Ở nơi đầu sóng, quần đảo Trường Sa là thành lũy thép hiên ngang giữa trùng khơi. Những âu tàu kiên cố, những nhà máy sửa chữa tàu hiện đại… luôn là điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.
Âu tàu đảo Đá Tây là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển. |
Sẵn sàng ứng cứu
Đến đảo Đá Tây, hiện ra trước mắt chúng tôi là âu tàu lớn, hiện đại, có khả năng chứa đến hơn 200 tàu cá cùng 3 bến cập tàu hàng hóa dịch vụ, xếp dỡ hải sản. Bên cạnh đó, ở đây còn có khu nhà phân loại hải sản, xưởng sản xuất đá cây công suất 832 cây/ngày; 2 kho lạnh có tổng công suất 100 tấn để bảo quản hải sản… Hệ thống cơ sở hạ tầng này do Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây (thuộc Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ khai thác hải sản Biển Đông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) quản lý, khai thác. Trong năm 2023, trung tâm đã cung ứng cho ngư dân khoảng 282.000 lít dầu, hỗ trợ cho ngư dân hơn 29 tấn lương thực, cung cấp hơn 115.000 cây đá và gần 2.500 lít nước ngọt miễn phí. Trong 4 tháng đầu năm 2024, trung tâm cung cấp cho ngư dân hơn 100.600 lít dầu, hơn 26.000 cây đá, hơn 2 tấn lương lực và hàng nghìn lít nước ngọt miễn phí.
Các cán bộ của Trung tâm Dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật Trường Sa sửa máy tàu cho tàu cá của ngư dân. |
Ông Trương Khắc Định - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây cho biết, hàng năm, trung tâm còn cứu hộ, cứu nạn tàu và các thuyền viên; sửa chữa nhiều tàu cá bị hỏng máy, mắc cạn ở rạn san hô. Cụ thể như: khoảng 2 giờ 30 một ngày tháng 3, trung tâm đã kịp thời điều tàu tới cứu một ngư dân bị ngộ độc do ăn cá lạ. Sau khi sơ cứu, trung tâm đã phối hợp với bộ đội và bác sĩ trên đảo cứu ngư dân thoát khỏi nguy kịch. Hiện nay, trung tâm có 10 tàu cứu hộ, mỗi tàu 9 thuyền viên, luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có tín hiệu cần giúp đỡ từ ngư dân.
Được biết, trong những năm qua, công tác hỗ trợ ngư dân, cung ứng hàng hóa dịch vụ tại trung tâm luôn được thực hiện chu đáo. Các hoạt động của trung tâm đã mang lại lợi ích thiết thực cho hàng nghìn tàu cá đánh bắt ở vùng biển Trường Sa - DK1. Các dịch vụ, ưu đãi mà trung tâm cung cấp cho ngư dân đã mang lại niềm tin, là chỗ dựa vững chắc cho những con tàu ra khơi bám biển. Qua đó, góp phần đảm bảo sự hiện diện thường xuyên của ngư dân trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển
Đến đảo Trường Sa vào những ngày đầu tháng 5, âu tàu của đảo đang có hàng chục tàu cá của ngư dân các tỉnh: Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định… vào tiếp nhiên liệu, sửa chữa. Âu tàu có độ sâu lớn, hệ thống cầu cảng, dịch vụ, phao neo đậu an toàn và diện tích đủ đáp ứng cho 300 - 350 tàu cá vào neo đậu. Bên cạnh đó, hệ thống nhà xưởng hiện đại được trang bị các máy móc chuyên dụng đáp ứng nhu cầu sửa chữa, tiếp nhiên liệu, cung cấp nước ngọt và đá cho các tàu cá. Ngoài ra, ở đây có khu nhà làng chài với 48 phòng ở khép kín, đáp ứng lưu trú cho khoảng 500 ngư dân cùng vào tránh trú bão. Đây luôn được coi là địa chỉ tin cậy, an toàn của ngư dân cả nước mỗi khi có bão, tàu hết nhiên liệu hoặc bị hỏng hóc.
Đang neo đậu tàu tại âu tàu ở đảo Trường Sa, ông Lê Xuân Dư (thuyền trưởng tàu cá NT 90228 TS) chia sẻ, trung bình mỗi chuyến tàu vươn khơi kéo dài khoảng 1 tháng. Trước đây, khi chưa có các âu tàu, mỗi lần nghe tin sắp có giông bão, tàu của ngư dân phải chạy về bờ nên tốn kém, thiệt hại nhiều. Từ khi có âu tàu tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, mỗi khi nghe tin có bão hoặc sắp hết nhiên liệu, ngư dân yên tâm cho tàu vào neo đậu, nghỉ ngơi, tiếp nhiên liệu, kiểm tra lại máy móc. Giữa trùng khơi, có một nơi để về đã cho chúng tôi cảm giác Trường Sa là hậu phương vững chắc của ngư dân.
