05:03, 10/03/2020

Dịch bệnh Covid-19 lây lan với tốc độ chóng mặt trên toàn châu Âu

Tại Italy, Pháp, Tây Ban Nha hay Thụy Sỹ đều có những ổ dịch bùng phát cực kỳ mạnh, với số ca nhiễm tăng từ 4 đến 10 lần chỉ trong một ngày.

Tại Italy, Pháp, Tây Ban Nha hay Thụy Sỹ đều có những ổ dịch bùng phát cực kỳ mạnh, với số ca nhiễm tăng từ 4 đến 10 lần chỉ trong một ngày.
 
Dịch Covid-19 đã chính thức xuất hiện tại toàn bộ các quốc gia thuộc EU, sau khi sáng nay (10/3) đảo Síp công bố là nước này cũng đã có 2 bệnh nhân đầu tiên nhiễm virus SARS-CoV-2.
 

 

Lực lượng an ninh tại ga xe điện ở Milan, Ý khi vùng Lombardy chuẩn bị phong tỏa. Ảnh: Reuters.
Lực lượng an ninh tại ga xe điện ở Milan, Ý khi vùng Lombardy chuẩn bị phong tỏa. Ảnh: Reuters.

Còn trong đêm qua (9/3), Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã ký lệnh phong toả toàn bộ lãnh thổ nước này với dân số 60 triệu người, để ngăn dịch Covid 19. Đến thời điểm này, toàn bộ EU đã có trên 15 ngàn ca nhiễm bệnh và trên 500 ca tử vong, trong đó nặng nhất là Italia, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Anh.

Tốc độ lây lan của virus không hề có dấu hiệu chậm lại trong cả tuần qua. Tại Italy mặc dù liên tiếp có các biện pháp mạnh, như phong toả 50 ngàn dân ở tâm dịch, rồi 16 triệu dân ở miền Bắc cho đến phong toả cả đất nước thì mỗi ngày vẫn có 1.400-1.500 ca nhiễm mới và hàng trăm người tử vong. Tại Tây Ban Nha thì riêng trong ngày 9/3 số ca nhiễm tăng gấp đôi từ trên 500 ca lên trên 1.000 ca. Tại Italy, Pháp, Tây Ban Nha hay Thụy Sỹ đều có những ổ dịch bùng phát cực kỳ mạnh, với số ca nhiễm tăng từ 4 đến 10 lần chỉ trong một ngày.

Tình hình hiện nay đang có những tác động nghiêm trọng đến toàn bộ các hoạt động kinh tế, xã hội của các nước châu Âu. Du lịch hầu như tê liệt. Các nước Italy, Pháp thiệt hại về du lịch ước tính khoảng chục tỷ euro vì lượng du khách sụt giảm 60-70%, có nơi đến 90%.
 
Hàng không cũng thiệt hại nặng nề. Hãng Lufthansa của Đức, hãng có đội tàu bay lớn nhất châu Âu, đã phải ngừng khai thác 150 máy bay. Hầu như tất cả các hãng lớn khác như Air France, British Airways, KLM… đều cắt giảm phần lớn chuyến bay đến Italy. Thời điểm này, đa số du khách châu Âu được khuyến cáo không đi ra ngoài lãnh thổ, trừ khi có việc quan trọng.

Dự báo tăng trưởng kinh tế tại các nền kinh tế lớn đều đã được hạ thấp hơn so với đầu năm, như Pháp sẽ tăng trưởng dưới 1% GDP còn Italy thì hậu quả còn nặng nề hơn và chưa thể tính hết được, chỉ biết là nước này chắc chắn sẽ thâm hụt ngân sách ít nhất 2,5% GDP trong năm nay.

Hiện tại dịch Covid-19 tại châu Âu tạm thời có thể chia làm 3 cấp độ. Ở cấp nghiêm trọng nhất là Italy thì đã phong toả cả quốc gia. Ở cấp thứ hai, tức là cấp ngăn chặn thì có các nước Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Anh, tức những nước này vẫn đang làm mọi cách để ngăn dịch lây lan, thông qua các phương pháp như khoanh vùng dịch, cách ly những người nhiễm bệnh.

Nhưng hầu như tất cả các nước này đều đã chuẩn bị để bước sang giai đoạn 3, tức là dịch lan rộng trên toàn quốc với cấp độ như Italy. Khi đó thì các nước sẽ chủ yếu tập trung chữa trị các ca bệnh nặng, còn lại khuyến khích người dân tự cách ly, tự đề phòng.

Phần còn lại là các nước có số ca nhiễm thấp hơn. Nhìn chung thì mỗi nước đều đang có các chiến lược đối phó với dịch khác nhau, tuỳ diễn biến dịch ở nước mình. Ở cấp độ châu Âu thì trong ngày hôm nay, nguyên thủ các nước châu Âu sẽ họp Thượng đỉnh trực tuyến để tìm thêm các biện pháp phối hợp đối phó.

Một khía cạnh quan trọng hơn mà các nước châu Âu rất quan tâm, đó là tìm cách giảm thiểu tác động kinh tế. Đức chuẩn bị tung gói kích thích kinh tế 50 tỷ euro, Italy đã phải chi khẩn cấp 7,5 tỷ euro. Tại Pháp thì chính phủ cũng đã đưa ra một loạt biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ./.

Theo VOV