Hội nghị được tổ chức nhằm tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề "nóng" trên thế giới, các thách thức toàn cầu cấp bách.
Hội nghị được tổ chức nhằm tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề “nóng” trên thế giới, các thách thức toàn cầu cấp bách.
Tối 14/2 (theo giờ Việt Nam), Hội nghị An ninh Munich lần thứ 56 đã chính thức khai mạc tại thành phố Munich của Đức, với sự tham gia của khoảng 40 nguyên thủ quốc gia và 100 bộ trưởng từ khắp nơi trên thế giới cùng các đại điện của nhiều tổ chức quốc tế. Hội nghị được tổ chức nhằm tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề “nóng” trên thế giới, các thách thức toàn cầu cấp bách như vấn đề biến đổi khí hậu hay sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng thống Đức Steinmeier nhấn mạnh, thế giới mỗi năm lại càng rời xa mục tiêu tạo ra một thế giới hòa bình hơn thông qua hợp tác quốc tế. Ông đã cùng lúc chỉ trích 3 cường quốc lớn thế giới, là Mỹ, Nga và Trung Quốc trong cách ứng phó với 1 số vấn đề. Cụ thể, theo ông, chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm đảo lộn trật tự thế giới và làm gia tăng sự bất ổn. Chính sách này đã khiến “đối tác gần gũi nhất” của châu Âu - đã rút khỏi các hiệp ước đa phương trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa các cường quốc quân sự trên thế giới.
Nhà lãnh đạo Đức cũng chỉ trích việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea và đưa lực lượng quân sự đến gần biên giới châu Âu, tạo ra sự đối đầu và mất lòng tin. Còn với Trung Quốc, Tổng thống Đức cho rằng Trung Quốc chỉ chấp nhận luật quốc tế một cách có lựa chọn, khi nó không đi ngược lại lợi ích của nước này, đồng thời chỉ trích những hành động của Trung Quốc trên biển Đông.
Theo ông Steinmeier, tất cả những điều này đang làm thế giới bất ổn hơn:“Thế giới đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan về vấn đề an ninh cổ điển. Đó là việc mất lòng tin và trang bị nhiều vũ khí hơn. Sau đó sẽ dẫn đến tình trạng bất ổn an ninh. Đây là những hậu quả không thể tránh khỏi. "
Sau Tổng thống Steinmeier Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cũng có bài phát biểu tại hội nghị, kêu gọi nước Đức và châu Âu cần can dự mạnh mẽ hơn vào các cuộc xung đột quốc tế như tại Iraq, Libya hay ở khu vực Sahel; cùng tham gia vào tiến trình đàm phán để tìm ra giải pháp chính trị cho các vấn đề này,
Còn với Thủ tướng Canada Justin Trudeau, trong bài phát biểu của mình tại Hội nghị, ông đã lên án chủ nghĩa bảo hộ, các cuộc chiến tranh thương mại và các phong trào dân túy:
“Chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng, thương mại đang bị vũ khí hóa. Nền dân chủ đang bị đe dọa, các quyền tự do cơ bản đang bị đàn áp và các nhà lãnh đạo độc đoán đang được thúc đẩy. Những mối lo chính trị đang gây ra sự hỗn loạn chưa từng có cho thế giới”, ông Justin Trudeau nói.
Về cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, Thủ tướng Canada khẳng định nước này sẽ luôn là đối tác toàn diện của các bên tham gia, luôn thực hiện mọi cam kết đưa ra vì 1 thế giới không còn ô nhiễm. Ngoài ra, Nhà lãnh đạo Canada cũng đã hối thúc Iran tiến hành điều tra một cách toàn diện và độc lập vụ bắn nhầm một máy bay chở khách của Ukraine hôm 8/1 vừa qua, vốn đã khiến toàn bộ 176 người trên máy bay thiệt mạng, trong đó có 57 công dân Canada. Vấn đề này cũng được nhà lãnh đạo Canađa đề cập riêng trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Iran Javad Zarif bên lề hội nghị.
Liên quan đến tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang hoành hành tại Trung Quốc và lây sang nhiều quốc gia trên thế giới, hôm qua, tại hội nghị, Người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva đã kêu gọi chính phủ và Ngân hàng Trung ương các nước chuẩn bị đối phó với các tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế.
Cũng đề cập đến vấn đề này bên lề hội nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định, chưa thấy nước nào nỗ lực chống dịch toàn diện như Trung Quốc, đồng thời kêu gọi Mỹ ngừng đưa ra các biện pháp đối phó không cần thiết với Covid-19, làm cản trở thương mại, đi lại và du lịch.
Với những tuyên bố, phát biểu “thẳng thắn”, không ngại đề cập đến những vấn đề gai góc nhất, Hội nghị an ninh Munich đang rất “nóng” từ “trong lẫn ngoài”. Dù Hội nghị không phải là nơi để ra chính sách, chiến lược, không giải quyết được tất cả các vấn đề an ninh đang đặt ra, nhưng là diễn đàn vô cùng quan trọng để các bên đối thoại tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau; bàn thảo biện pháp giảm đối đầu, căng thẳng; đối phó với các thách thức, nguy cơ; bảo vệ môi trường an ninh quốc tế./.
Theo VOV