng định nỗi lo lắng lớn nhất là "mọi người đều lo sợ những hậu quả của sai lầm".
"Lỗi sai lớn nhất là không hành động. Lỗi sai lớn nhất là bị tê liệt trước nỗi sợ thất bại. Và tôi nghĩ đó là bài học lớn nhất tôi đã học được trong việc phản ửng với dịch Ebola trước đây".
Cũng tại buổi họp báo, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định: "Bất kỳ quốc gia nào nhìn thấy kinh nghiệm của các quốc gia khác với dịch bệnh bùng phát trên quy mô lớn rồi nghĩ rằng: "điều đó sẽ không xảy ra với mình", là một sai lầm chết người. Điều đó có thể xảy ra với bất kỳ quốc gia nào"./.
Theo VOV