12:09, 22/09/2010

Cái tâm của một đại tá Công an

36 năm công tác trong ngành, được thăng chức Phó Công an (PCA) huyện từ rất sớm nhưng Đại tá Lê Văn Đài, PCA huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) luôn sống giản dị, hòa đồng, giữ cái tâm trong sáng nên được mọi người gọi với cái tên trìu mến: Anh Mười.

36 năm công tác trong ngành, được thăng chức Phó Công an (PCA) huyện từ rất sớm nhưng Đại tá Lê Văn Đài, PCA huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) luôn sống giản dị, hòa đồng, giữ cái tâm trong sáng nên được mọi người gọi với cái tên trìu mến: Anh Mười. Gần đây, anh Mười đã làm được việc mà người khác khó có thể làm, đó là thuyết phục một đối tượng sắp thi hành bản án cưỡng chế căn nhà với giá trị tiền tỷ mà không tốn một “viên đạn”.

Đại tá Lê Văn Đài thuộc lớp người tham gia cách mạng từ trước khi đất nước giải phóng. Quê hương ông, xã Diên Sơn là vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Gia đình ông cũng là cơ sở hoạt động cách mạng. “Đây là con đường mà gia đình đã chọn và cũng là sự nghiệp tôi theo đuổi mấy chục năm qua…” - ông tâm sự. Chính vì xác định đúng động cơ, lý tưởng nên ông cảm thấy nhẹ nhàng khi phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân mà không hề tính toán, đắn đo khi làm nhiệm vụ. Sau ngày đất nước giải phóng, ông được ngành Công an cử đi đào tạo Trung cấp Cảnh sát ngắn hạn rồi trở về công tác tại Đồn Công an số 13, khu vực 3 xã: Diên An, Diên Toàn và Diên Thạnh. Đây là “điểm nóng” phức tạp về an ninh, trật tự. Tuy đứng trước nhiều khó khăn, có lúc bị “cám dỗ” nhưng ông vẫn giữ mình trong sạch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Năm 1985, khi thị trấn Diên Khánh được thành lập, ông được bổ nhiệm làm Trưởng Công an kiêm Phó Chủ tịch UBND thị trấn. Đến năm 1992, ông được thăng chức PCA huyện cho đến nay. Dù ở cương vị nào, ông đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, sống giản dị, hòa đồng với mọi người, gương mẫu trong công việc khiến anh em luôn nể phục, quý mến và gọi ông bằng cái tên trìu mến: anh Mười. Trải qua nhiều nhiệm vụ công tác, từ Cảnh sát bảo vệ mục tiêu, phụ trách điều tra, phá án hay hoạt động phong trào, tổ chức xây dựng lực lượng, quản lý hành chính… ông đều làm hết sức mình với cái tâm trong sáng, không tính toán, không nề hà miễn sao đem lại lợi ích cho tập thể, cho nhân dân.

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông thường ít khi đề cập đến thành tích của mình, ngược lại ông trao đổi rất thẳng thắn về những khuyết điểm, yếu kém của bản thân khi để xảy ra chuyện tiêu cực trong lĩnh vực mình phụ trách. Những năm 2005 - 2006, Công an huyện Diên Khánh đã xảy ra một số vụ việc tiêu cực, liên quan đến đạo đức của một số cán bộ, chiến sĩ (CBCS), nhưng sự việc đó không được lãnh đạo quan tâm xử lý, chấn chỉnh kịp thời nên tình hình ngày càng nghiêm trọng, làm mất lòng tin của nhân dân. Cuối cùng đã có 7 CBCS bị xử lý kỷ luật. Chính vì thế, khi cuộc vận động “Xây dựng lực lượng Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ” được phát động (2007), ông cùng tập thể Đảng ủy, lãnh đạo đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kiện toàn lại Ban Chấp hành, nâng cao vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy; phát huy vai trò nòng cốt của người đội trưởng; sắp xếp lại tổ chức nhân sự, tập trung chỉ đạo, điều hành đưa phong trào đi dần vào nề nếp, thực hiện các nhiệm vụ chính trị của lực lượng Công an. Nhờ vậy, tình hình đã được cải thiện, năm 2007 giảm 34% vụ phạm pháp hình sự, giảm 55% vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng…; các nhiệm vụ liên quan như: thực hành tiết kiệm, cải cách hành chính, thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ngày càng đi vào chiều sâu, có kết quả rõ nét. Có 32 CBCS liêm khiết được biểu dương không nhận hối lộ trong thi hành nhiệm vụ. Uy tín của lực lượng Công an huyện được nâng lên.

Gần đây, ông đã có một chiến công thầm lặng khiến ai nấy đều cảm phục về cái tâm trong sáng, hết lòng vì dân của một sĩ quan Công an. Đó là ông được giao nhiệm vụ vận động một đối tượng đang phải đối mặt với việc chấp hành bản án cưỡng chế tài sản là căn nhà trị giá hơn 1 tỷ đồng nằm trên Quốc lộ 1A, thị trấn Diên Khánh. Đây là vụ án dân sự đặc biệt kéo dài hơn chục năm qua gây bức xúc trong dư luận xã hội. Lãnh đạo huyện, các ngành, đặc biệt là ngành Công an đã chuẩn bị một kế hoạch chi tiết, huy động lực lượng lớn trong và ngoài ngành để thực hiện cưỡng chế tháo dỡ căn nhà khi biết chủ nhà quyết tâm kháng cự đến cùng. Thời gian chỉ còn tính bằng giờ. Vậy mà, sau hàng tiếng đồng hồ làm công tác tư tưởng, dùng lời lẽ nhẹ nhàng, phân tích thiệt hơn, ông đã vận động được đối tượng chịu chấp nhận bồi thường cho người bị hại, tránh được hậu quả là phải phá dỡ căn nhà có trị giá quá lớn. Đây là một chiến công thật sự xuất sắc. Ông Lê Thanh Bình, đối tượng được vận động tâm sự: “Chính nhờ chú Mười tác động, tôi mới hiểu ra mình đã làm điều không phù hợp với quy định của pháp luật. Nếu không có chú phân tích thiệt hơn, chắc chắn hậu quả sẽ rất xấu. Việc làm của chú quả không hổ danh là cán bộ Công an của dân”.

Những hành động và suy nghĩ của Đại tá Lê Văn Đài khiến mọi người thực sự cảm phục cái tâm trong sáng, hết lòng vì sự nghiệp cách mạng, vì hạnh phúc nhân dân của ông.

QUANG VIÊN