11:03, 26/03/2015

Nên bỏ thời hạn thực hiện quy định về hình thức?

Theo Bộ luật Dân sự năm 2005 nếu giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức, vốn là điều kiện có hiệu lực của giao dịch, thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn, quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch đó vô hiệu.

Theo Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 nếu giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức, vốn là điều kiện có hiệu lực của giao dịch, thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn, quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch đó vô hiệu.


Nội dung dự thảo BLDS sửa đổi đã kế thừa quy định trên và bổ sung một số nội dung quan trọng. Tuy nhiên, dự thảo vẫn chưa giải quyết được những hạn chế từ thực tiễn xét xử đối với tranh chấp hợp đồng có vi phạm về hình thức, cụ thể:


Thứ nhất, cơ quan có thẩm quyền khác có quyền quyết định buộc các bên phải thực hiện quy định về hình thức của hợp đồng là cơ quan nào? Thực tiễn chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn và dự thảo cũng chưa đề cập cụ thể.


Thứ hai, thời hạn phải thực hiện lại hình thức hợp đồng cũng chưa quy định thời gian cụ thể là bao lâu, đối tượng phải thi hành quyết định này ra sao? Trên thực tế, thời hạn này cũng được quy định rải rác ở một văn bản dưới luật. Chẳng hạn như trong hợp đồng mua bán nhà, Nghị quyết 01/2003 ngày 16-4-2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn, thời gian nói chung mà các bên phải đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để làm lại hình thức hợp đồng là 1 tháng, kể từ ngày Tòa án ra quyết định. Quá thời hạn này, mà các bên không thực hiện thì Tòa án  tuyên bố hợp đồng vô hiệu.


Trong các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, Nghị quyết 02/2004 ngày 10-8-2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao lại không hướng dẫn về việc yêu cầu các bên phải hoàn chỉnh hình thức giao dịch có tranh chấp, và cho đến nay chưa có hướng dẫn thi hành nên trong thực tiễn xét xử đã gặp nhiều vướng mắc, bất cập, dẫn đến tình trạng xét xử mỗi nơi xử mỗi kiểu. Vì thế, Tòa Dân sự - Tòa án nhân dân Tối cao đã hướng dẫn cho các thẩm phán khi xử lý các vụ này phải áp dụng tương tự cách giải quyết với dạng hợp đồng mua bán nhà như Nghị quyết 01 nói trên.


Trong khi đó, từ thực tiễn xét xử giám đốc thẩm, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao lại cho rằng: Đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà vi phạm về hình thức nhưng sau đó đã được UBND cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… mà có phát sinh tranh chấp và từ ngày 1-7-2004 mới có yêu cầu Tòa án giải quyết, thì hợp đồng vẫn được công nhận hợp pháp.


BLDS năm 2005 đã có sửa đổi bổ sung theo hướng các giao dịch nói chung và hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nói riêng đều phải tuân thủ về hình thức. Vì vậy, trên thực tế xét xử, nếu thấy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất không tuân thủ về hình thức, thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định buộc một hoặc các bên phải đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để hoàn chỉnh hình thức trong thời hạn 1 tháng.  


Tuy nhiên, trên thực tế, chẳng có vụ án nào các bên lại thực hiện được việc hợp thức hình thức hợp đồng. Lý do là yêu cầu này mâu thuẫn với quy định của Luật Công chứng, Luật Đất  đai. Chẳng hạn, theo luật, Công chứng viên sẽ từ chối thực hiện công chứng lại hợp đồng theo quyết định của Tòa án, vì hợp đồng giao dịch đang có tranh chấp, đang được Tòa án thụ lý giải quyết. Theo quy định, để được công chứng hợp đồng, các bên  đương sự phải rút đơn khởi kiện, việc công chứng chỉ thực hiện được khi có quyết định đình chỉ có hiệu lực của Tòa án?! Vì thế nội dung quy định về việc ấn định thời hạn như điều luật này chỉ tồn tại trên... giấy!


Những bất cập nêu trên cho đến nay vẫn chưa được khắc phục. Do đó, BLDS sửa đổi cần được nghiên cứu chỉnh sửa, nên bỏ quy định về việc ấn định thời hạn thực hiện hợp đồng về hình thức.


Luật sư Nguyễn Hồng Hà