12:09, 22/09/2010

“Lên bờ” làm triệu phú

Bao năm “bám biển, bám đầm”, ngư dân Thủy Triều (Cam Hải Đông, Cam Lâm, Khánh Hòa) càng làm cho biển “nghèo” thêm. Lên bờ làm lại từ đầu mới là “kế sách” căn cơ, lâu dài. Và, một trong những người thành công trong cuộc “đổ bộ” ngoạn mục này là anh Văn Minh Cường (xóm 4, Thủy Triều, Cam Hải Đông).

Bao năm “bám biển, bám đầm”, ngư dân Thủy Triều (Cam Hải Đông, Cam Lâm, Khánh Hòa) càng làm cho biển “nghèo” thêm. Lên bờ làm lại từ đầu mới là “kế sách” căn cơ, lâu dài. Và, một trong những người thành công trong cuộc “đổ bộ” ngoạn mục này là anh Văn Minh Cường (xóm 4, Thủy Triều, Cam Hải Đông).

Trang trại của anh Văn Minh Cường nằm sâu trong dãy đồi cát. Cả gia đình anh đang tất bật lo cái ăn cho bầy dông và bầy lợn rừng lai với một “núi” chuối cây và rau đã cắt sẵn.

Gia đình anh từ Huế vào đây lập nghiệp nên chẳng biết làm gì ngoài việc cố sắm cho được chiếc ghe 15 CV (mã lực) làm phương tiện sinh sống trên đầm giống như người dân ở đây. Ngoài khai thác cá, tôm, gia đình còn đầu tư làm đìa nuôi tôm. Lúc đầu, mọi việc suôn sẻ, nguồn sinh lợi khá, ai nấy tưởng chừng “đất mới đãi người hiền”. Nhưng sau một thời gian, môi trường nuôi ngày càng ô nhiễm, dịch bệnh trên tôm, cá xảy ra liên miên khiến việc nuôi trồng lâm vào bế tắc, đầu tư không hiệu quả. Cùng lúc, việc đánh bắt trên đầm cũng nguy khốn, sản lượng thủy sản sụt giảm nghiêm trọng. Đánh bắt càng khó, người ta càng nghĩ ra nhiều dụng cụ đánh bắt hữu hiệu. Đó là việc sử dụng tràn lan lờ Trung Quốc (một dụng cụ lạm sát sinh vật biển vô tội vạ) tại đầm Thủy Triều. Không thể đứng ngoài cuộc, gia đình anh cũng tham gia, mua sắm lờ Trung Quốc để làm phương tiện đánh bắt. Đến khi chiếc lờ bị cấm thì nghề đánh bắt cá trên đầm cũng bị dẹp bỏ.

Nuôi heo rừng lai - một trong những nghề đem lại thu nhập cao cho anh Cường. 
Không biết làm gì ngoài “sở trường” trong nghề thủy sản, theo vận động của Hội Nông dân, anh liền xoay sang nuôi dông - một nghề đang phát triển mạnh bắt đầu từ năm 2007. Bằng vốn nhà cộng vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, anh đầu tư xây dựng chuồng trại trên diện tích ban đầu 1.000m2 đồi cát và mua dông giống, tổng cộng hết 25 triệu đồng. Đồng thời, anh cũng quây lưới B40 xây dựng trại nuôi heo rừng dã chiến.

Niềm hy vọng đổi đời khi “đổ bộ” lên bờ ngày càng lộ rõ khi dông và heo rừng mang lại cho anh nhiều lợi ích bất ngờ. Chỉ một năm sau, con dông đã cho anh số tiền lãi 20 triệu đồng. Với chi phí gần như con số không (nguồn thức ăn rẻ tiền, dễ kiếm từ những thân cây chuối, dây khoai trên đồi cát), anh đã thắng lớn. Việc chăm sóc cho dông gần như không tốn kém bằng cách quây tôn fibro xi măng không cho dông chui ra ngoài. Sáng cho dông ăn, đến trưa, dông chui xuống đất nghỉ. Mỗi lần muốn bắt dông chỉ cần đặt bẫy gài thức ăn một đêm là dông vô đầy. Dông thịt hiện có giá 260 - 280 ngàn đồng/kg; nhà hàng, quán nhậu nào cũng cần nên thịt dông không có đủ để bán. Còn nếu bán giống thì lên tới 300 - 320 ngàn đồng/kg, nhiều lúc bán giống còn hiệu quả hơn nuôi dông thịt. Đối với heo rừng, tuy không biết chọn giống, nhưng anh cũng lặn lội vào tận Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) để tìm mua cho được giống gốc nhập từ Thái Lan. Anh tin chắc đây là giống gốc bởi có hồ sơ nhập khẩu hẳn hoi. Năm đầu, nghề nuôi heo rừng lai chưa có lãi, bởi phải gây đàn nái chuẩn. Nhưng năm sau, tiền bán heo con, sau khi trừ chi phí, anh đã có lãi 120 triệu đồng. Heo rừng cũng như dông, đều không mất công chăm sóc, chỉ cần quây lưới B40 và xây dựng trại dã chiến làm nơi heo trú mưa nắng. Mỗi tháng, trại xuất bán 15 - 20 con heo giống, giá 250 - 270 ngàn đồng/kg. Riêng heo thịt xuất bán lai rai, bình quân 80 - 100kg/con. Đến nay, trang trại của anh không ngừng mở rộng, diện tích nuôi dông đã lên 5.000m2, 3.000m2 đồi cát nuôi heo rừng lai. Tổng đàn heo rừng lai thường xuyên có 120 con, trong đó nái đẻ 10 con và 2 đực giống gốc. Thu nhập hàng năm từ nhông và heo rừng 200 - 220 triệu đồng - con số trong mơ đối với người chủ trại trẻ. Bên cạnh đó, anh vẫn còn duy trì nghề nuôi ốc hương tại cồn Nại. Tuy biết rủi ro cao nhưng anh vẫn cố gắng theo, bởi lợi nhuận đem lại cũng không nhỏ, có khi đến vài trăm triệu đồng mỗi năm nếu thuận lợi.

Mô hình của anh được nhiều nông dân trong và ngoài xã đến tham quan, học tập. Đến nay, xóm 4 đã phát triển đến 90% hộ nuôi dông, vài hộ chuyển hướng nuôi heo rừng lai. Anh sẵn sàng tư vấn, giúp đỡ nông dân về mô hình của mình. Dự định, anh sẽ phát triển hết diện tích đất với khoảng 9.000m2. Hiện nay, công việc của trại, ngoài lao động trong gia đình, anh còn thuê thêm 2 lao động để giúp việc thường xuyên, trả công 1,5 triệu đồng/người/tháng và cả cơm ăn.

Con đường anh đã chọn là bước đột phá trong nghề nghiệp, bởi không dễ vận động ngư dân rẽ hướng. Anh Cường đã thành công ngay chính trên vùng cát trắng quê hương mình.

QUANG VIÊN