07:06, 18/06/2015

Nghệ nhân Mấu Quốc Tiến: "Pho văn hóa sống của đồng bào Raglai"

Nghệ nhân Mấu Quốc Tiến (huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) đã dành gần như suốt cuộc đời mình để nghiên cứu, bảo tồn văn hóa dân tộc Raglai. Ông đóng góp cho đời sống những công trình hết sức đồ sộ.

Nghệ nhân Mấu Quốc Tiến (huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) đã dành gần như suốt cuộc đời mình để nghiên cứu, bảo tồn văn hóa dân tộc Raglai. Ông đóng góp cho đời sống những công trình hết sức đồ sộ.



Đã 30 năm kể từ khi cùng với các đồng nghiệp bắt tay vào quá trình nghiên cứu, sưu tầm và bảo tồn văn hóa Raglai, nghệ nhân Mấu Quốc Tiến được người dân ở Khánh Sơn biết đến với tình cảm tin yêu, quý mến. Đồng bào dân tộc Raglai nơi đây coi ông Tiến là người anh cả của núi rừng. Với khả năng hiểu biết uyên thâm cùng một trái tim luôn hết lòng với văn hóa dân tộc mình, nghệ nhân Mấu Quốc Tiến đã chiếm trọn tình cảm của người dân nơi đây.

 

Nghệ nhân Mấu Quốc Tiến.
Nghệ nhân Mấu Quốc Tiến


Với trăn trở không để sử thi Raglai rơi dần vào quên lãng, từ năm 1985 đến nay, cùng với các nhà nghiên cứu, sưu tầm khác, nghệ nhân Mấu Quốc Tiến đã rong ruổi qua từng bản làng của quê hương mình để ghi lại những câu hát sử thi. Đó là những tháng ngày trên chiếc xe đạp cũ kỹ, ông vượt suối băng rừng, sống và làm việc cùng với người dân để được thu âm lại những bài hát sử thi. Không một lời kêu ca về gian khó, không một chút tư lự về điều kiện làm việc, ông cứ “cơm nhà, áo vợ” lặng lẽ từng ngày, từng chút làm dày thêm kho sử thi mình đang sưu tầm. Hơn 300 cuộn băng cassette với độ dài 90 phút, mỗi băng chứa đầy tiếng hát của bản làng; 3 bộ sử thi đã được ông dịch ra song ngữ Raglai - Việt khiến mọi người ngạc nhiên trước mức độ đồ sộ của các tác phẩm đó, bộ dày nhất tới hơn 3.000 trang. Gian khó trong sưu tầm là một lẽ, điều đáng ghi nhận hơn đó là những làn điệu sử thi Raglai sử dụng ngôn ngữ cổ để hát, ngay cả người Raglai bình thường khi nghe ông bà mình hát sử thi cũng không hiểu, không thể dịch nghĩa, vậy nhưng, với một quá trình nghiên cứu kéo dài hơn 20 năm, việc ghi lại được lời hát trên văn bản, rồi thông hiểu nó và dịch ra tiếng Việt là cả sự kỳ công.


Sau một quá trình nghiên cứu dài lâu và rất nhiều công sức, điều mà nghệ nhân 56 tuổi này “khoe” với chúng tôi không phải là những tháng ngày lặn lội đến rừng cao, suối sâu hoặc những đêm thức trắng bởi một số từ cổ chưa giải nghĩa được, mà đơn giản là có 3 lớp dạy sử thi đã được mở ra (một lớp ở xã Thành Sơn và 2 lớp ở thị trấn Tô Hạp). Hơn 60 học sinh theo học các lớp này đã có thể hát được các làn điệu dân ca - điều kiện tiên quyết để có thể tiếp cận được với sử thi. “Có thể truyền lại cho thế hệ sau những điều tốt đẹp từ cha ông là niềm vui lớn nhất của tôi” - nghệ nhân Mấu Quốc Tiến nói.

 

Ông Cao Tiến Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa thể thao huyện Khánh Sơn: Nghệ nhân Mấu Quốc Tiến có những đóng góp to lớn trong việc bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể tại Khánh Sơn. Là người có trách nhiệm trong công việc, sống giản dị, nhân hậu và không quản ngại gian khó trong quá trình thực hiện lưu giữ và truyền lại cho thế hệ sau những tinh hoa của văn hóa dân tộc Raglai.

Trên bàn làm việc của ông luôn là những bản thảo, những cuộn băng cassette. Chúng tôi được biết, bên cạnh các bài hát sử thi, ông còn có khả năng phiêu theo tiếng đàn Chapi một cách điệu nghệ. Ông cũng đánh mã la giỏi và tinh thông hầu như mọi làn điệu từ các nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Những phong tục tập quán, luật tục, tín ngưỡng... của đồng bào Raglai được ông nghiên cứu tỷ mẩn. Nguồn gốc, hình thức, ý nghĩa của những buổi lễ trong năm của người Raglai như: lễ mừng lúa mới, bỏ mả, phong tục cưới hỏi xưa kia..., ông đều am hiểu như lòng bàn tay. Bạn bè đồng nghiệp tin yêu gọi ông là “pho văn hóa sống của đồng bào Raglai” bởi ông có thể trò chuyện cả ngày về hầu như mọi vấn đề liên quan đến văn hóa dân tộc mình.


Đầu năm 2015, trong số 13 nghệ nhân được UBND tỉnh đề đạt lên Hội đồng chuyên ngành cấp bộ xem xét, công nhận danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh có nghệ nhân Mấu Quốc Tiến. Trước đó, cùng với danh hiệu “Nghệ nhân dân gian”, nghệ nhân Mấu Quốc Tiến đã nhận được nhiều kỷ niệm chương của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp về những đóng góp xuất sắc trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.


H.Đ