11:01, 10/01/2019

Công tác cải cách hành chính năm 2018: Nhiều kết quả khả quan

Với nhiều giải pháp đồng bộ trong quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin, năm 2018, tỉnh đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ cải cách hành chính.

 

Với nhiều giải pháp đồng bộ trong quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin, năm 2018, tỉnh Khánh Hòa đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC).


Triển khai toàn diện cơ chế một cửa, một cửa liên thông


Trong năm 2018, cơ chế một cửa, một cửa liên thông được tỉnh triển khai toàn diện, sâu rộng. Với 23 quy chế giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo cơ chế một cửa liên thông và 500 quy trình giải quyết TTHC liên thông, đã giúp UBND tỉnh kiểm soát việc giải quyết của từng cơ quan, đơn vị. Nhờ đó, tỷ lệ hồ sơ trễ hạn đối với các TTHC liên thông giảm mạnh, đặc biệt ở lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, lao động (dưới 3%). Trên 300 TTHC ở hầu hết lĩnh vực được cắt giảm thời gian giải quyết; nhiều thủ tục được cắt giảm từ 1/3 đến 1/2 thời gian so với quy định, nhất là ở lĩnh vực đầu tư, đăng ký kinh doanh, xây dựng, đất đai, tư pháp, nội vụ, văn hóa - thể thao, thông tin - truyền thông... Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trễ hạn của các sở, UBND cấp huyện, xã rất thấp (1,68%, giảm 1,5 lần so với năm 2017).

 

Công chức Sở Tư pháp giải quyết công việc trên phần mềm của Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh.

Công chức Sở Tư pháp giải quyết công việc trên phần mềm của Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh.


Năm qua, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 toàn tỉnh chiếm 13,55%, nâng tổng số hồ sơ trực tuyến được tiếp nhận, giải quyết từ năm 2014 đến nay lên gần 116.000 hồ sơ. Các cơ quan, đơn vị cũng đã tiếp nhận/trả kết quả gần 141.000 hồ sơ qua dịch vụ bưu chính.


Nhiều mô hình giải quyết đạt hiệu quả cao, như mô hình thí điểm đơn giản hóa TTHC lĩnh vực cư trú thuộc thẩm quyền giải quyết của công an tại 14 đơn vị cấp xã. Mô hình đã giải quyết được gần 250 hồ sơ/năm, thời gian giải quyết đối với từng thủ tục cũng giảm rất mạnh (50% trở lên). Qua 6 năm triển khai, Công an TP. Nha Trang giải quyết được hơn 1.500 trường hợp với mô hình Hộ khẩu đến với gia đình chính sách, người già neo đơn, người có hoàn cảnh khó khăn và Hộ khẩu đến với các xã vùng xa trung tâm.


Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy


Thực hiện chủ trương của Trung ương, UBND tỉnh đã kiện toàn tổ chức nhiều cơ quan, đơn vị như: Chi cục Kiểm lâm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Ngoại vụ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Thanh tra tỉnh. Tỉnh đã sáp nhập Đội Thanh niên xung kích, Đội Công tác chuyên trách giải tỏa và bộ phận sự nghiệp thuộc Phòng Quản lý đô thị TP. Nha Trang; kiện toàn Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản; tổ chức lại và thành lập Trung tâm Công nghệ Thông tin và Dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh (Sở Thông tin và Truyền thông); sáp nhập, tổ chức lại Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú Khánh Vĩnh...


UBND tỉnh cũng ban hành 15 quy chế phối hợp liên ngành, 5 quyết định ủy quyền cho các giám đốc sở đối với một số nội dung. Đến nay, tổng biên chế công chức toàn tỉnh là 2.076 người, giảm 32 chỉ tiêu so với năm 2017.


Đẩy mạnh hiện đại hóa hành chính


Hiện nay, toàn tỉnh có 191 cơ quan, đơn vị sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành. Từ đầu năm 2018 đến nay, tỷ lệ văn bản đi/đến chuyển trên môi trường mạng đạt 97,3% trong tổng số văn bản gửi/nhận, riêng văn bản chuyển hoàn toàn trên môi trường mạng không kèm văn bản giấy đạt 71,6%. Một số cơ quan ngành dọc cũng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong giải quyết hồ sơ TTHC như: ngành Thuế, Cục Hải quan, Sở Khoa học và Công nghệ...


Đặc biệt, từ ngày 1-9-2018, Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh được đưa vào sử dụng, cung cấp toàn bộ dịch vụ hành chính công trực tuyến, hỗ trợ các tiện ích của cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh qua một địa chỉ duy nhất trên mạng Internet (http://hanhchinhcong.khanhhoa.gov.vn). Trong đó, phần mềm một cửa điện tử phiên bản mới cho chuyển hồ sơ liên thông đa chiều với các cơ quan, đơn vị. Người dân có thể cập nhật thông tin, tài liệu, văn bản quản lý theo nhu cầu; được hướng dẫn, tư vấn về cơ chế, chính sách; phản ánh, kiến nghị, giải đáp thắc mắc, tra cứu thông tin về TTHC... Người dân chỉ cần vào một đầu mối để nộp hồ sơ trực tuyến đối với các thủ tục trực tuyến mức độ 3, 4; tra cứu tiến độ giải quyết; thanh toán phí, lệ phí trực tuyến không phân biệt mức độ 2, 3, 4... Từ ngày 1-12-2018, UBND tỉnh cho phép thanh toán trực tuyến 30 TTHC và tiếp tục mở rộng áp dụng trong quý I/2019.


Ông Nguyễn Trọng Thái - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, năm 2018, các nhiệm vụ CCHC mà tỉnh đề ra đều cơ bản hoàn thành. Trong đó, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, nổi bật là việc đưa vào vận hành Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh. Việc ghép nối, liên thông TTHC được đẩy mạnh; tỷ lệ hồ sơ trễ hạn rất thấp. Năm nay, sở sẽ tham mưu tỉnh tiếp tục cắt giảm thời gian giải quyết TTHC và rà soát, ghép nối các TTHC có liên hệ chặt chẽ với nhau để cho phép giải quyết trên một quy trình; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công và tích hợp, liên thông cơ sở dữ liệu.


NGUYỄN VŨ