Là kỹ sư tin học, nhưng anh Đậu Dương Trần Nguyễn lại không đi theo ngành “thời thượng” ấy mà quyết định trở về quê làm một anh nông dân chân đất. Và chỉ bằng 2 bàn tay trắng, sự tự tin vào năng lực bản thân cộng với niềm đam mê làm vườn, anh Đậu Dương Trần Nguyễn (xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) đã gầy dựng được cơ nghiệp đồ sộ ở nơi “thâm sơn cùng cốc”, điều mà không phải ai cũng có thể làm được…
Là kỹ sư tin học, nhưng anh Đậu Dương Trần Nguyễn lại không đi theo ngành “thời thượng” ấy mà quyết định trở về quê làm một anh nông dân chân đất. Và chỉ bằng 2 bàn tay trắng, sự tự tin vào năng lực bản thân cộng với niềm đam mê làm vườn, anh Đậu Dương Trần Nguyễn (xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) đã gầy dựng được cơ nghiệp đồ sộ ở nơi “thâm sơn cùng cốc”, điều mà không phải ai cũng có thể làm được…
. Từ niềm đam mê “chân đất”
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Cam Lâm (thuộc thị xã Cam Ranh trước đây), anh Nguyễn được cha mẹ cho theo học đại học ngành công nghệ thông tin (Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh), một nghề được coi là thời thượng lúc bấy giờ. Tốt nghiệp ra trường, như những sinh viên khác mong muốn có việc làm ổn định nơi thị thành, anh Nguyễn cũng đã loay hoay làm đủ mọi việc để có thể trụ lại nơi thành phố. Đến khi cảm thấy không thể trụ lại với đồng lương còm cõi từ những công việc làm thêm bằng nghề mình học, anh Nguyễn đã quyết định trở về quê để kiếm cơ hội lập nghiệp. Từ đó, cuộc đời anh bước sang một trang mới, với ngành nghề không dính dáng gì đến chiếc máy tính hay những thuật toán mà anh đã học trên giảng đường, đó là nghề làm vườn. Anh Nguyễn tâm sự: “Từ nhỏ, tôi thích có được mảnh vườn để trồng cây ăn quả. Sau khi tốt nghiệp đại học, tìm việc ở TP. Hồ Chí Minh quá khó khăn tôi quyết định trở về nhà, một mặt được gần cha mẹ, mặt khác tìm kiếm cơ hội thực hiện ước mơ của mình”. Thời gian đó, anh Nguyễn một thân một mình bôn ba khắp các nơi trong tỉnh để tìm vùng đất lý tưởng thực hiện mơ ước. “Đất ở Cam Lâm, Cam Ranh thì tốt, nhưng chỉ thích hợp cho cây xoài. Ở Khánh Vĩnh thì thời tiết lại quá khắc nghiệt, thiếu nước, không phù hợp cho việc trồng các loại cây ăn quả. Chỉ có Khánh Sơn, khí hậu ôn hòa, nhiều nước tưới, rất phù hợp cho việc trồng các loại cây ăn quả lâu năm. Chính vì vậy, tôi đã thuyết phục gia đình đầu tư hơn 200 triệu đồng mua 7.000m2 đất ở Khánh Sơn”, anh Nguyễn cho biết.
. Tự tin, vượt khó dựng “cơ đồ”
Đến với nghề trồng vườn, một nghề hoàn toàn xa lạ với những gì đã được học, lúc đầu anh Nguyễn gặp không ít khó khăn do không biết phải bắt đầu từ đâu. Chỉ với 7ha đất vườn (nguồn vốn từ gia đình), anh Nguyễn bắt đầu thử trồng các loại cây như: cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, mía… Song vào thời điểm đó, cà phê ở thị trường nước ta rớt giá, điều đó khiến anh Nguyễn bị thiệt hại không nhỏ trong việc thu hồi nguồn vốn ít ỏi của mình. Tuy nhiên, với sự tự tin và ý chí của một chàng thanh niên trẻ, nhiều hoài bão, anh Nguyễn đã không ngại khó khăn, gian khổ, tiếp tục kiên trì với con đường đã chọn. “Tôi đi làm đủ thứ nghề để mưu sinh như: xay, rang cà phê thuê, làm rẫy, cuốc mướn… để lấy ngắn nuôi dài. Cứ thế, sau một thời gian dài tìm tòi, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm từ sách, báo, từ những chuyến tham quan thực tế các mô hình trồng trọt từ tỉnh bạn, tôi quyết định đầu tư cho cây sầu riêng và măng cụt (2 loại cây được coi là tương thích với khí hậu, thổ nhưỡng vùng núi Khánh Sơn)”, anh Nguyễn tâm sự. Cứ có bao nhiêu vốn, anh lại đầu tư trồng thêm cây, mở rộng thêm đất và càng ngày trang trại của anh càng được mở rộng cả về diện tích lẫn số lượng cây trồng. Đến bây giờ, anh Nguyễn đã gầy dựng cho mình một trang trại hơn 17ha, với hàng nghìn cây ăn quả các loại, điều mà không mấy thanh niên có thể làm được. Hiện tại trang trại của anh Đậu Dương Trần Nguyễn có khoảng 1.500 gốc sầu riêng; hơn 1.600 cây măng cụt, hơn 100 cây tiêu và các loại cây ăn quả khác như: chôm chôm, mít nghệ, cam, bưởi… Năm vừa qua, gia đình anh Nguyễn thu hoạch được hơn 5 tấn sầu riêng bói (sầu riêng thu hoạch đợt đầu) với nguồn lãi thu về hơn 500 triệu đồng. “Tất cả nguồn lãi thu được, tôi lại tiếp tục đầu tư, mở rộng trang trại và mua sắm trang thiết bị phục vụ cho việc trồng trọt”. Anh Nguyễn cho biết. Hiện anh đã sắm được 2 máy cày gắn rơ-mooc; 1 xe phun thuốc; 4 máy phát cỏ; đầu tư nâng cấp hệ thống tưới tiêu… phục vụ nhu cầu trồng trọt, chăm sóc cây trồng, qua đó tạo việc làm cho hơn chục lao động địa phương với mức lương từ 1,5 đến 1,8 triệu đồng/người/tháng. Với những thành công trên con đường lập nghiệp theo mô hình trồng trọt đạt hiệu quả, nhiều năm liền, anh Đậu Dương Trần Nguyễn được Hội Nông dân xã, huyện biểu dương là nông dân xuất sắc, làm kinh tế giỏi. Không chỉ thế, anh Nguyễn còn được Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện tiến cử vào Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên huyện và được tổ chức Đoàn, Hội tỉnh biểu dương gương thanh niên điển hình xuất sắc làm kinh tế giỏi.
PHÚC HIẾU