Trung tâm Dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật Trường Sa tặng cờ Tổ quốc và áo phao cho ngư dân. |
Thiếu tá Trần Cộng Hòa - Chỉ huy trưởng Trung tâm Dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật Trường Sa (thuộc Hải đoàn 129 Quân chủng Hải quân) cho biết, trung tâm được Hải đoàn 129 tiếp nhận, đưa vào sử dụng từ tháng 1-2019. Hơn 5 năm qua, trung tâm đã đón, hướng dẫn hỗ trợ gần 10.000 lượt tàu vào âu tàu. Chỉ tính riêng trong năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024, trung tâm đã đón hơn 2.500 lượt tàu cá vào âu tàu. Trung tâm đã trực tiếp và phối hợp với các lực lượng trên đảo tặng gần 3.000 lá cờ Tổ quốc, 230 áo phao, cung ứng gần 100.000 lít dầu, cấp miễn phí hơn 1.400m3 nước ngọt cho ngư dân. Trung tâm còn hỗ trợ sửa chữa thành công 49 tàu cá của ngư dân các tỉnh miền Trung, trong đó không ít tàu bị hỏng nặng có nguy cơ phải kéo về đất liền. Nhờ đó, đã góp phần giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, giúp ngư dân tiếp tục hải trình vươn khơi.
Thắm tình quân dân
Đến các đảo: Trường Sa, Sinh Tồn, Song Tử Tây hay Đá Tây, điều chúng tôi cảm nhận sâu sắc chính là tình quân dân gắn kết bền chặt. Trò chuyện với chúng tôi, chị Bùi Thị Kim Ngọc (xã Sinh Tồn) cho biết, cán bộ, chiến sĩ thường xuyên quan tâm, giúp đỡ gia đình chị, thỉnh thoảng còn tặng vợ chồng chị các phần quà được gửi từ đất liền ra. "Được sự quan tâm, giúp đỡ của bộ đội hải quân, gia đình tôi cảm thấy rất ấm lòng nơi đảo xa. Chồng tôi là Lê Thanh Liêm tham gia Tiểu đội dân quân tự vệ của xã với mong muốn đóng góp phần công sức nhỏ bé vào nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo”, chị Ngọc tâm sự.
Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây hỗ trợ thực phẩm cho ngư dân. |
Ông Lê Quang Trung (công chức văn hóa - xã hội UBND thị trấn Trường Sa) cho biết, cuộc sống trên đảo dù khó khăn, thiếu thốn nhưng nhờ sự đùm bọc, đoàn kết giữa các đơn vị bộ đội và các hộ dân nên nỗi nhớ quê, nhớ đất liền đã nguôi đi nhiều. Vào ngày lễ, UBND thị trấn lại lên chương trình giao lưu văn nghệ, thể thao giữa chiến sĩ và người dân trên đảo; các hộ dân quây quần cùng với cán bộ, chiến sĩ tham gia gói bánh chưng, hái hoa dân chủ, cùng đón giao thừa vào dịp Tết... Những hoạt động thiết thực đó đã giúp tăng cường mối đoàn kết quân dân một lòng, nỗ lực vượt khó, xây dựng đảo vững mạnh.
Chia sẻ với phóng viên, Thiếu tá Lý Quý Cường - Chính trị viên cụm chiến đấu 2 đảo Trường Sa cho biết, sự gắn kết giữa quân và dân là yếu tố cực kỳ quan trọng. Vì vậy, cán bộ, chiến sĩ luôn quan tâm tăng cường mối đoàn kết, gắn bó với nhân dân trên đảo, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết. Cán bộ, chiến sĩ luôn hỗ trợ khi người dân cần; người dân cũng giúp đỡ chiến sĩ bằng những việc làm cụ thể, bình dị. Sự gắn bó, đoàn kết của quân và dân đã tạo nên sức mạnh tinh thần, càng giúp Trường Sa vững vàng nơi đầu sóng!
VĂN KỲ
Kỳ 3: Chung tấm lòng hướng về biển, đảo thiêng liêng
Kỳ 4: Sớm trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin